Chương 23

Khánh Hi Kỷ Sự

48.433 chữ

29-12-2022

Mùng một tháng Ba, Vương Cử chủ động đón đánh bảy vạn người bộ tộc Hung Nô ở phía bắc cách Nỗ Tây A Hà trăm dặm.

Hai lộ quân Chấn Bắc đông tây mỗi bên năm vạn kị binh, thừa dịp Hung Nô chưa vững chân, hai cánh giáp công, giết cho địch không kịp trở tay, vội vàng chạy trốn.

Quân Chấn Bắc đánh lén dọc đường, chém hơn năm nghìn đầu quân địch.

Lương vương Tất Long sợ đại quân vào sâu dễ bị phục kích nên đuổi hai trăm dặm thì thu binh trở về doanh trại bờ phía nam Nỗ Tây A Hà.

Tất nhiên hoàng đế hết sức vui mừng, trừ việc khao thưởng quân Chấn Bắc ra thì người nhà Vương Cử, thậm chí hoàng hậu cũng được ban thưởng.

Còn về Lương vương Tất Long, vì vương phi của anh ta – công chúa Cảnh Giai đã sinh ra đích trưởng tử nên hoàng đế lấy ý “chiến thắng”, tự mình ban tên “Đa Hưng”.

Song mật báo Tịch Tà nhận được không để hoàng đế được vui.

Trong chuyện lui quân, Tất Long và Vương Cử có sự bất đồng rất lớn, thậm chí tranh cãi ngay trước quân, cuối cùng Lương vương mang ý chỉ của hoàng đế ra, mới cản Vương Cử lại.

Hoàng đế nghe hắn bẩm tấu xong thì than thở: “Tất Long hiểu ý triều đình hơn Vương Cử, nhưng muốn trẫm ủng hộ anh ta tức là tước quyền của Vương Cử, như thế thì tất nhiên không cần nhắc đến mục đích chúng ta mượn cơ hội ngăn chặn thế lực Lương châu nữa”.

“Quân Chấn Bắc tiến hay lùi phải mời chư tướng bộ binh bàn lại quyết sách, nhưng hiện nay thảo nguyên phía nam Nỗ Tây A Hà quyết không được đánh mất.

Nếu hoàng thượng lo về Tất Long, chi bằng đưa mật dụ cho Vương Cử bắt ông ta cố thủ”.

Hoàng đế gật đầu: “Lúc này không thể mài mòn nhuệ khí của quân Chấn Bắc, đây là cách ổn thỏa nhất”.

Hắn ta tự tay viết dụ thư rồi tháo một ấn vàng nho nhỏ từ trên hông xuống để ấn lên hai chữ “Tĩnh Nhân” đỏ tươi vào đoạn cuối của mật dụ.

Tịch Tà cần thận bọc lại rồi sai người đưa đi gấp.

Hôm sau Ông Trực dẫn trọng thần bộ binh chạy tới Thượng Giang, không ngừng tranh luận về chuyện tiến thoái của quân Chấn Bắc.

Hoàng đế nghe cả buổi chiều cũng chưa có điểm cốt yếu.

Hắn ta ra lệnh cho mọi người tản đi, ai nấy đều chọn chỗ nghỉ ngơi, sau đó hỏi Tịch Tà: “Khanh xem Ông Trực nói rất ít là vì cớ gì?”.

“Ông Trực đã học được cách phỏng đoán ý thánh, nô tỳ nghe lời nói của ông ta thì có vẻ đã đoán sai ý hoàng thượng, cho rằng hoàng thượng bực Tất Long lui binh, nhưng trong lòng lại thấy tùy tiện tiến quân quá hấp tấp, trong chốc lát nghĩ không ra”.

“Thì ra là thế”.

Hoàng đế buồn bực bảo: “Sự việc quan trọng mà ông ta còn cất giấu ý nghĩ riêng.

Mời ông ta đến dùng bữa tối với trẫm, trẫm có lời”.

Chẳng bao lâu Ông Trực nơm nớp lo sợ đi đến, ngồi ở dưới tay hoàng đế, cả người không được tự nhiên.

Nội thần qua lại không dứt dâng thức ăn lên rồi mở nắp ra, Cát Tường nếm mỗi thứ một ít sau đó kính mời dùng bữa.

“Dùng đi”.

Hoàng đế mỉm cười nói với Ông Trực.

“Vâng”.

Ông Trực run rẩy cầm đũa lên, đợi hoàng đế động trước mới cẩn thận ăn hai miếng.

Im lặng ăn cơm xong, hoàng đế lại ngồi xuống trước giường, ban ghế cho Ông Trực ngồi thưởng trà.

Hoàng đế nghỉ một lát mới nói: “Ông khanh, từ thời tiên đế khanh đã nhậm chức ở bộ binh, năm đó chủ trì quản lý binh mã lương bổng của quân Chấn Bắc.

Những năm Thượng Nguyên nhiều lần dùng binh với Hung Nô, đại thắng khải hoàn, không thể bỏ qua công lao của khanh.

Trước khi tiên đế băng hà đã chỉ ra mấy vị đại thần tài năng kiệt xuất sau này trọng dụng để phò tá trẫm, Ông khanh cũng nằm trong số đó”.

“Vâng, tiên đế ban hoàng ân mênh mông cho thần, thần suốt đời khó quên”.

“Trẫm còn trẻ…” Hoàng đế than thở: “không có kiến thức sâu rộng như tiên đế, nhiều năm qua ngoại trừ khách sáo với các vị lão thần ra thì chưa từng cho các khanh cơ hội thi triển hoài bão tài năng như cá gặp nước.

Nói ra, hiền tài mà không được lộ tài, tướng giỏi mà chẳng được cầm quân cũng là một loại bạc đãi, là lỗi của trẫm”.

“Hoàng thượng!” Ông Trực kinh hãi: “Chúng thần có tài đức gì, xin hoàng thượng chớ nói lời ấy”.

Hoàng đế lắc đầu, khẩn thiết nói: “Không.

Trong triều không ai tài trí bình thường, làm quân vương mà không dùng hết cái tài của bề tôi cũng là tội lớn đối với triều đình, đối với tổ tông.

Vừa rồi trẫm còn nhớ hơn mười năm trước Ông khanh ở trước tiên đế giỏi quyết đoán can gián thế nào, nay lại sầu lo, ít nói thẳng.

Nếu như trẫm có chỗ nào khiến các khanh lo lắng thì hôm nay cứ việc nói hết ra, trẫm sẽ sửa đổi”.

“Hoàng thượng”.

Ông Trực quỳ rạp xuống đất, mồ hôi và nước mắt cùng chảy ra, không ngừng dập đầu: “Thần không một lòng một dạ hầu hạ hoàng thượng, thần tội đáng muôn chết”.

“Mau đứng lên, mau đứng lên.

Trẫm không có ý trách khanh”.

Hoàng đế vội vàng đứng lên đỡ ông ta dậy, giọng nói không khỏi run rẩy: “Ông khanh, giang sơn này không phải của một mình trẫm, tiền thuế của trăm họ trong thiên hạ nuôi trẫm, cũng nuôi đại thần trong triều.

Lẽ nào trẫm với Ông khanh, và mấy ngàn thần công triều đình không nên dốc lòng dốc sức, chẳng vì họ thì cũng coi như vì lương tâm của mình được thanh thản ư?” Hắn ta trầm mặc một lát, ép mình khôi phục tâm trạng trong tiếng nghẹn ngào của Ông Trực: “Trẫm có bao nhiêu người có thể trông cậy chứ? Nếu như Ông khanh cũng không chịu nói thật thì trẫm còn có hi vọng gì nữa? Hôm nay quân thần chúng ta nói cho rõ ràng, được không?”.

“Vâng.

Nếu hoàng thượng đã nói như vậy, thần liều chết nói thẳng”.

Ông Trực chỉ cảm thấy ấm ức bao nhiêu năm đều xông hết lên đầu,đoán rằng mấy năm nay hoàng đếcũng như vậy.

Ông ta lấy khăn tay ra, lau nước mắt trên mặt rồi bật thốt lên: “Từ khi hoàng thượng đăng cơ, thái hậu hạ chiếu tru diệt phản nghịch Nhan vương trước tiên.

Lúc đó tuy mười mấy đại thần liên đới chết chưa hết tội nhưng trong đó cũng có không ít bề tôi thường ngày chính trực.

Nghịch vương thế lớn, lại kiêm thống lĩnh quân Chấn Bắc nhiều năm, bao nhiêu quan viên trong triều đều có can hệ dây mơ rễ má với nghịch vương.

Nhất là đại tướng bộ binh, hầu như đều do nghịch vương đề bạt, ai mà chẳng cảm thấy bất an? Vả lại…” Ông Trực nói được một nửa, ngay cả mình cũng lấy làm kinh hãi, do dự một lát.

“Vả lại, năm đó bốn phiên vương cần vương đã thành triều đình nuôi ong tay áo, bất kể các đại thần dựa vào nơi nào thì ngày sau cũng đều là hậu hoạn vô cùng.

Nói một câu vì phiên vương, chỉ sợ chọc giận hoàng đế; đứng ở bên hoàng đế, chỉ sợ bị phiên vương lục ra íat chuyện cũ năm xưa, khó có thể tự bảo vệ mình”.

Hoàng đế thở dài: “Đúng không?”.

“Hoàng thượng… thánh minh”.

Ông Trực cúi đầu.

“Trẫm cam đoan với khanh”.

Hoàng đế bảo: “Đã bao nhiêu năm rồi không thấy người cũ của Nhan vương làm loạn, chẳng lẽ còn chưa đủ để chứng minh sự trong sạch của các khanh? Về sau nếu ai dám lấy chuyện này ra khích bác ly gián thì trẫm tuyệt không dễ dàng tha thứ”.

“Tạ chủ long ân”.

Ông Trực quỳ phịch xuống: “Ngô hoàng nhân từ thánh minh”.

Hoàng đế trấn an xong, dần nói đến chuyện chính: “Ông khanh có chủ trương gì trong cuộc bàn bạc hôm nay?”.

Ông Trực thưa: “Theo thần thấy, đại quân vẫn nên cố thủ Nỗ Tây A Hà mới thỏa”.

“Vì sao?” Hoàng đế hỏi.

Ông Trực đáp: “Quân Chấn Bắc hiện giờ không thể sánh với quân Chấn Bắc thời tiên đế.

Trong hai lần ra khỏi Nhạn môn vào năm Thượng Nguyên thứ sáu, thứ chín, ba mươi vạn đại quân đều là tinh kỵ khinh giáp, lương thảo sung túc, có thể tập kích cả đoạn đường dài.

Từ sau khi nghịch vương nhận tội, quân Chấn Bắc chia năm xẻ bảy, đa số tinh binh mã thất bị phiên vương chia nhau, kỵ binh chừa lại chỉ được mười hai vạn.

Mặc dù thuế khóa triều đình trưng thu cũng đủ cho quân bị cho ba mươi vạn đại quân trong một năm, nhưng ngựa còn thiếu, dù đưa tất cả chinh dũng[1] điều tới Lạc châu đến tiền tuyến nhưng đa số đều là bộ binh.

So sánh với kị binh của Hung Nô thì e là không đuổi kịp, một khi quân tiên phong bị phục kích thì hệt như nước xa khó cứu lửa gần.

Hoàng thượng để đại tướng quân Chấn Bắc Vương Cử cố thủ, chặn tiệt con đường phải đi qua khi Hung Nô xuôi nam, phong tỏa thảo nguyên màu mỡ, không để có cơ hội hồi sức là thượng sách, từ đầu thần đã hết sức tán thành, không có ý kiến khác.

Trung nguyên dây dưa trăm năm với Hung Nô, hoàng thượng không thể ôm tâm lý ăn may vừa đánh một trận đã phá được, phải có quyết tâm khổ chiến trường kì”.

“Khanh nói đúng”.

Hoàng đế cả mừng, gật đầu không ngừng khen: “Nay Vương Cử và Tất Long quá bất đồng, khanh xem có thượng sách gì không?”.

“Tất Long có thân phận thân vương, Vương Cử lại là đại tướng vâng mệnh mang phù tiết và rìu búa, tất nhiên sẽ giằng co không ngừng.

Theo thần thấy, cần phải sai một hậu duệ hoàng thất đức cao vọng trọng lĩnh chỉ của hoàng thượng tới giám quân mới xong”.

“Hậu duệ hoàng thất đức cao vọng trọng?” Hoàng đế suy ngẫm: “Thân vương Cảnh Hựu – hoàng huynh của trẫm – thì thế nào?”.

Ông Trực đáp: “Hoàng thượng tin tưởng thân vương Cảnh Hựu thì tất nhiên là tốt.

Nhưng người thần nghĩ đến là Sào vương Lương Dũng”.

“Ồ?” Hoàng đế mỉm cười: “Ông khanh cứ việc nói thẳng”.

“Vâng.

Thân vương Cảnh Hựu rất mực tài ba, năm đó cũng là một ứng cử viên cho vị trí trữ quân, phái ngài ấy tới trước quân sẽ có tranh cãi.

Thân vương có thêm nỗi lo thì còn lĩnh binh thế nào được nữa? Sào vương là hàng chú của hoàng thượng, luận thân phận càng cao hơn; luận tài cán…” Ông Trực cười: “Chức giám quân chỉ cần một lòng tuân theo ý chỉ của hoàng thượng, tài cán ấy à…”.

Hoàng đế gật đầu, quân thần hai người đều ngầm hiểu lẫn nhau, ngậm miệng không nhắc đến Thành Thân vương Cảnh Nghi, lập tức quyết định là Lương Dũng.

Lúc bấy đêm đã khuya, Ông Trực xin cáo lui, hoàng đế bèn vẫy tay về phía sau tấm bình phong: “Khanh thấy thế nào?”.

Tịch Tà thong thả đi ra, cười nói: “Vạn tuế gia thánh minh, nô tỳ không biết nói gì hơn”.

Người hắn vẫn đang khẽ run, hoàng đế hỏi: “Khanh mệt rồi à?”.

“Hơi mệt ạ”.

Lui khỏi các Ỷ Hải, biển rừng dưới chân cuồn cuộn rít gào, có tiếng thét chói tai của ai đó truyền tới từ trong vực sâu nơi đáy biển, mơ hồ như âm thanh đã không còn nhớ rõ.

Quả thật đã rất lâu không có ai nhắc tới, hai chữ “Nhan vương” giống như thể châm ngòi nổ, vẫn có thể làm trái tim Tịch Tà nổ nát bấy bất cứ lúc nào chỗ nào, làm kiếm sắc chảy trong máu tuốt khỏi vỏ.

Hắn thấy hai tay mình run rẩy, đằng đằng sát khí, sương máu lềnh bềnh trong màn đêm trống trải, một mình một bóng không chốn để về.

“Sao còn ở đây?” Hoàng đế đứng ở hành lang hỏi.

“Hôm nay nghỉ sớm, nô tỳ đang nghĩ xem đi đâu”.

“Không có chỗ để đi thì ở với trẫm một lát”.

Tịch Tà cười hỏi: “Còn nói chuyện chính vụ ạ?”.

“Không muôn nói nữa à? Chơi cờ cũng được”.

“À… Vâng”.

Tịch Tà giật mình: “Tuân chỉ”.

Cuối cùng cơn mưa ngắt quãng rơi gần nửa tháng cũng tạnh hẳn, tin vui truyền đến.

Công chúa Cảnh Ưu và vương tử Đoàn Bỉnh của Đại Lý đã thành hôn viên mãn, còn Lương Dũng cũng vui vẻ phụng chỉ, chọn ngày lên kinh gặp vua.

Mặc dù phương bắc chưa đại thắng nhưng tin chiến thắng vẫn liên tiếp báo về.

Theo mật báo của Như Ý, Đoàn Bỉnh chẳng những ngoài mặt hết sức hòa hợp với Như Ý, còn sai tâm phúc thường xuyên lui tới.

Sau khi xem xong, Tịch Tà luôn cảm thấy chắn chắn tâm phúc đó là Tống Biệt, nhưng bản thân lại không thích Tống Biệt qua lại với Như Ý, sẽ sinh thêm rắc rối.

Hôm sau điệp báo của Tống Biệt cũng đến, thì ra là do Đoàn Bỉnh bày mưu tính kế, lường trước vị thái tử cũng rục rịch rồi.

Việc đã đến nước này, Tịch Tà chỉ đành trả lời, xin Tống Biệt quan tâm đến Như Ý nhiều hơn, cẩn thận anh ta rơi vào tầm ngắm của Đoàn Bỉnh.

Hắn phái Tiểu Thuận Tử đưa công văn và mật thư của kinh doanh cho Lý Sư, thấy đã đến lúc hoàng đế dậy thì sửa sang cung phục tới trước các Ỷ Hải, chỉ thấy một mình Tiểu Hợp Tử ở bên ngoài.

“Tôi tới muộn rồi à?”

“Không muộn, không muộn ạ”.

Tiểu Hợp Tử tiến lên hành lễ với Tịch Tà, thưa rằng: “Vạn tuế gia ra bờ sông câu cá, gọi sư thúc cũng qua đấy”.

Tịch Tà cười nói: “Hoàng thượng vẫn còn câu cá à? Hễ chiến là bại mà không thấy chán”.

“Đúng thế”.

Tiểu Hợp Tử cũng cười.

Quả nhiên thấy hoàng đế mặc quần áo bình thường ngồi trên ghế ở bờ sông, bốn phía trang nghiêm, không ai dám thở mạnh một cái.

Tịch Tà đành lặng lẽ đến gần, nhẹ nhàng nói: “Hoàng thượng vạn phúc kim an”.

“Ừ”.

Hoàng đế quay đầu: “Ngồi bên kia đi, tấu sớ đều mang hết đến nơi này rồi.

Cả ngày ở trong phòng, đúng là lãng phí ngày xuân đẹp như vậy”.

Trên mặt sông khúc chuêts phía đông là màu đỏ tươi sáng ngời, chim xanh trong rừng cảm nhận được cái ấm áp điềm tĩnh của cảnh xuân, cất tiếng véo von.

Ánh mặt trời càng lên càng cao hắt xuống quanh người Tịch Tà, làm cái lạnh vào sáng sớm của hắn bốc hơi mất.

Ánh nắng chiếu tỏ trên tấu chương dần làm bỏng mắt hắn, lúc ngẩng đầu nhìn lến, hoàng đế vẫn bình tĩnh, mắt nhìn chằm chằm vào mặt sông.

“Vẫn chưa mắc câu ạ?” Tịch Tà lén hỏi Cát Tường.

“Chưa”.

Cát Tường cười nói: “Đợi ăn trưa xong hẵng nói”.

“Ăn trưa xong?” Tịch Tà bừng tỉnh, cười trộm với Cát Tường.

Bữa trưa bày ở bờ sông, hoàng đế không tập trung, tranh thủ hỏi Tịch Tà mấy chuyện, cuối cùng cau mày nói: “Trẫm không tin không mắc câu”.

Đoạn phất tay áo lại ngồi về chỗ cũ.

Hồ Động Nguyệt cầm cấp báo tiến đến nhưng không dám quấy nhiễu, chỉ đành đưa cho Tịch Tà.

Đây là cấp tấu của Vương Cử, Tịch Tà vội vàng mở ra xem rồi đi tới bên hoàng đế, nhỏ giọng nói: “Hoàng thượng, Vương Cử cấp báo, quân Chấn Bắc lại đại thắng, diệt mười một ngàn địch…”.

“Có rồi!” Hoàng đế quát to một tiếng.

Lúc này dây câu khẽ động, quả nhiên có một con cá chép màu đen mắc câu.

Hoàng đế đuổi nội thần tiến lên giúp một tay đi, vội vàng bắt nhấc cần, cá chép quẫy hai cái trên mặt đất, hoàng đế tháo nó ra khỏi lưỡi câu rồi lại ném vào trong nước, đứng lên quát: “Nhìn con cá này thoi thóp đã biết là các ngươi phá rối, ra hết đây cho trẫm”.

Dưới nước nổi lên một chuỗi bọt khí, nguyên là tiểu thái giám móc cá dưới đáy nước cho hoàng đế nghe vậy thì kinh hãi, uống phải mấy ngụm nước, chui ra khỏi mặt nước không ngừng ho khan, mặt đầy nước mắt nước mũi song vẫn cố nói: “Vạn tuế gia thứ tội”.

Hoàng đế cười bảo: “Các ngươi cho rằng trẫm là kẻ không tự biết mình sao? Trẫm đã bao giờ câu được cá ở Thượng Giang chưa? Sao các ngươi không nghĩ ra bản lĩnh nịnh bợ này sớm hơn? Rặt một đám ngu xuẩn”.

“Không thể giấu được vạn tuế gia…” Tiểu thái giám đó bị gió thổi, cóng đến run rẩy mà mồm miệng vẫn rất lanh lợi: “Nô tỳ vốn bảo không có tác dụng, vạn tuế gia đâu phải muốn câu mấy con cá, vạn tuế gia là Khương thái công câu cá[2], ý tại Bái công[3]”.

Hoàng đế tức giận đến bật cười, dường như phía sau cũng truyền đến tiếng cười vui của Tịch Tà.

Lúc này sông xanh giữa ngày xuân và tuyết đọng trên núi xa đều tươi sáng, trong veo động lòng người.

Trong lòng hoàng đế đầy ắp vui sướng bừng bừng, ném cần câu đi, nói với Tịch Tà: “Chúng ta cưỡi ngựa đi dạo nào”.

“Vâng”.

Tịch Tà cất tấu chương rồi đuổi theo.

Ngựa của hoàng đế rất nhanh, chạy hết tốc lực dọc theo bờ sông một hồi, mới giơ roi cười to: “Hay!”

“Hoàng thượng”.

Tịch Tà đuổi theo gọi: “Hoàng thượng, nô tỳ còn chưa nói hết.

Hoàng thượng nghe xong đừng mất hứng”.

Hoàng đế quay đầu cười nói: “Gì thế?”.

“Mặt sau tấu chương của Vương Cử là cực lực xin tiến quân…”

“Để trẫm xem”.

Hoàng đế chộp lấy sổ con, nhìn xong thì thất kinh, lại nhìn kỹ một lần mới vứt sổ xuống đất: “Lão thất phu! Đánh vài trận thắng đã quên hết tất cả.

Gì mà tướng ở bên ngoài có thể không nhận mệnh vua! Tạo phản rồi!”.

Tịch Tà nhảy xuống ngựa, nhặt tấu chương lên lau bụi bặm bên trên, thấy hoàng đế muốn xuống ngựa nhưng vạt áo vẫn còn mắc ở bàn đạp, bèn vội vàng đi lên cởi ra cho hoàng đế.

“Hoàng thượng bớt giận”.

Hoàng đế chưa nguôi giận, ném mạnh roi ngựa xuống sông: “Cho Vương Cử thêm một thủ dụ nữa, chỉ được cố thủ, không được liều lĩnh”.

Hắn ta than thở: “Anh chị em cũng được, vợ chồng cũng đành, thần tử cũng thế, không có một ai thuận theo ý trẫm.

Nghĩ ra dường như chỉ có ba sư huynh đệ các khanh vẫn chưa bao giờ khiến trẫm thất vọng.

Mấy đời tiên đế tổ tông trước kia cũng có người tin một bề hoạn quan, trước đây trẫm nghe xong còn cười các ngài, nay mới biết, các thần tử, phi tử, hoàng thân quốc thích này, chỉ cần không ở trước mắt thì sẽ tìm đủ mọi cách đối nghịch trẫm, khó có thể nắm bắt”.

Tịch Tà lại sợ hắn ta trút lửa giận lên đầu mình, vội nói: “Trong trăm quan có rất nhiều người chỉ làm theo thánh ý của hoàng thượng, không phải chỉ toàn kẻ như hoàng thượng nói đâu ạ”.

“Quên đi, trẫm nói lẫy nhất thời thôi”.

Hoàng đế nói: “Bất kể thế nào, Vương Cử đại thắng thì vẫn phải khen thường”.

Hắn ta quay đầu hỏi: “Khanh nghe thấy không, phía xa là tiếng vó ngựa à?”.

“Hình như vậy ạ”.

Tịch Tà vọng ra phía đông con đường: “Hình như là người trong cung cưỡi ngựa tới”.

“Lại có chuyện gì à?” Hoàng đế ngạc nhiên nói, đi tới giữa đường.

Nội thần dẫn đầu đoàn ngựa ghìm chặt dây cương, nhảy xuống ngựa, bất chấp đang thở dốc đã tiến lên thỉnh an: “Hoàng thượng vạn phúc kim an”.

“Ngươi là người trong cung nào?” Hoàng đế hỏi.

Nội thần đó vẫn chưa kịp trả lời, một con ngựa giỏi màu đỏ trong đoàn ngựa đã tiến lên trước mắt.

“Hoàng thượng”.

Thiếu nữ ngồi trên yên, đầu đội nón có mành, vận áo tay bó đỏ thẫm dệt hoa đào nhảy xuống ngựa, kêu lên.

“Sao nàng lại tới đây?” Hoàng đế trông Mộ Từ Tư tháo nón xuống, uyển chuyển dập đầu thì hết sức không vui: “Thái hậu cho phép rồi à?”.

“Bẩm hoàng thượng, thần thiếp giấu thái hậu, đến Thượng Giang hầu giá”.

“Nàng cho rằng trẫm ở chỗ này chơi đùa à? Không biết các người đều nghĩ cái gì nữa”.

Hoàng đế phẩy tay áo bỏ đi.

Mộ Từ Tư cắn môi, sắc mặt đỏ bừng lên.

Tịch Tà thấy thế cũng không biết làm sao.

Hoàng đế đã nói ở phía trước: “Tịch Tà, khanh còn ngây ra làm gì?”.

“Dạ”.

Tịch Tà hoàn hồn đuổi theo hoàng đế.

“Hoàng thượng!” Mộ Từ Tư đứng lên bước vội mấy bước, gọi ở phía sau hoàng đế: “Không được gặp hoàng thượng, tim thần thiếp đau thắt lại.

Thần thiếp chỉ ở Thượng Giang, nhìn hoàng thượng từ xa, biết hoàng thượng ăn thế nào, ngủ thế nào cũng không được sao? Thần thiếp không biết phải nói thế nào hoàng thượng mới hiểu được nỗi nhớ nhung của thần thiếp?”.

Hoàng đế ngừng chân, quay đầu lại bảo: “Nàng cưỡi ngựa tới à?”.

“Vâng”.

“Khá nhanh đấy”.

Hoàng đế cười nói: “Đến đây đi”.

“Dạ”.

Mộ Từ Tư khoác lấy cánh tay hoàng đế: “Hoàng thượng dọa thần thiếp rồi”.

“Nàng mới dọa trẫm”.

Hoàng đế bảo: “Có tần phi nào tự mình cưỡi ngựa đi xa như vậy không? Xảy ra chuyện thì biết làm sao?”.

Mộ Từ Tư cười kiêu ngạo, thấm đẫm vẻ chói lóa của sông xuân lăn tăn, tiếng nói không giấu được vẻ đắc ý: “Một đám người vây quanh như thế mà, không việc gì đâu ạ”.

Hoàng đế phất tay, bọn nội thần đều hoảng hốt lui thật xa.

Tịch Tà thở dài không ngừng, cứ như vậy một lát, thời gian thanh tĩnh trước mắt tức thì rối tung rối mù.

Hôm gửi dụ thư cho Vương Cử, vẫn chưa có hồi tấu ngay.

Nhưng sau sáu bảy ngày, Tịch Tà lại nhận được mật báo của gián điệp mai phục trong triều Hung Nô, nói vết thương của Quân Thành vừa hồi phục, vẫn đang chỉnh đốn người ngựa, từ tháng hai đã lục tục xuôi nam nhưng không phải lực lượng chính, chỉ là kế dụ địch thôi.

Trong mật báo đặc biệt nhắc nhở, đại quân trung nguyên chớ tùy tiện vào sâu, để tránh trúng mai phục.

Tịch Tà biết người này ở bên cạnh được Quân Thành rất coi trọng, đoán là tin tức không sai, lại nghĩ đến tính kiêu ngạo của Vương Cử thì càng nóng lòng như lửa đốt, đi thẳng đến các Ỷ Hải bẩm tấu với hoàng đế.

“Theo như nô tỳ thấy, lúc này không chờ được Sào vương vào kinh nữa, phải phái một khâm sai khuyên Vương Cử cố thủ trước”.

Hoàng đế bảo: “Lúc này không kịp nghĩ nữa, cử Ông Trực đi.

Sai người mau mau cầm ý chỉ của trẫm, bảo ông ta ngày mai khởi hành”.

“Vâng”.

Tịch Tà vừa tiếp lời, Cát Tường đã vội vã cầm quân báo vào, chuyển đến tay hoàng đế: “Vạn tuế gia, tám trăm dặm cấp báo”.

Hoàng đế liếc nhìn sắc mặt tái nhợt của Cát Tường, cúi đầu mở sổ con ra, nhìn hai lượt không nói tiếng nào rồi chậm rãi đưa tới tay Tịch Tà.

“Không cần dùng Ông Trực nữa rồi”.

Tiếng hoàng đế không có gợn sóng: “Triệu Vương Cử vào kinh ngay hôm nay, trẫm làm tiệc mừng công cho ông ta.

Tất Long không thể lo việc, quân Chấn Bắc do con trai trưởng của Vương Cử là tướng quân Hộ quốc Vương Kiêu Thập tạm dẫn dắt”.

Tịch Tà vội vàng mở ra xem, đã thấy ngay câu “Tử thương bốn vạn, lui lại cố thủ phía bắc Nhạn môn ba trăm dặm” đã đủ thấy mà đau lòng, chứ đừng nói đến mấy việc nhỏ như “Lương vương Tất Long bị thương nặng”.

“Mặc dù quyết tâm chỉ huy tiến bắc của trẫm không hề dao động, nhưng tin tức như thế truyền khắp thiên hạ thì sẽ làm hỏng sĩ khí trung nguyên”.

Hoàng đế đứng lên hỏi: “Khanh hiểu chưa?”.

“Nô tỳ đã hiểu rồi”.

Tịch Tà thưa: “Mặc dù Vương Cử bại vẫn phải làm như khải hoàn về triều, vẫn phải gia phong tước hiệu, phải thật náo nhiệt”.

“Chính là ý này”.

Hoàng đế bảo: “Ngày mai trẫm về kinh, các khanh chuẩn bị sớm đi”.

Ngày hai mươi lăm tháng Ba, hoàng đế hồi loan về Ly đô.

Khương Phóng phụng mệnh tới cung Càn Thanh bàn việc, chạm mặt Tịch Tà trước bèn hỏi: “Rốt cuộc quân Chấn Bắc xảy ra chuyện gì thế ạ? Tin tức đều bị nội các giữ lại”.

“Vương Cử truy kích đám binh nhử của Hung Nô, làm tám vạn người ngựa rơi vào mai phục, Hung Nô vây kín, khổ chiến không thoát được.

Lương vương Tất Long dẫn quân tới cứu, Vương Cử không bị thương mảy may, Tất Long lại trúng một đao trên lưng, vội về Nhạn môn cứu chữa.

Trận chiến này tử thương bốn vạn người, quân Chấn Bắc tổn thương nguyên khí nặng nề.

Hung Nô đã ở phía bắc Nỗ Tây A Hà, gấp gáp qua sông.

Tất Long rất được kỵ binh Lương châu kính yêu, lần này bị thương, Lương châu quân oán trách Vương Cử bội phần.

Lòng quân dao động thì còn chiến đấu thế nào? Chỉ đành lui đến hào doanh cũ ở phía bắc Nhạn môn ba trăm dặm trước rồi lại tính toán sau”.

Sắc mặt Khương Phóng rất khó coi, than thở: “Gia nghĩ thế nào?”.

“Trong cục diện này chỉ có thể nói thắng, không thể nói bại.

Không thay Vương Cử được, chỉ có thể triệu ông ta về trước, sau đó chọn một đại tướng tới làm trợ thủ cho ông ta, lại để Sào vương Lương Dũng giám quân, hòa giải binh mã Lương châu”.

“Đại tướng trong triều chưa chinh chiến nhiều năm, còn chẳng bằng Vương Cử nữa”.

Khương Phóng mặt ủ mày chau.

Lúc này hoàng đế đã ở cung Càn Thanh gọi người, bộ binh cộng với chúng thần, ai nấy mặt vàng như đất, nối đuôi nhau mà vào, đại thể đều nói như thế.

Chủ yếu chỉ tranh chấp trong chuyện khiển tướng, có người nói Vương Cử lĩnh quân Chấn Bắc nhiều năm, không lẽ bại một lần mà bỏ cũ thay mới; có kẻ lại bảo Vương Kiêu Thập con kế chức cha cũng tốt, đủ mọi ý kiến khác nhau.

Hoàng đế lẳng lặng nghe xong, mọi người lui ra, chỉ còn lại Khương Phóng.

Hoàng đế trầm mặc uống mấy ngụm trà, không nói chuyện.

Khương Phóng im lặng đợi một lát, cả người không được tự nhiên.

Không ngờ cuối cùng hoàng đế lại cười: “Đi đi, không có chuyện gì đâu”.

Khương Phóng không hiểu ra làm sao, ra ngoài nhìn Tịch Tà, hỏi rất nhỏ: “Lẽ nào hoàng đế muốn tôi…”.

Tịch Tà gật đầu: “Hình như vẫn chưa quyết”.

Đối với Tịch Tà mà nói, Khương Phóng lĩnh quân Chấn Bắc chắc chắn là kết quả tốt nhất, chẳng qua hoàng đế còn đang do dự.

Nhưng điệp báo truyền tới từ phương Bắc như đổ thêm dầu vào lửa, không cho Tịch Tà tạm nghỉ.

Dường như Quân Thành và con trai trưởng A Nạp không đợi đến mùa thu mới xâm nhập trung nguyên phía nam, mười vạn thiết kỵ Hung Nô đã xuất phát trước, cướp bến đò Nỗ Tây A Hà để đại giá của Quân Thành xuôi nam.

Tất Long cũng được mật thám bẩm báo, mang giáo đốc chiến với Vương Kiêu Thập, hai phe chỉ cách trăm dặm, đứng song song nhìn nhau chòng chọc.

Bộ binh phụng chỉ dụ của hoàng đế, điều hai vạn kỵ binh từ Hồng châu cùng mười vạn tân binh Lạc châu, bày thế trận đón quân địch, chỉ cần một tiếng ra lệnh thì sẽ lập tức xuất phát đến Nhạn môn.

Ngày mùng tám tháng Tư, Vương Cử đến Kinh, trăm quan đều đến cửa Chính Bắc Nhương đón quân khải hoàn, trống nhạc diễn tấu thêm phần lễ nghi phiền phức, vô cùng náo nhiệt.

Tịch Tà lường trước Vương Cử mà gặp hoàng đế thì ngày tháng chẳng mấy dễ chịu nữa.

Hắn không muốn xem vua tôi họ tranh cãi ầm ĩ nên xin ý chỉ, được Tiểu Thuận Tử mặc áo trắng theo hầu rời cung.

Hôm nay là ngày cúng thất tuần của Hạ Dã Niên, là ngày khiêng linh cữu đưa tang.

Vì là ngày vui mừng của cả thành khi Vương Cử vào kinh nên không mấy phô trương, xe ngựa của mấy nhà thân cận đi đưa linh cữu cũng giảm bớt rất nhiều.

Hạ Thiên Khánh và ba con trai của Hạ Dã Niên nâng cữu, trong tiếng nhạc đám ma lạnh lẽo ầm ĩ đầu đường, một mảnh trắng lóa dần đi về hướng nam.

Tịch Tà và Tiểu Thuận Tử mặc áo màu trắng bạc, đi đường vòng vượt gấp lên trước, ghìm chặt con ngựa ô, nhảy xuống làm lễ với linh cữu.

Hạ Thiên Khánh tiến lên chào hỏi, Tịch Tà nói: “Trước đó vài ngày hầu giá ở Thượng Giang nên chưa đến phủ tế bái, thiếu lễ nghĩa.

Hôm nay hoàng thượng đặc biệt lệnh tôi tới bái, tiễn Hạ tướng quân một đoạn đường”.

Hạ Thiên Khánh quỳ về hướng bắc, dập đầu nói: “Hoàng ân mênh mông, không gì báo đáp”.

“Anh Hạ hãy đứng lên”.

Tịch Tà tự mình tiến lên đỡ: “Xin nén bi thương”.

“Vâng”.

Tịch Tà nắm tay hắn ta, gật đầu rồi lại lên ngựa, lặng lẽ đi theo linh cữu.

Dọc đường đi đều là tế lễ dọc đường của nhà các đại thần, người qua lại tránh đi thật xa, mấy thanh niên thì đứng ở ven đường xem náo nhiệt, nhìn chằm chằm Tịch Tà một lát rồi cũng vội vã đi mất.

Một thằng nhóc xuyên qua đám người lặng lẽ đến sát bên ngựa Tịch Tà, đưa thiếp mời cho hắn và nói: “Ma ma nói, chắc chắn gia sẽ ở đây.

Tuy nói không đúng lúc nhưng lại thuận tiện không phải quầy rầy trong cung”.

“Về nói với ma ma của cậu, nhọc lòng rồi”.

Tịch Tà nhận thiếp mời của Tê Hà xong thì vừa lúc Hạ Thiên Khánh ba phen mấy bận mời về, bèn vái chào rồi thúc ngựa quay lại.

Tê Hà chỉ nói ba chuyện: Hải Lâm đã bị người trong phủ Thành Thân vương chuộc ra; con nuôi Ưu Quan Nhi của Tê Hà trà trộn vào làm một gã tạp dịch trong phủ Hồng vương; mà tin tức đầu tiên Ưu Quan Nhi truyền tới là binh mã Hồng Châu đang được điều động về hướng đông, không rõ hướng đi.

Tịch Tà sai Tiểu Thuận Tử tìm một chỗ rồi đốt thiếp mời đi, sau đó mới về cung, tâu với hoàng đế: “Binh mã Hồng Châu đang được điều động âm thầm, chỉ sợ cũng là vì Hung Nô”.

“Số binh mã đó của Hồng vương là vốn liếng để dòm ngó trung nguyên, sao lại giao chiến với Hung Nô?”

“Cho dù Hung Nô đắc thắng ở quan ngoại, cũng sẽ bị tổn thương nguyên khí, đánh vào thì vừa hay đụng phải binh mã phía bắc Lạc châu của Hồng vương, Hồng vương thừa cơ đánh bại Hung Nô thì sẽ lượm được món hời”.

“Ngoại trừ quân Chấn Bắc, trong tay trẫm vẫn có binh để dùng”.

Hoàng đế khó hiểu: “Ông ta làm chuyện lưỡng bại câu thương như thế, không sợ trẫm được lợi từ đó ư?”.

“Nô tỳ cũng không hiểu ạ”.

Tịch Tà nói.

Nhưng bất kể thế nào, giả sử quân Chấn Bắc của hoàng đế bại, lính Hồng Châu của Hồng vương lại thắng thì vẫn là chuyện cực tốt đối với danh tiếng của Hồng vương Hồng Thất Trú.

“Trừ phi Hồng vương không phòng hoàng thượng, cũng không phòng Hung Nô”.

“Chẳng lẽ là Đông vương? Thế thì xa quá”.

Hoàng đế nhíu mày: “Cách nhau vài ngàn dặm đường, làm sao ngăn chặn hành động khác thường của Đông vương cho được?”.

Tịch Tà cười nói: “Nô tỳ cũng hoang mang lắm ạ”.

Hắn cẩn thận suy nghĩ hồi lâu, đợi trông thấy điệp báo mà Khương Phóng truyền vào mới chứng thực việc Hồng vương điều binh quả nhiên là thực.

Khương Phóng cũng nói: “Xem giọng điệu của thầy Hai thì chính thầy ấy cũng trăm mối tơ vò.

Thầy ấy quả thực không biết đã điều động bao nhiêu binh mã, chỉ biết hướng đi đích thực là đến biên giới Lạc châu và Hồng châu.

Nếu binh mã đi xa hơn về hướng đông thì sẽ đến sông Ly và vùng kinh kỳ, không biết triều đình dự định ra sao”.

“Ta biết rồi”.

Tịch Tà gật đầu: “Chỗ Đông vương Đỗ Hoàn có động thái gì không?”.

“Mấy tháng nay không ngừng mở tiệc chiêu đãi Thái Tư Tề, Vu Bộ Chi và Dương Lực Hòa, lui tới nhiều lần”.

Tịch Tà cười: “Ba người này còn sạch sẽ không?”.

“Thuộc hạ sẽ sai Ngô Thập Lục đi thăm dò”.

“Lôi Kỳ Phong thì sao?” Tịch Tà đột nhiên hỏi.

“Việc này…” Khương Phóng do dự nói: “Thật ra từ sau mùa hè năm trước đã không còn tin tức của y nữa”.

Tịch Tà hết sức sầu lo: “Mau mau điều tra cho rõ.

Hồng vương đột ngột điều binh, trong triều đình không có nhiều biến cố, không cần ông ta vội vàng đối phó như thế.

Trừ phi là Đông vương giở trò gì ở sau lưng làm ông ta không thể không phòng.

Chỉ sợ việc này sẽ có sự việc bất thình lình mà chúng ta không đoán được thì sẽ trở tay không kịp”.

“Vâng”.

Khương Phóng vội vàng lĩnh mệnh lập tức thi hành, theo Tịch Tà đi ra khỏi phòng trực thì gặp Thành Thân vương cũng đi xuống từ thượng thư phòng.

Y giữ Khương Phóng lại, nói: “Hoàng thượng muốn ta mở tiệc mừng công và tiễn biệt cho Vương Cử và Sào châu vương ở nhà, anh nói xem chơi trò gì thì mới náo nhiệt đây?”

Khương Phóng cười đáp: “Hai vị ấy đều là bề trên của vương gia, không thể ẩu tả đại khái được”.

“Nói cũng phải, nói cũng phải”.

Thành Thân vương tiếp tục đắn đo suy nghĩ.

Khương Phóng hỏi: “Chẳng biết vương gia định vào ngày nào?”.

Thành Thân vương nói: “Tất nhiên là mười lăm tháng Tư, lúc trăng sáng rồi”.

“Liệu có muộn quá không? Chắc mẫu đơn trong phủ vương gia cũng đã tàn rồi?”

Thành Thân vương vỗ tay cười đáp: “Chưa tàn, chưa tàn.

Bọn họ dựng lều che cho ấm, hoa đẹp mới vừa mở, đến mười lăm thì đúng lúc rộ đấy.

Tiệc đêm có mẫu đơn, đúng là phong nhã”.

Khương Phóng vội nói: “Vương gia đừng vui mừng quá sớm, lần này mời cả đại tướng bộ binh, lắm kẻ thô lỗ như tôi, có lẽ còn chẳng cảm kích”.

“Thế thì mặc kệ họ”.

Thành Thân vương nói: “Ta tội gì phải nhọc lòng vì họ, có người cảm kích là tốt rồi”.

Y là người thích náo nhiệt phong lưu, trở về bèn lệnh cho các trưởng sử của vương phủ cố hết sức xử lý.

Tới chạng vạng ngày mười lăm tháng Tư, triều thần phụng mệnh tới phủ Thành Thân vương trợ hứng, trưởng sử, nội thần của vương phủ bận bịu đón vào rồi dâng trà ở phòng ngoài.

Có người thông báo Lương Dũng và Vương Cử dắt tay nhau đến, Thành Thân vương mới ra đón, cười khanh khách hỏi han.

Vương Cử vẫn mang phong thái hiên ngang, chỉ là nét mặt mất đi vài phần nhuệ khí, nói rất ít.

Mọi người cũng không dám vạch trần thiếu sót của ông ta, qua loa vài câu rồi lui sang bên cạnh.

Lương Dũng và Thành Thân vương ngồi vào chỗ, trăm quan đồng loạt dập đầu vấn an trước rồi mới tìm vị trí ngồi theo phẩm cấp.

Nơi này là viện Mẫu Đan của Thành Thân vương, nam bắc là hai tòa đình ngọc “Đoạt Hà” và “Tiễn Vân”, yến tiệc phô trương, dưới bàn tiệc vô số ca kỹ, khung cảnh phú quý.

Thành Thân vương gật đầu ra hiệu, đội nhạc bèn tấu bài hát đắc thắng, trăm quan nâng chén ra xa chúc hoàng đế vạn tuế, uống cạn rồi mới truyền mở tiệc.

Vừa mới rót một lần rượu, Thành Thân vương còn chưa kịp mở miệng đã có nội thần lại gần nói mấy câu.

Thành Thân vương vui không kiềm được, nói: “Quả nhiên hắn đã tới!”.

Vừa dứt lời, Tịch Tà liền dẫn Tiểu Thuận Tử thong thả đi vào, dập đầu với hai vị thân vương rồi được Thành Thân vương đỡ lên.

“Hoàng thượng bằng lòng thả anh rời cung à?”

Tịch Tà cười thưa: “Nô tỳ thay hoàng thượng tới góp vui ạ.

Vạn tuế gia vốn chuẩn bị ban thưởng cho lão vương gia Sào châu và đại tướng quân, song nghĩ đến yến tiệc đang hoan hỉ lại dập đầu lại tạ ơn, sợ làm mất hứng của mọi người bèn thôi.

Ngày mai mời lão vương gia và đại tướng quân vào trong cung, vạn tuế gia còn muốn gần gũi với hai vị hơn”.

“Vâng”.

Lương Dũng và Vương Cử rũ tay nghe.

Tịch Tà bước lên phía trước muốn hành lễ với mọi người song lại bị trăm quan tránh sang chỗ khác, để hắn ngồi cùng chỗ với Thành Thân vương.

Bởi vì hắn là người mà hoàng đế hết sức tin tưởng, bình thường đối xử với mọi người cũng ôn hòa, lại thêm được không ít lợi lộc từ hắn nên ai nấy đều tiền lên mời rượu, một đống người ồn ào vây quanh.

Tiểu Thuận Tử thấy thế mới nói: “Thưa các vị đại nhân, thầy nô tỳ mới khỏi bệnh, thái y nói phải kiêng rượu, xin các vị đại nhân bỏ quá cho”.

Tịch Tà cau mày mắng: “Lắm miệng”.

Thành Thân vương tươi cười trao chén rượu trước mặt cho Tịch Tà, bảo: “Nếu đã như thế, tiểu vương thay mặt mọi người đang ngồi ở đây kính một chén”.

“Cung kính không bằng tuân mệnh.

Chén này cũng chúc quân Chấn Bắc đuổi sạch Thát Lỗ, khải hoàn về triều, xã tắc an ninh, âu vàng[4] vững đặt”.

Tịch Tà nhận lấy uống, mặt trời chiều tựa lửa, chiếu lên khiến đôi môi nhạt màu của hắn đỏ tươi như máu, màu hoa hồng lấp lánh trong con ngươi, đẹp đẽ lạ thường, như có yêu tà bên mình.

Thành Thân vương ở bên cạnh lẳng lặng mà nhìn, thình lình rùng mình một cái, cuối cùng mọi người cùng chúc vang dội mới phản ứng lại, liên tục vỗ tay.

Tiếng nhạc lại nổi lên, người hầu nội thần qua lại như nước chảy, ăn uống linh đình.

Thành Thân vương và Lương Dũng đều là người quen mua vui, lúc này nghe văn thần trong tiệc lấy mẫu đơn đối thơ thì tất vào góp vui, thành thử lạnh nhạt với Vương Cử.

Tịch Tà nhân thế mới cười hỏi: “Đại tướng quân đã định ngày tốt để khởi hành rồi chứ ạ?”.

Vương Cử tự trọng thân phận, là người thanh liêm, đâu thèm kết giao với nội thần, vì vậy nghiêm mặt nói: “Chỉ cần hoàng thượng ra lệnh một tiếng thì vi thần lập tức đến tiền tuyến.

Tiểu công công luôn hầu hạ bên hoàng thượng, hẳn là biết rõ hơn ta”.

“Cũng phải”.

Tịch Tà không đổi sắc mặt: “Lần này đại tướng quân lại lĩnh mười vạn lính mới của Lạc châu, việc quân mệt nhọc, hoàng thượng nhắc đến việc ấy cũng hết sức bận lòng, nói: Dốc hết cả triều đình ra giúp tướng quân công thành.

Xem ra tất cả đại tướng trong triều, chỉ cần là người đại tướng quân để mắt tới thì hoàng thượng đều sẽ cho phép đại tướng quân mang theo lên bắc.

Không biết đại tướng quân thấy vị nào trong triều mới có thể san sẻ một hai cho đại tướng quân?”.

Hoàng đế vẫn chưa quyết định được việc điều phó tướng.

Lúc trước Vương Cử gặp vua, ngoại trừ trấn an một phen thì hoàng đế thực sự không thèm nhiều lời với ông ta, bây giờ nhớ lại mới sai Tịch Tà hỏi ý Vương Cử.

Không ngờ Vương Cử lại trả lời: “Lão thần đã già, xin giãi bày tâm can.

Lão thần quen độc đoán trong quân rồi, chỉ sợ các quan trong kinh bên cạnh hoàng thượng không chịu nổi tính cách của lão thần.

Tiểu công công về bẩm với hoàng thượng, lão thần chỉ muốn rải bầu máu nóng xuống quan ngoại, không cho Hung Nô cướp được tấc đất nào để báo ơn vua”.

Tịch Tà cười nói: “Bảo vệ lãnh thổ là một việc, bảo tồn ba mươi vạn tướng sĩ cũng là một việc…” Đang nói đến đây, một đóa mẫu đơn màu trắng bạc rơi vào trong lòng hắn.

Mọi người cười to nói: “Thì ra tửu lệnh này tới chỗ công công Tịch Tà”.

Vị văn thần cách một bàn cài mẫu đơn đỏ trên đầu lập tức ngâm: “Hoa ngại ngùng nở nom như ngọc, sắc nước hương trời chẳng nhiễm trần.

Đêm qua trăng sáng nom như nước, ngờ rằng đảo ngọc tụ thần tiên[5]”.

Lại than thở: “Công công Tịch Tà thanh tao như băng tuyết, hệt như tinh thần của bông mẫu đơn trắng này”.

Lang trung Đỗ Dự của bộ Lễ ngồi đó cười nói: “So sánh này lầm to.

Anh nói tiểu công công như bông mẫu đơn trắng này, thực ra không phải vậy”.

Mọi người ngạc nhiên nói: “Anh nói xem?”

Đỗ Dự nói: “Bông mẫu đơn này giống tai của công công cơ”.

Tịch Tà ngẩn người, bỗng nhiên cất tiếng cười to: “Đa tạ đã khen”.

Thành Thân vương bảo: “Tửu lệnh này phải cài hoa trên mũ, sau đó hoặc thơ, hoặc phú, hoặc ca, hoặc múa, hoa mẫu đơn đó ném phải người nào thì so người ấy với hoa này mới coi như xong”.

Nói đoạn cầm lấy hoa muốn cài trên mũ Tịch Tà.

Tịch Tà vội nhận lấy hoa, cười nói: “Tửu lệnh này quả thực phong nhã.

Nhưng nô tỳ không thể sánh với các vị đại nhân, chưa đọc sách được mấy năm, thơ phú ca múa cũng chẳng biết, chi bằng đổi thành trò xiếc, các vị đại nhân xem xong cười xong thì hãy tha cho tôi nhé”.

Hắn nhặt lấy cọng hoa, thầm truyền nội lực, mới thổi nhẹ một hơi trên bông hoa, đã thấy hơn trăm cánh hoa mẫu đơn trắng trùng điệp rơi xuống, bay lả tả vào trong bàn tiệc, dính lên vạt áo, thoang thoảng ngát hương.

Mọi người ngơ ngẩn một hồi, mới nhớ vỗ tay khen ngợi.

Thành Thân vương thấy cảnh hoa rụng trắng ngần đẹp đẽ dưới ánh nến huy hoàng, cũng phải cảm khái.

Lại nghe Vương Cử thấp giọng nói với Lương Dũng: “Đây là yêu tà, hoàng thượng tin một bề kẻ như vậy không phải điềm lành”.

Thành Thân vương không khỏi giận dữ, song lại cười nói: “Cái này không tính, cái này không tính”.

Tịch Tà bối rối bảo: “Nô tỳ sẽ không biết thứ gì nữa”.

“Thầy anh là thái giám Thất Bảo thạo cả ca lẫn múa, ta còn nhớ nhiều năm trước lúc thái giám Thất Bảo cầm kiếm múa, hào hiệp tuyệt thế.

Chắc chắn anh cũng tài giỏi”.

Tịch Tà cười nói: “Vương gia nói vậy, nô tỳ mới nhớ ra.

Nô tỳ không biết múa song từ khúc thì còn nhớ.

Xin vương gia ban cho một chiếc tỳ bà”.

Mọi người thấy hắn cầm tỳ bà ngồi ngay ngắn trong vườn thì đều dừng chén đũa trong tay, nín thở tập trung xem.

Tịch Tà điều chỉnh dây đàn rồi thưa: “Nói ra thì đây là võ khúc, thật hợp thời.

Nô tỳ trình bày cái kém cỏi vụng về, tăng thêm quân uy vì lão vương gia và đại tướng quân.

Có điều ngón đàn của nô tỳ không thạo, chỉ xin vị nào đánh trống hòa cùng”.

Hoắc Viêm phong lưu không chịu gò bó, lúc này đi ra khỏi chỗ ngồi, nói: “Để tôi”.

Tịch Tà thấy là y thì nói “được” rồi gõ nhẹ đầu đàn, trường luân[6] dây đàn như mưa rơi, tiếng trống khe khẽ đệm theo như kỵ sĩ trào lên trong tiếng chiêng trống[7] nơi núi xa, thoáng làm người ta sầu lo.

Lúc này tỳ bà chuyển điệu mãnh liệt càn rỡ, trăm vạn thiết kỵ đập vào mặt, tiếng trống bị phá, muôn người bôn tẩu kêu khóc, nỗi đau thương vợ con ly tán, cơn phẫn hận nước mất nhà tan làm mạch máu người ta căng lên, siết chặt hai tay, chỉ muốn dấn thân sát phạt.

Im ắng một chốc, dần dần như có tiếng khóc thảm du dương của phi tử ly biệt, dòng Tương nức nở như mưa bay, lượn quanh ngón tay mềm mại.

Mọi người đều có vẻ đau buồn, chỉ cảm thấy ruột gan đứt từng khúc, lưu luyến bịn rịn.

Hoắc Viêm cố nén bi thương, lại nghe Tịch Tà gảy mạnh ba tiếng quyết đoán phấn chấn như thể cắt áo ra đi.

Giật mình, Hoắc Viêm cắn rách môi dưới, đau đớn như bị khoét tim gan, tinh thần tức khắc nghiêm nghị, tiếng trống lại nổi lên.

Tiếng tỳ bà và tiếng trống hào hùng bay xuống, tiếng rền vang động đất trời, chiêng trống dấy lên, đao kiếm đụng nhau, người ngựa tung hoành, như sấm như sét.

Vẻ mặt Tịch Tà bình tĩnh, chỉ lộ ra nụ cười nhạt sắc bén bên môi, nhưng Hoắc Viêm đã thấy sát khí quanh người tăng vọt, khí thế lạnh lùng thì không khỏi kinh hãi, thành thử đánh trống run rẩy, dần dần rơi xuống thế hạ phong, chỉ có tiếng tỳ bà càn rỡ khắp nơi, trường luân xuyên mây mà ra, cao tới tột cùng, mô phỏng tiếng sáo thê lương rồi chợt bị kỵ binh giày xéo đến im bặt.

Ấy gọi là “Thiền Vu bị xéo chết, Hồ kỵ phải vỡ tan”.

Lần đó Thiền Vu bỏ chạy bị giết, cha con Hung Nô ôm nhau mà chết trên sa trường, máu thịt tung bay dưới móng ngựa trung nguyên, cảnh tái ngoại bụi mù trời mười bảy năm trước hãy còn trước mắt.

Vương Cử trợn mắt muốn nứt, bỗng đứng phắt dậy, áo bào bị rách mà chẳng hay.

Lúc này đột nhiên dây đàn chót vót đứt đoạn, như trường kiếm vung lên trên không trung, chẳng biết có phải đã chém địch thủ không mà bỗng im bặt.

Ai nấy ngồi đó đều thất sắc, sợ vỡ mật, nhìn nhau nước mắt giàn giụa.

Mưa hoa rả rích cả vườn, phá tan màu phồn hoa.

Hoắc Viêm bỏ dùi trống xuống, che mặt về chỗ.

Tịch Tà đứng dậy cười nói: “Xin lỗi vương gia vì đã làm đứt dây đàn.

Nhưng chỗ hoa điêu tàn này không liên can đến nô tỳ”.

Mãi sau Thành Thân vương mới nói: “Không liên can đến anh.

Huyết chiến vẫn như trước, tiếng quân động đến nay.

Quả là khúc nhạc hay!”.

Trăm quan đều vỗ tay bảo hay, khen là danh tác.

Tịch Tà ném bừa bông mẫu đơn mà người hầu dâng tới, lấy lệ vài câu mới coi như xong.

Vương Cử bảo: “Nếu chưa từng trải qua chiến tranh, sao biết cái dõng dạc hùng hồn của khúc này? Tiểu công công đàn hay lắm”.

Tịch Tà cười nói: “Nô tỳ học được từ thầy, chỉ cảm thấy hay mà thôi, nào biết ngụ ý trong đó”.

“Cũng phải”.

Vương Cử gật đầu: “Mười mấy năm trước lúc đại chiến, còn chẳng biết cậu đang ở chốn nào”.

“Vâng, đại tướng quân nói phải”.

Tịch Tà cung kính đáp.

Đêm đã khuya, cây nến to cỡ cánh tay đã cháy được một nửa, trăm quan lại kính hai vị thân vương và Vương Cử một chén rồi dần dần tán đi.

Tịch Tà cáo từ đi ra, Tiểu Thuận Tử nói: “Hôm nay thầy làm con sợ muốn chết.

Lúc thầy đàn tỳ bà, con còn tưởng rằng thầy muốn giết người nữa đấy”.

Tịch Tà cười gằn nói: “Quả thực đêm nay ta muốn giết người.

Con chớ chọc giận ta”.

Tiểu Thuận Tử ngậm chặt miệng, gật đầu như gà mổ thóc.

“Xin công công Tịch Tà dừng chân”.

Một nội thần chạy ra từ trong vương phủ, nói: “Vương gia mời công công nán lại chốc lát”.

Tịch Tà hỏi: “Vâng.

Không biết có chuyện quan trọng gì?”.

“Vương gia hỏi, cửa cung đã đóng rồi, công công đã có nơi ở ngoài cung chưa?”

“Hôm nay đại sư ca của nô tỳ không trực nên ở nhà, nô tỳ đang định đến làm phiền anh ấy”.

“Giờ không cần nữa”.

Xe nhẹ dừng lại phía sau hai người, người hầu vén rèm lên, Thành Thân vương ngồi ngay ngắn ở bên trong, cười nói: “Lên đây, ta dẫn anh đi tới một nơi”.

Tịch Tà thưa: “Vương gia vất vả cả ngày, xin chớ để ý đến nô tỳ, đi nghỉ ngơi sớm mới tốt ạ”.

“Lên đây đi”.

Thành Thân vương nói: “Ta không mật, đêm nay muốn đi ngay”.

Tịch Tà chẳng biết làm sao, đành ngồi bên cạnh y, Tiểu Thuận Tử thì theo hầu sau xe.

Bên ngoài buông rèm, bên trong xe chỉ có Thành Thân vương và hai người họ, Tịch Tà cụp hai mắt, vẻ mặt đoan chính, ngồi nghiêm nghị.

Thành Thân vương ngó y một cái, muốn nói lại thôi, bên trong xe dường như dần nóng lên, Thành Thân vương vén rèm xe bên cạnh lên, quan sát bóng đêm bên ngoài.

“Hôm nay vui không?” – Thành Thân vương ngân nga hỏi.

“Phủ Vương gia thức ăn thịnh soạn, ca múa đẹp đẽ, tất nhiên là vui ạ”.

“Vậy thì tốt.

Anh nói ta lo liệu như thế là để khiến ai thỏa thích?”

Tịch Tà đáp: “Lão vương gia và đại tướng quân thỏa thích mà về, vương gia không uổng công khổ cực”.

“Ta thấy Vương Cử cứ xụ mặt khiến người ta ghét, nếu không nhờ khúc tỳ bà của anh thì ngay cả mí mắt, ông ta cũng không chớp lấy một cái đâu”.

“Bẩm vương gia, đến rồi ạ”.

Người hầu dừng xe rồi tới bẩm.

Nét mặt Thành Thân vương hơi thất vọng: “Sao nhanh thế?”.

Thì ra xe ngựa đã qua cầu Mộ Đông, trước mắt là một dãy nhà tao nhã trong đường Bỉnh Hoàn.

Thành Thân vương vịn tay Tịch Tà xuống xe, thuận thế siết trong tay không buông, sai người tiến lên gõ cửa.

Một hầu già bên trong run rẩy đón mọi người vào.

Tịch Tà muốn giãy khỏi tay Thành Thân vương, không ngờ lại làm y càng nắm chặt, người đã đổ hết cả mồ hôi lạnh.

Thành Thân vương cố làm ra vẻ không biết, nói với người hầu già: “Gọi cô nương nhà ông ra đây.

Nói là lão gia trong nhà tới rồi”.

Đoạn kéo Tịch Tà qua cổng trong.

Chỉ thấy sân nhà trước mắt thanh tĩnh, dưới ánh trăng, trúc biếc dựa tường và cỏ xanh đầy đất hiện lên ánh bạc rực rỡ.

Thiếu phụ ăn vận hoa lệ đi ra từ chái nhà cũng xinh đẹp, mềm mại như ánh trăng.

“Thỉnh an Lục gia”.

Hải Lâm cúi chào.

“Sao lại chuyển tới đây?” Tịch Tà biết rõ còn hỏi.

Thành Thân vương cười nói: “Ta chuộc nàng ra, cả tòa nhà này đều tặng cho anh đấy.

Chỗ này cách vương phủ không xa, chừng nào anh không trực thì hãy ở đây, ta tìm anh chơi cờ”.

“Vương gia, việc này tuyệt đối không được”.

Tịch Tà vội vàng chối từ.

“Lẽ nào anh không thích Hải Lâm?” Thành Thân vương hỏi.

Tịch Tà cười đáp: “Không giấu vương gia, đúng là nô tỳ thích ạ”.

“Vậy anh không thích ta… căn nhà ta tự mình chọn cho anh?”

“Cũng rất thích ạ”.

“Thế thì nhận đi”.

Thành Thân vương quay đầu nói với Hải Lâm: “Cô nương ngốc nghếch, bây giờ vẫn còn gọi Lục gia à? Mau hầu hạ lão gia của cô vào nhà ngồi”.

“Vương gia!” Tịch Tà hơi lên giọng: “Không phải nô tỳ không nể mặt, chỉ là người hầu hạ trong hoàng cung luôn phải hết sức cẩn thận…”.

Thành Thân vương không vui nói: “Ta chẳng cầu anh báo đáp, chỉ cần anh vui là ta cũng vui rồi.

Chỉ cần có thể thường xuyên…”.

Chợt cảm thấy bàn tay gầy guộc của Tịch Tà nắm chặt lấy tay mình, y bỗng vui như lên trời, kinh ngạc nhìn Tịch Tà nói không nên lời.

Không ngờ mắt hoa lên, giữa ngón tay Tịch Tà đã có thêm một cái phi tiêu lông đen, lưỡi phi tiêu sắc bén xanh thẳm vẫn đang tỏa ra sát khí.

Thành Thân vương hít một hơi lạnh, quên phải kêu cứu.

Tịch Tà kéo y và Hải Lâm sang bên cạnh mình, nhìn mái tường chung quanh rồi cười nói: “Một kích không trúng thì nên lui ra vẹn toàn mới tốt.

Trăng sáng chiếu rọi, đêm đẹp ngắn ngủi, nếu như mấy vị muốn đấu tiếp thì chi bằng làm ngay thôi”.

Có người cười khanh khách mãi, ngồi ở mái tường, cầm kiếm nhìn xuống, nói: “Một thái giám như mi còn nói gì mà đêm đẹp ngắn ngủi, cười rơi cả răng hàm của ta rồi”.

Tịch Tà vẫy tay với gã: “Chi bằng tới đây mà cười này”.

Người nọ bất thình lình rơi xuống khỏi mái tường, người kiếm chợt bắn đến trước mặt ba người như một con cá chép đen nổi lên mặt nước.

Thành Thân vương thấy mũi kiếm sáng như tuyết đâm tới thì càng kinh hãi hơn, chưa kịp kêu cứu đã thấy ngón tay Tịch Tà phất qua, phi tiêu trong tay đập gãy răng cửa người kia, đâm xuyên qua sau đầu, xuyên vào hai tấc mới thôi.

Người nọ đập xuống đất đánh phịch một tiếng như bị đao chặt đứt.

Tịch Tà cầm lấy trường kiếm trong tay gã, lạnh lùng nói: “Còn thích cười nữa không?”.

Lời còn chưa dứt, phục binh bốn phía đột ngột hiện ra, sáu bảy cái bóng dũng mãnh nhảy vọt ra.

Tịch Tà vỗ Thành Thân vương rồi nói: “Vương gia, núp thấp xuống”.

Thành Thân vương lập tức ngồi xổm xuống, nhắm mắt ôm Hải Lâm đang run lẩy bẩy vào trong lòng, tiếng người trên đỉnh đầu lặng lẽ, kiếm kêu khe khẽ, cái lãnh thẩm thấu quanh người.

Chốc lát sau đã nghe Tịch Tà nói: “Mời vương gia đứng lên”.

Thành Thân vương đỡ Hải Lâm dậy, thấy Tịch Tà đứng trong thi hài đầy đất, hất máu tươi trên thân kiếm, sát khí vừa mới bột phát khiến nụ cười của hắn phủ kín một tầng ánh sáng sắc bén: “Vương gia bị sợ hãi rồi.

Vương gia vừa mới nói gì ấy nhỉ?” – Hắn quay đầu lại hỏi.

“Không có gì”.

Thành Thân vương mím môi.

Tiểu Thuận Tử co quắp ở dưới chân tường đầy trúc xanh, lúc này liền lăn một vòng ra, mặt dày hỏi Tịch Tà: “Có phải thầy xuống tay ác quá không? Sao không chừa lấy một mống?”.

“Đồng bọn chết trước nhưng không một ai lùi bước, rõ ràng là tử sĩ, mang về cũng sẽ không mở miệng đâu.

Vả lại…” Tịch Tà lấy mũi chân xoay mặt người chết lại, nhìn rõ ràng nhờ ánh trăng: “Hôm trên đường đưa linh cữu, mấy kẻ này đã nhìn chằm chằm ta, chắc đã biết lai lịch của ta”.

Hắn đột nhiên hỏi Thành Thân vương: “Hiện đại tướng quân và Sào châu vương nghỉ ngơi ở đâu ạ?”.

“Sào châu vương không có phủ đệ ở kinh, hiện ở trong phủ Vương Cử”.

“Thì ra là thế”.

Tịch Tà nghiến răng giận dữ.

Ánh mắt sáng như tuyết trên gương mặt lạnh băng không giống người làm Thành Thân vương không khỏi lùi lại mấy bước, nhìn hắn vút qua, biến mất không dấu vết thì hiu quạnh tịch mịch vô cùng như thể khoét mất tim mình đi vậy.

Dinh thự trong kinh của Vương Cử cách đó không xa, với thân pháp của Tịch Tà, chỉ chốc lát là đến.

Từ xa hắn đã thấy trong phủ ồn ào náo động, đèn đuốc sáng trưng, liền biết mình tới quá muộn, bèn nhẹ nhàng đáp xuống chỗ đình đá trong vườn hoa mà người chen lấn chật như nêm cối.

Tịch Tà hô to: “Tôi là người trong cung, người không liên quan mau tránh ra”.

Người nhà trong phủ đại tướng quân nhao nhao lui ra, Tịch Tà đi vào trong đình cúi đầu nhìn, Lương Dũng đã tắt thở từ lâu, chỗ ấn đường có vết thương nhỏ, gần như không có máu chảy ra, chính là thủ đoạn của Lôi Kỳ Phong.

Vết thương do kiếm của Vương Cử nối thẳng từ trước ngực ra sau lưng, vẫn chưa chết, người nhà thấy vết thương hiểm ác thì không dám di chuyển, đang vội vã gọi thầy thuốc.

Chỗ khác trong đình còn có ba thị vệ đeo đao của đại tướng quân phủ phục, đều chết do dao găm cắt đứt yết hầu, không giống như do Lôi Kỳ Phong gây nên.

Tịch Tà thầm kinh ngạc, đang cúi đầu khẽ suy tư thì bị tóm lấy mắt cá chân.

Hai khóe mắt của VươngCử như sắp nứt, ánh trăng chiếu lên vẻ mặt dữ tợn của ông ta, lộ ra vẻ hung ác.

Ông ta bóp chặt lấy cổ chân Tịch Tà, quyết tâm muốn dẫn hắn cùng cuống địa phủ: “Khúc, khúc “Định Lương châu” đó… Khà khà…”.

Ông ta không để ý bọt máu trong cổ vẩy ra, cố chấp khàn giọng cười gằn: “Yêu nghiệt! Ta nhận ra mi… Ta nhận ra mi…”.

Tịch Tà trông sát khí trong mắt ông ta dần tản ra theo con ngươi, không khỏi muốn cất tiếng cười to: “Muộn rồi”.

Hắn chậm rãi lui một bước, đá văng bàn tay Vương Cử ra, cuối cùng vẫn thở dài.[1] Binh lĩnh không biên chế được chiêu mộ tạm thời trong thời chiến.

[2] Khương Tử Nha ngồi câu cá chờ gặp minh quân, không dùng mồi, lưỡi câu bẻ thẳng, bảo: “Cá nào không muốn sống nữa thì cứ tự nguyện mắc câu đi vậy!” Ý chỉ người mà bằng lòng thì sẽ tự tới.

[3] Nguyên là Hạng Trang múa kiếm, ý tại Bái công.

Kể về Hồng môn yến, Hạng Trang vờ múa kiếm trong bữa tiệc, hòng muốn giết Bái công Lưu Bang.

Tóm lại cả hai câu đều ý là hoàng đế không có chủ đích câu cá mà nghĩ đến việc khác.

[4] Âu vàng ý chỉ đất nước vững bền.

[5] Thơ của nhà thơ Phan Thiều thời Minh.

[6] Dùng ngón trỏ, giữa, áp út và út tay phải lần lượt gảy dây, ngón cái thì móc dây, liên tục được năm tiếng, Lặp lại trình tự này hai lần liên tục thì gọi là trường luân.

[7] Tức bốn chiêng sáu trống, bốn chiêng chỉ thuần, trạc, nao, đạc, sáu trống chỉ trống lôi, trống linh, trống lộ, trống phần, trống cao, trống tấn.

Khi hành quân thời cổ đại, lệnh quân đội hành động, tiến công thì đánh trống, lệnh quân đội dừng hoặc lui thì đánh chiêng.

Nói chung chỉ tín hiệu chiến đấu và hành quân..

Bản dịch được đăng duy nhất ở Bạch Ngọc Sách VIP-Reader!