Chương 24

Khánh Hi Kỷ Sự

50.960 chữ

29-12-2022

Tịch Tà quát người nhà trong phủ Vương Cử, không cho phép bất cứ ai tùy tiện ra ngoài.

Thành Thân vương cũng cưỡi ngựa chạy tới, lấy ấn tín thân vương ra sai người điều binh từ chỗ đề đốc Viên Tấn của Binh mã ngũ thành, phong tỏa phủ tướng quân, còn y tự mình trấn thủ, cắt đứt tin tức trong ngoài.

Tịch Tà về cung ngay trong đêm, gặp Du Vân Dao đang trực ở cửa Tử Nam thì hối hả nói có việc khẩn cấp với anh ta, Trịnh Bích Đức nghe tin cũng chạy ra, mở cửa cung cho hắn vào thẳng cung Càn Thanh.

Nhưng Lý Cập đang trực lại vốn là một kẻ không biết điều, nghe tiếng động thì đi ra từ phòng trực, kéo Tịch Tà lại, cười nói: “Vạn tuế gia? Tất nhiên là ở cung Tiêu Cát của Mộ nương nương rồi”.

Tiểu Thuận Tử tiến lên đẩy gã ra: “Xin lỗi Lý gia, lát nữa sẽ nói chuyện phiếm với ngài ạ”.

Lòng Tịch Tà bình tĩnh trở lại, dặn Lý Cập trước: “Ngài tuyệt đối không được nhiều lời về chuyện tôi về cung giữa đêm với người khác đâu đấy”.

Lý Cập ngơ ngẩn nói: “Anh Sáu thấy bình thường tôi là loại người này ư?”.

Tịch Tà cười bảo: “Tiểu Thuận Tử, con hầu hạ Lý gia giúp ta, chờ trời sáng vạn tuế gia sẽ về cung Càn Thanh”.

“Ôi! Chờ đã”.

Lý Cập chẳng hiểu ra làm sao, tiến lên níu thì bị Tiểu Thuận Tử ngăn lại.

Tịch Tà sửa sang quần áo ở trước cửa cung Tiêu Cát rồi xin Cát Tường thông báo, chỉ chốc lát hoàng đế đã ở bên trong gọi.

Tẩm điện mới thắp nến nên còn thấy tối tăm, người đẹp sau rèm không ngừng lay động quần áo, ắt là Mộ Từ Tư cũng sợ hãi dậy rồi.

Hoàng đế khoác xiêm áo cúi người nói: “Mau đứng lên nói đi”.

“Vương Cử và Lương Dũng bị ám sát trong phủ Vương Cử.

Hai người đều đã bỏ mình”.

“Chết cả rồi?” Sau nháy mắt trầm mặc, hoàng đế ngỡ ngàng hỏi.

“Vâng”.

Hoàng đế quấn kín xiêm áo, dựa vào lưng ghế nhắm mắt không nói gì.

“Hoàng thượng!” Tịch Tà nói: “Hiện nay chuyện hai người bị ám sát bỏ mình vẫn chưa lộ, đến bình minh thì giấy không gói được lửa nữa, kinh thành chấn động mới xoay chuyển thì khó lắm”.

“Biết rồi!” Hoàng đế nói: “Trẫm phải suy nghĩ một lát.

Đi ra ngoài hết đi”.

Tịch Tà và Cát Tường lui đến ngoài cửa, nhìn nhau không nói.

Trăng sáng chiếu rọi, vốn là đêm xuân ôn hòa đẹp đẽ, không ngờ trong nháy mắt vật đổi sao dời, vận mệnh của vô số người lại thay đổi hoàn toàn chỉ trong một suy nghĩ của hoàng đế vào đêm nay.

Bên trong cánh cửa, tiếng bước chân sốt ruột của hoàng đế truyền đến, sau một hồi lâu thì trở nên nặng nề, cuối cùng chợt dừnh trước cửa, không còn động tĩnh nữa, giống như tim đột ngột ngừng đập, khiến người ta kinh hãi đến mức khó thở.

Tiếng trống canh dấy lên trong tĩnh mịch, dần xuyên qua thâm cung, thì ra đã là canh ba rồi.

“Rầm” một tiếng, hoàng đế kéo cửa ra, đôi môi tím tái lộ ra tiếng nói bình tĩnh: “Tịch Tà, khanh vào đây”.

Đêm mười lăm tháng Tư, trong sự vắng vẻ, cửa Hoa Đông mở rộng trong cơn vắng lặng, hoàng cung bằng ngọc trắng bí ẩn ở đầu khác của lối giữa vừa vặn được ánh trăng như nước bao phủ.

Trước mắt chức vị của thị vệ đeo đao Du Vân Dao còn thấp nhưng đã nghiễm nhiên đứng đầu thị vệ cửa Tử Nam, đêm nay khóe miệng thường ngày mỉm cười lại để bóng tối mà ngọn đèn dầu hắt xuống khắc lên vẻ uy nghiêm, sát phạt quyết đoán.

Anh ta vịn kiếm mà trông, hai con ngựa giỏi đang chạy như bay từ chỗ giám Ngự mã ồn ào, vượt qua cửa Hoa Đông.

Du Vân Dao nhìn họ ra khỏi cửa Thanh Long mới phóng người lên ngựa, cất tiếng quát to: “Đóng cửa! Hoàng thượng hạ chỉ, ngoại trừ cửa Tử Nam, cửa Chu Tước ra thì các cửa của cung Thanh Hòa nghiêm cấm ra vào”.

Vài người cầm đuốc tụ tập quanh anh ta, xoay đầu ngựa, ra roi vun vút, phi nước đại truyền ý chỉ của hoàng đế ra khắp nơi.

Lúc này, hai con ngựa đó đã qua cầu Phụng Thiên, khi tới thành Nam, quân coi giữ cửa Phủ Dân nghe được chuông loan rung mạnh, dưới cây đuốc chập chờn trông thấy cờ vua vàng chói phấp phới thì vội vã mở then thả cầu.

Sau khi tra xét lệnh bài hỏa tốc, người trên ngựa không hề chậm trễ, một trước một sau nhảy ra từ khe cửa, nhảy đến đầu cầu, chẳng để ý cầu chưa thả xuống ổn định đã quất mạnh một roi dẫn ngựa nhảy vọt đến bờ bên kia sông hộ thành, lập tức mỗi người một ngả.

Cát Tường cầm cờ vua trong tay đến thẳng đại doanh cửa khẩu Tiểu Hợp, Tịch Tà thì mặc trang phục sĩ tốt, đeo Tĩnh Nhân chạy như bay trên đường cái hướng tây nam.

Cho đến khi ánh mai lấp ló, đường cái tụ đến cảng Kim Hồi.

Người đi đường đã rất nhiều, thấy hắn chạy như điên thì nhao nhao né vào rừng cây bên bờ.

Tịch Tà trông về hướng nam, quả nhiên có hai con ngựa chiến đang vượt qua chỗ nước cạn ấy.

Trang phục và yên ngựa, hàm thiếc, dây cương của hai người đều đã bỏ ký hiệu của kinh doanh.

Lý Sư đeo kiếm đi trước, Lê Xán treo giáo dài ở bụng ngựa, theo sát phía sau, gấm đỏ bọc mũi giáo bị nước bắn tóe lên, rỉ máu đỏ thẫm.

Hai người xông lên trên bờ trong tiếng kêu kinh hãi của người đi đường, thấy Tịch Tà chỉ còn cách một mũi tên bắn mà lại không chịu giảm tốc độ ngựa thì đều không ngừng mắng to.

Đi tiếp hai mươi dặm chính là trạm dịch, trong lúc thay ngựa, Tịch Tà bị hai người vượt qua.

Hắn uống mấy ngụm nước xong thì dùng khăn dài bọc miệng mũi che gió, thúc ngựa đi ngay.

Lê Xán và Lý Sư trợn mắt nhìn, không màng chuyện nghỉ lấy hơi đã thay ngựa đuổi theo.

Thay ngựa như thế bốn lần, phi nhanh sáu trăm dặm, lúc hoàng hôn thì đã đến biên giới phía tây Đồng châu, đi tiếp về hướng tây thì sẽ vào Khoa châu.

Tịch Tà nghỉ tạm ở trạm dịch, gọi đồ ăn chưa bao lâu thì Lê Xán và Lý Sư đều cầm khí giới đi đến.

Lý Sư đập kiếm Tà Nguyệt lên bàn, đưa tay cầm bánh màn thầu lên ăn như thần trùng mở mả, Lê Xán đi lại vài vòng giãn gân cốt rồi mới ngồi xuống.

Dịch tốt vô cùng chu đáo nịnh bợ, vây quanh ba người không ngừng tươi cười hầu hạ, nhìn chằm chằm vào giáo dài kiếm sắc của Lê Xán và Lý Sư.

Tịch Tà và Lê Xán đều ăn mà không nói một lời, Lý Sư cũng chẳng thèm lắm miệng.

Lúc này ngựa cũng đã chuẩn bị xong ở ngoài cửa, Tịch Tà đứng dậy cười nói: “Hai vị chờ bên ngoài, lát nữa tôi sẽ tới”.

Lê Xán đáp “được” rồi đi ra ngoài cửa.

Lý Sư đã lên ngựa từ lâu, sốt ruột nhìn chung quanh, chợt nghe trong trạm dịch có người kêu thảm thiết một tiếng thì không khỏi kinh ngạc đảo mắt nhìn Lê Xán.

Dường như Lê Xán không nghe thấy, đang treo giáo dài lên cạnh yên, sửa sang hành trang.

Lý Sư vội hỏi: “Bên trong đã xảy ra chuyện rồi à?”.

Hai gã dịch tốt hầu ngựa ở ngoài đã biến sắc mặt, xoay người muốn chạy thì bị cây giáo dài của Lê Xán lóe ra, đâm chết tại chỗ.

Lý Sư không kịp cản, giận tím mặt, rút kiếm khỏi vỏ,, chỉ vào Lê Xán quát lên: “Dừng tay!”.

Tịch Tà thủ tay trong áo đi ra, nhìn lên trên mặt đất, xác định hai gã dịch tốt đã tắt thở thì tung người lên yên.

Lý Sư thấy hai người họ làm như không có việc gì thì không khỏi kinh sợ đến mức khắp mình run rẩy, chưa mở miệng thì Tịch Tà đã nói: “Chớ lải nhải, nếu không thì về Ly đô đi”.

“Vì sao lại giết người bừa bãi?” Lý Sư rống lên giận dữ, đi theo ngựa Tịch Tà không ngừng truy hỏi.

Chốc lát đã tới biên giới hai châu Khoa, Đồng, Tịch Tà ghìm chặt ngựa trước cột mốc biên giới: “Lần này đi Khoa châu, từ trạm dịch vừa nãy trở đi thì khắp nơi đều là tai mắt của phiên vương, nếu tôi không giết dịch tốt này thì chưa đầy nửa canh giờ nữa, động thái của chúng ta sẽ truyền khắp ba châu Khoa, Thanh, Hồng, chúng ta muốn giữ được cơ mật và tính mạng thì đều không thể vào trạm dịch công để thay ngựa nữa, phải bỏ đường cái mà chuyển vào đường nhỏ”.

Hắn nhìn Lý Sư rồi lạnh lùng nói: “Tôi cũng không thích giết người”.

Lý Sư đang muốn há miệng tranh cãi thì Lê Xán đã cười, bước lên phía trước hỏi: “Người truyền chỉ đến kinh doanh hôm nay chính là Cát Tường?”.

Lý Sư nghe vậy thì ngạc nhiên hỏi: “Đó chính là Cát Tường ư?”.

Tịch Tà đáp: “Chính là đại sư ca.

Nếu không có việc khẩn cấp xảy ra thì sao anh gặp được anh ấy?”.

“Thái giám tổng quản thân tín nhất của hoàng đế tự đến kinh doanh truyền bọn ta theo ngài đến phía tây, tất có sự việc to lớn.

Nhịn cả ngày rồi, không biết bây giờ có thể hỏi chưa?”

“Hiện chúng ta đã đến trước quỷ môn quan, tất nhiên không cần giấu nữa”.

Tịch Tà ngước mắt lên cười nói: “Chỉ hỏi các anh, trong năm nghìn thiết kỵ, lấy kiếm của ba người chúng ta để tóm lấy tính mệnh kiêu hùng hiện nay, các anh có can đảm thực hiện không?”.

Sáng hôm ấy, vừa qua giờ mão, trăm quan đã tới chính đường bộ nội các trong cửa Chu Tước làm việc, có người ra ngoài vì công việc lại bị thủ lĩnh Úc Tri Thu đang trực cửa Chu Tước ngăn lại.

Anh ta nhướng mày cười nhạt, càng anh tuấn kiêu ngạo hơn bình thường, cất cao giọng nói: “Các vị đại nhân, hôm nay lĩnh ý chỉ của hoàng thượng, cửa Chu Tước chỉ vào không ra, nghiêm cấm truyền vật riêng, xin thứ lỗi”.

“Chẳng lẽ đã xảy ra việc lớn?” Trong tiểu lại cũng có kẻ thạo tin, liên hệ với việc đêm qua ty Binh mã ngũ thành vây quanh phủ đại tướng quân, không lâu sau liền có lời đồn Vương Cử vi phạm lệnh cấm, bị hoàng đế kê biên phủ đệ truyền khắp các bộ, viện, tự trong nội phủ cửa Chu Tước.

Sau thấy cửa Tử Nam cũng đề phòng nghiêm ngặt, không cho ra vào, còn có kẻ đoán hoàng hậu đã bị phế.

Mấy trăm mệnh quan triều đình không đi lại được nên khó tránh việc lén lút bàn bạc, thành thử, chuyện Tịch Tà lặng lẽ rời cung chìm trong sự rối ren bất an của triều thần.

Thái giám Trương Cố quản lý cục Châm Công biết được việc này thì đã qua giờ tỵ.

Lúc nghe tin tức này từ miệng Lý Cập, lão chỉ cảm thấy mặt trời chói chang chiếu xuống khiến trước mắt mình trắng xóa.

Lão uống một hớp nước rồi hỏi: “Đi về phía nào? Chẳng phải gần đây cậu ta kiêm chức giám quân ở cửa khẩu Tiểu Hợp ư?”.

“Nhất định không phải cửa khẩu Tiểu Hợp”.

Lý Cập đáp: “Cát Tường mới truyền Khương Phóng trở về từ cửa khẩu Tiểu Hợp.

Chắc chắn không cần hai người thân tín nhất đến cùng một chỗ”.

“Biết rồi”.

Trương Cố gật đầu, kéo tay Lý Cập rồi đưa ngân phiếu trong tay áo, miệng nói: “Anh chạy một chuyến vất vả rồi”.

Lý Cập cười hì hì trở về cung Càn Thanh.

Trương Cố thấy gã đi xa thì vội vàng kéo ghế ra ngồi xuống, viết rõ ràng mười mấy chữ Khải nhỏ tí ti, cuộn lại rồi nhét vào trong ống trúc nhỏ, lấy lồng chim đã mở trên hành lang xuống, buộc ống trúc lên trên chân chim, buông tay cho nó cất cánh.

Trương Cố dùng tay áo che mặt trời, nhìn theo con chim kia vỗ cánh vọt lên trời quang.

Không ngờ nó còn chưa lướt qua nóc nhà, đột nhiên một cơn gió táp vọt đến, “phập” một tiếng, lông vũ bay dính đầy máu tươi, không có lấy một tiếng kêu thảm thiết đã rơi thẳng xuống sân.

“Ai?” Trương Cố kinh hãi.

“Trương gia gia, ngài khỏe không?” Tiểu Thuận Tử thò đầu ra khỏi cửa nguyệt trong sân, cợt nhả lấy lòng.

“Đốn mạt! Sao bắn chết chim của ta?” Trương Cố vừa vội vừa giận, bắt đầu chửi ầm lên.

Tiểu Thuận Tử vội nói: “Trương gia gia đừng giận, biết trước hôm nay ngài phóng sinh, tôi bèn tới đây báo tin đấy.

Hoàng thượng, hoàng hậu đều không khỏe, đang nghỉ ngơi lại sợ chim xuân làm phiền lòng mới bảo đám nhóc chúng tôi cầm cung duổi cùng giết tận”.

Lúc này Tiểu Hợp Tử lại hào hứng xách cung đến gọi Tiểu Thuận Tử, Trương Cố nghe bốn chữ “đuổi cùng giết tận” thì hồn bay phách lạc, phất tay bực dọc nói: “Cút hết, cút hết đi”.

“Vâng”.

Tiểu Thuận Tử nói với vẻ mặt đưa đám: “Hay là tiểu nhân chôn con chim này cho ngài, tạ tội với ngài?”.

“Đừng động vào nó! Cút đi!” Trương Cố cướp xác chim lại, kéo ống trúc ra.

Tiểu Thuận Tử kéo Tiểu Hợp Tử ù chạy mất, đến chỗ xa mới cười nói: “Quả nhiên lão già sắp vào hòm này không an phận”.

Tiểu Hợp Tử bảo: “Nay đã quét sạch mấy nơi và nhân vật quan trọng do Lục sư thúc dặn rồi, anh muốn mau mai trở về cung Càn Thanh bẩm báo cho thầy.

Em phải lặng lẽ theo dõi đấy”.

Đoạn cậu quay lại cung Càn Thanh, bẩm rõ với Cát Tường như sự thực.

Cát Tường gật đầu nói: “Hiện chúng thần đều phải vào, chờ qua hôm nay sẽ cùng xử lý với những bọn gian tế trong cung, các con cứ trông kỹ, đợi ý chỉ của vạn tuế gia”.

Lúc này ước chừng ba người Lưu Viễn, Ông Trực và Khương Phóng đều đã biết tin, nối đuôi nhau mà vào với vẻ mặt nghiêm túc.

Cát Tường nghênh đón mời họ dừng lại tại chỗ, sau khi thông báo mới dẫn vào.

Hoàng đế đang ở sâu trong thiên điện, hơi nghiêng người ngồi trên giường trong bóng tối, lẳng lặng nhìn họ hành lễ.

“Các khanh đều biết rồi?”

“Tin tức các nơi đều bị phong tỏa”.

Lưu Viễn thưa: “Thần chỉ nghe loáng thoáng”.

“Hai thống soái quân Chấn Bắc đều bị ám sát bỏ mình trong đêm.

Các khanh thấy sau này giao quân Chấn Bắc cho ai?”

Đám Lưu Viễn đưa mắt nhìn nhau.

Ông Trực lấy can đảm tâu: “Bẩm hoàng thượng, sau khi biết được tin dữ này, thần không ngừng suy xét nhưng tới lúc này vẫn chưa có thượng sách”.

Hoàng đế thấy Lưu Viễn và Khương Phóng không nói thì ngồi thẳng người, chậm rãi bảo: “Trẫm đã quyết ý thân chinh”.

“Hoàng thượng!” Lưu Viễn cả kinh biến sắc, lại bị hoàng đế giơ tay lên chặn lời.

“Các khanh đều là người trẫm tin tưởng nhất, ắt cũng biết suy nghĩ của trẫm”.

Hoàng đế nói: “Ban đầu Hung Nô ồ ạt xuôi nam, trẫm chỉ cần ngồi ở trung nguyên, sai thân vương công cao quyền lớn xuất chinh là được.

Hồng vương, Lương vương đều là anh kiệt cái thế, không ai không tốt.

Mấy đời trước đều là như thế, song lại ra một Nhan vương, lũng đoạn quân Chấn Bắc và kinh doanh trước kia nhiều năm, cuối cùng còn muốn giết vua soán vị.

Nói ra thì phiên vương hiện nay trong thiên hạ tự cầm binh, cắt cứ lập chính quyền, đều có can hệ với Nhan vương.

Gương tày liếp còn đó, sao vẫn giẫm lên vết xe đổ?”.

Lưu Viễn vội tâu: “Lão thần hiểu ý hoàng thường, nhưng hoàng thượng tuyệt đối không thể dễ dàng mạo hiểm.

Nếu hoàng thượng có sơ xuất mảy may thì xã tắc tất dao động.

Tình hình xấu nhất là bại một trận, hoàng thượng còn trẻ, sau này còn đâu uy danh?”.

Hoàng đế cười khẩy: “Trẫm vốn không phải là con trai đầu của tiên đế, cũng chẳng phải con vợ cả, lên ngôi từ thuở ấu thơ, đến nay chẳng làm nên trò trống gì, nói gì mà mọi người cùng hướng về? Ha ha, tuyệt chẳng phải vậy.

Nếu không có dũng khí quyết tâm tất thắng, chỉ ấm ức dưới gối phiên vương thì sau này còn có uy nghiêm thể diện gì để nói nữa?”.

“Hoàng thượng!” Ông Trực bình tĩnh khuyên nhủ ngoài dự đoán của mọi người: “Nay không phải lúc hành động theo cảm tính.

Hoàng thượng thân chinh phải có nguyên do bắt buộc, với lời mà hoàng thượng mới nói thì không thuyết phục được thái phó đâu”.

Hoàng đế thở gấp bảo: “Nay tiền tuyến phương bắc chỉ cần một người trấn áp đầu trận tuyến, khống chế Tất Long là được.

Vốn dĩ Vương Cử cộng thêm Lương Dũng có thể gánh nhiệm vụ này, không ngờ lại chết đột ngột như thế, nhìn quanh trong triều, kẻ thiện chiến đa mưu rất đông song ngôi cao quyền lớn, có thể kiềm chế Tất Long, Hồng Thất Trú thì dường như ngoại trừ trẫm, không còn người nào nữa”.

“Thành Thân vương thì sao ạ?” Lưu Viễn vội nói: “Anh em ruột của hoàng thượng…”.

Hoàng đế lắc đầu: “Cảnh Nghi còn quá nhỏ, lại trầm mê múa hát và sắc đẹp, buông tuồng đã quen.

Người như nó ở kinh thành còn có ích chứ trước quân tuyệt không thể trọng dụng”.

Lúc này Khương Phóng chen lời tâu: “Nếu hoàng thượng quyết định thân chinh thì rành rành là vào miệng hùm, mặc dù đáng ra có thể thắng cũng ắt bị Lương vương và Hồng vương lập kế, dụ quân Chấn Bắc và Hung Nô sống mái với nhau.

Đại quân mà bại, Tất Long và Hồng Thất Trú mỗi bên dẫn phiên binh nam bắc giáp công, tiêu diệt hết Hung Nô thì đến lúc đó hoàng thượng sẽ gặp bất trắc, Hồng vương dắt quân thắng lợi xuôi nam, trung nguyên trống rỗng há không phải là vật trong túi chúng? Chứ đừng nói đến Đông vương, Tây vương dòm ngó trung nguyên đã lâu, trong lúc hoàng thượng thân chinh, khó đảm bảo chúng không dậy lòng riêng”.

“Vậy trẫm không thân chinh thì sao?” Hoàng đế hỏi: “Đã cho Tất Long hai mươi vạn binh mã trung nguyên, cho hắn thì dễ nhưng muốn đòi lại thì khó lắm.

Chỉ sợ đến lúc đó nuốt đến mức xương cũng chẳng còn”.

Ông Trực tâu: “Thần nghĩ thế này, nếu rút Tất Long về Lương châu, triều đình lại điều đại tướng…”.

Ông ta nhìn Khương Phóng cười nói: “Ví dụ như Khương Phóng, cũng là một cách ổn thỏa”.

“Thiếu tám vạn kỵ binh Lương châu thiện chiến, chỉ có tám chín vạn tàn quân của quân Chấn Bắc và mười vạn lính mới chiêu mộ, trận chiến này có nắm chắc tất thắng không?”

Ông Trực ngậm chặt miệng, Lưu Viễn cũng hết đường xoay xở.

Khương Phóng bèn bẩm: “Hoàng thượng thân chinh có hai việc thiết yếu, một là sự yên ổn của trung nguyên, hai là nắm chắc tất thắng”.

Lưu Viễn vội ngăn lại: “Khương Phóng, anh đang nói gì đấy? Lúc này tuyệt đối không được khuyến khích hoàng thượng hành động thiếu suy nghĩ đâu”.

“Khanh nói đi”.

Hoàng đế trừng mắt nhìn Lưu Viễn.

Khương Phóng nói tiếp: “Trung nguyên còn có mấy vạn quân đóng lẻ tẻ, đại tướng Trịnh Quân Hải ở Cứ châu dẫn dắt hơn bảy vạn lính, luôn phòng giữ bên cạnh kinh kỳ, lấy những binh lực này để bảo đảm an ninh hai hướng đông nam không phải là việc không thể, chỉ cần cân nhắc kỹ càng.

Hung Nô có hung tàn thiện chiến hơn nữa thì dù sao trung nguyên cũng đã vật lộn với chúng cả trăm năm, vả lại nay nội bộ chúng bất ổn, vội vàng xuôi nam nên hoàn toàn có thể phá được.

Hoàng thượng thân chinh, kinh doanh có thể theo giá lên bắc, mặc dù thần bất tài song nguyện cược cả tính mệnh để đảm bảo thánh thượng bình an về kinh.

Việc quan trọng nhất bây giờ chính là việc Hồng vương”.

“Nói có lý”.

Ông Trực cũng bảo.

“Không sai”.

Hoàng đế nói: “Bất kể trẫm thân chinh hay không thì xử trí Hồng vương đều là việc cấp bách”.

Lưu Viễn biết hoàng đế trẻ tuổi nóng tính, không thể khuyên giải suy nghĩ lúc này trong một chốc một lát được nên đành than thở: “Dù Ông Trực và Khương Phóng đều nói không sai, nhưng ngoài tầm tay với thì sao không chế Hồng vương được?”.

Hoàng đế cười nói: “Hồng vương cả đời cẩn thận đa mưu, không chê vào đâu được, chỉ có một việc không tính là vừa lòng như ý”.

Lưu Viễn cả kinh nói: “Lẽ nào hoàng thượng muốn…”

“Con người lòng tham vô đáy”.

Hoàng đế cười gằn nói: “Ai bảo cho ông ta chút lợi lộc mà ông ta đã vươn bàn tay quá dài làm gì?”.

Tinh mơ mười tám tháng Tư, Hồng Định Quốc dẫn năm trăm thân binh, kị binh lặng lẽ rời khỏi đại doanh Núi Đa.

Đường cái về tây xanh trắng lạnh lẽo, sương sớm ẩm ướt khiến cả người Hồng Định Quốc không được thoải mái, hắn ta vịn dây cương nhíu mày, mặt mày tối tăm.

Dịch trạm ở biên giới Khoa, Đồng là đường phải đi qua giữa hai đất Ly đô, Hồng châu, càng là đầu mối then chốt hướng về kinh thành của Hồng vương, nhiều năm qua chưa từng truyền đến mật báo sai lầm, không ngờ hôm qua mật thám lại dùng chim bồ câu báo tai mắt sắp đặt nhiều năm bị giết sạch không còn một mống, mà tin tức Vương Cử quả thực đã bỏ mình cũng chậm hơn nửa ngày, tới đêm khuya mới truyền vào trong doanh núi Đa.

Nội giám Lý Trình bên cạnh được Hồng vương sai tới, thúc giục nhiều lần, khổ nỗi ban đêm không tiện hành quân nên bàn bạc với Phạm Thụ An, chỉ đành kéo dài tới bình minh hôm sau.

Hồng Định Quốc xếp chung mấy chuyện này lại thì tự dưng nôn nóng, thoáng thấy bất an.

Hắn ta thấy chung quanh đều là thân binh bảo hộ, ngựa Lý Trình cưỡi không ngừng cọ vào bắp đùi mình thì càng phiền muộn, bèn thúc ngựa lên trước đội ngũ, ngửa mặt hít một hơi thật sâu.

Cửa ải hẹp phía trước mệnh danh “cửa khẩu Nhiếp Hồn”, gió đông táp vội, mây núi vấn vít quanh người rồi cuộn đi, khác nào từng sợi hồn màu trắng chạy xộc vào trong cái miệng máu của ma núi như thiêu thân lao đầu vào lửa.

“Trong cửa ải trước mặt có người à?” Hồng Định Quốc quay đầu lại hỏi.

Lý Trình theo sát hắn ta, đáp: “Thế tử gia nhìn không sai”.

Nhưng đi tiếp về phía trước mấy trượng nữa, sương mù đã bị gió thổi vào cánh đồng bát ngát, trước mắt sáng trong.

Phía bắc núi ảm đạm, lẻ loi ba thớt ngựa đứng im, lẳng lặng nhìn đám Hồng Định Quốc.

Hồng Định Quốc ghì ngựa, Lý Trình cao giọng hỏi: “Tướng quân Chiêu Dũng, thế tử Hồng vương đang ở trước quân, người trước mặt là ai?”.

“Tịch Tà, thái giám giữ bút hầu vua trong thư phòng”.

Hoạn quan thiếu niên mặc áo xanh ở giữa thúc ngựa chậm rãi tiến lên trước mặt, mỗi khi gần thêm một bước thì hai mắt lấp lánh có thần lại lạnh đi một phần.

Đây là nhân vật tiếng tăm lừng lẫy nhất gần đây, tuy còn trẻ nhưng lại có một khí thế tĩnh lặng, tách biệt, kiên quyết.

Hồng Định Quốc co đồng tử, cẩn thận nhìn lại.

Tịch Tà nhảy xuống ngựa, cởi giấy màu vàng bọc chỉ dụ của hoàng đế ra, giữ phía bắc, cười nói: “Nếu đã là thế tử gia của Hồng châu thì vừa hay.

Nô tì phụng thủ dụ của thánh thượng, đang muốn vào doanh trại núi Đa tuyên, thế tử gia nghe ý chỉ thôi”.

Hồng Định Quốc nhìn thấy hắn liền biết Ly đô đã sinh biến, bèn mỉm cười, nhảy xuống ngựa.

Năm trăm thân binh cũng xuống ngựa quỳ theo, tiếng giáp vang lạch cạch liên miên trong sơn cốc.

“Đô úy Thượng Khinh Xa Hồng Định Quốc, thế tử thân vương Hồng châu phụng chỉ dẹp Khương[1]”.

Tịch Tà tuyên chỉ: “Thế tử Hồng Định Quốc của thân vương Hồng châu xuất thân từ nhà dòng dõi công huân, quen thuộc việc quân, những năm gần đây trấn thủ núi Đa tiêu diệt thổ phỉ, chiến tích hiển hách, cử đi giữ chức vụ quan trọng trong quân đội, nghiên cứu quân cơ cho vua.

Lập tức khởi hành vào kinh đảm nhiệm, tuyệt đối không được câu việc nhà ở đất phiên mà trì hoãn, dẫn đến đại cục bắc phạt có thay đổi vì bị lỡ, khâm thử”.

Vội vã cho đòi tới Ly đô như thế tức là bắt giữ vào kinh rồi.

Hồng Định Quốc mím môi cười nhạt, dập đầu tạ ân.

Dự định lấy cỡ Hồng vương bệnh nặng, xin về Hồng châu thăm nom lúc đầu cũng bị ý chỉ này tính cả ở bên trong rồi.

Hồng Định Quốc tiếp chỉ, vừa nhìn Tịch Tà hành lễ, vừa cười nói: “Đã như thế thì tiểu công công hãy theo ta trở về đại doanh Núi Đa, sắp xếp xong thì khởi hành”.

Tịch Tà thưa: “Mời thế tử gia lên ngựa.

Đi ra hướng tây cửa ải là đã rời khỏi núi Đa rồi, nô tì đã phụng chỉ chuẩn bị thuyền bên dòng Ly, xuôi dòng xuống chỉ hai ba ngày là đến kinh.

Hoàng thượng tự có thánh mệnh sắp xếp đại doanh núi Đa, cần gì làm khổ thế tử gia phải cố ý quay lại làm trễ hành trình? Nếu để hoàng thượng biết, không trách thế tử gia cẩn thận làm hết chức trách mà lại trách cứ nô tì hầu hạ không chu đáo, làm điều thừa khiến thế tử gia mệt nhọc đấy”.

Mong đợi kéo dài thời gian cũng không được rồi.

Hồng Định Quốc hơi tức giận, sai Lý Trình nâng thánh chỉ tới rồi lên ngựa nói với ông ta: “Ông là người bên cạnh phụ vương, ông thấy thế nào?”.

Hồng vương chỉ có một anh con trai là Hồng Định Quốc, từ nhỏ đã gửi gắm kỳ vọng, cực kỳ yêu quý.

Nếu bị hoàng đế kiềm kẹp ở kinh kỳ thì chắc chắn sẽ tác động tới tim gan Hồng vương, cản trở bố trí tương lai.

Trước khi Ly đô sinh biến, Hồng vương gấp gáp sai Lý Trình triệu Hồng Định Quốc về Hồng châu cũng là vì lo lắng hành động này của triều đình.

Không ngờ hoàng đế ứng biến nhanh chóng như thế, cuối cùng còn sai Tịch Tà vội vã chặn đường ở chỗ này trong đêm hôm.

Nhưng xưa nay núi Đa chính là sào huyệt của bọn cướp, khâm sai chỉ có ba người, cho dù chết ngay tại chỗ cũng chỉ bị tội không diệt được cướp, dù sao cũng hơn vào kinh bị người ta khống chế.

Lý Trình đã thông suốt bèn đi tới, cầm tay Tịch Tà, chậm rãi vỗ vai hắn và nói: “Ở Hồng châu đã ngưỡng mộ đại danh của tiểu công công, là nhân vật vượt trội trong đám chúng ta, tất là thông minh tuyệt đỉnh, sao lại không rõ nỗi khổ tâm cẩn thận xử lý của thế tử gia?” Ông ta dùng tất cả công lực, hòng đánh gãy tâm mạch của Tịch Tà.

Ánh vàng hừng hực trong mắt Tịch Tà, tay hắn cũng siết thật chặt, nội tức chạy gấp, xuyên thẳng vào đan điền Lý Trình.

Lý Trình chợt cảm thấy máu cuồn cuộn, ban đầu âm thanh vẫn rất cao, sau đó dần dần nản lòng trầm xuống.

Tịch Tà mỉm cười đáp: “Sớm nghe nói người hầu bên Hồng vương gia toàn là nhân kiệt, rồng núp hổ nằm, hoàng thượng cũng cực kỳ hâm mộ, nay gặp Lý công công mới biết lời ấy không sai”.

Lý Trình nghe hắn báo ra tên họ của mình thì lấy làm kinh hãi, cố nén cơn đau đớn trong ngực, từ từ buông tay ra, lui về trước ngựa Hồng Định Quốc, thừa dịp Tịch Tà lên ngựa thì lắc đầu ra hiệu với Hồng Định Quốc.

Hồng Định Quốc thấy sắc mặt ông ta trắng bệch, thoáng cái đã trở nên khó coi, lúc này mới biến sắc.

Nếu ngay cả cao thủ tuyệt đỉnh trong vương phủ như Lý Trình cũng không làm gì được hắn thì chỉ đành ra hạ sách lấy năm trăm kỵ binh tiêu diệt ba người trước mặt thôi.

Hồng Định Quốc giơ tay kiên định phất một cái, năm trăm kỵ binh tinh nhuệ lập tức chỉnh tề áp sát tiến lên.

Tịch Tà phì cười: “Thế tử gia, ý chỉ của hoàng thượng chỉ cho đòi một mình thế tử gia chứ không nói muốn thế tử gia mang binh vào kinh mà”.

Lúc này Lê Xán và Lý Sư đứng xa hồi lâu vẫn chưa lên tiếng dắt ngựa lên trước, đứng nghiêm phía sau Tịch Tà.

Lê Xán cởi gấm đỏ ra, thờ ơ dùng mũi giáo sáng như tuyết chiếu lên sắc mặt mệt mỏi của mình, than vắn thở dài.

Lý Sư thì như thể trông thấy món ngón ưa thích nào đó, chép miệng, không ngừng quan sát Hồng Định Quốc từ trên xuống dưới, mặt mày rạng rỡ.

Tịch Tà quay đầu mắng: “Trước mặt thế tử gia không được vô lễ”.

“Ờ”.

Lý Sư ngậm chặt miệng lại.

Ba người ung dung chờ Hồng Định Quốc mở miệng nói chuyện.

Hồng Định Quốc mở đôi môi mỏng, cười lạnh nói: “Thế thì…”.

Lời vừa cất lên đã bị một tên lệnh the thé cắt ngang, trên sơn cốc bỗng vang tiếng gót sắt giội như mưa, một người ở cửa ải phía đông hô lên vang dội, tích tắc lại quy về yên lặng.

“Thế tử gia”.

Tham tướng Ngải Sinh ở áp chót lặng lẽ tiến lên nói với Hồng Định Quốc: “Trên hai mặt đỉnh núi ít cũng có hai, ba nghìn người.

Chỉ e là Bạch Đại đích thân đến rồi”.

Trong mây mù màu trắng sữa ở cửa ải phía đông lại có một con ngựa trắng sáng chói mắt.

Người đàn ông cao lớn mặc khôi giáp màu bạc, ngồi nghiêng trên yên bạc của con ngựa trắng, lúc ánh mặt trời còn mỏng manh mà đã thấy cả người gã phát sáng.

Xem trang phục và cái vẻ kiêu căng phách lối, cà lơ cà phất này thì chắc chắn là trùm thổ phỉ “Rồng Bạc Rời Bể” Bạch Đại của núi Đa.

Hồng Định Quốc đóng quân ở đây gần hai năm, vẫn chưa từng đối diện với nhân vật thần long thấy đầu không thấy đuôi này.

Bấy giờ mặc dù không nhìn rõ mặt gã, cũng có thể cảm nhận được nụ cười khẩy khinh miệt của gã.

Mặt Tịch Tà không hề kinh ngạc sửng sốt làm Hồng Định Quốc bỗng ngộ ra can hệ trong đó.

“Thì ra là thế”.

Hắn ta nói: “Triều đình nhọc lòng, công công thật lắm trò”.

Tịch Tà ngạc nhiên nói: “Nô tì thấp cổ bé họng, có trò gì được ạ? Nói ngay như bây giờ, thế tử gia do dự không tiến lên, thổ phỉ nhìn chằm chằm, nô tì đã lòng rối như tơ vò, không có cách gì, đang muốn xin thế tử gia dạy cho nên làm thế nào”.

Khắp núi đều là kị binh tên nhọn, đã không thể xoay chuyển nữa, Hồng Định Quốc thoải mái nói: “Chỉ đành để năm trăm kị binh dưới trướng ngăn cản chốc lát, ta tuân mệnh lập tức vào kinh thành mới là việc quan trọng”.

Cuối cùng Tịch Tà cũng hài lòng gật đầu: “Tinh binh của thế tử gia lấy một địch trăm, nhất định có thể toàn thắng về doanh.

Thế tử gia cứ yên tâm”.

Hồng Định Quốc thấp giọng nói với Ngải Sinh: “Anh dẫn binh về, thổ phỉ sẽ không ngăn cản đâu.

Gặp thầy Phạm, xin thầy ấy nghĩ cách xử trí”.

Còn mình thì dẫn Lý Trình và hai gã thân binh, gật đầu với Tịch Tà: “Tiểu công công, xin mời”.

Tịch Tà khom người, thúc ngựa nhường đường.

Ngải Sinh mở to mắt nhìn ba người Tịch Tà kèm hai bên Hồng Định Quốc từ trong năm trăm kị binh chậm rãi ra cửa Nhiếp Hồn, không ngừng dậm chân thở dài.

“Mời Ngải tướng quân trở về đi…” Đám người trên đỉnh núi vui cười, vang vọng không dứt trong cốc.

Đợi quay đầu lại, cửa ải phía đông vẫn trắng sương, nhưng đã chẳng thấy Bạch Đại đâu nữa.

Ngải Sinh chỉnh đốn đội ngũ vội vã về doanh, bẩm báo sự cố cho Phạm Thụ An.

Phạm Thụ An kinh hãi, phái người cấp báo Hồng vương, đích thân dẫn nghìn người, bố trí rải rác ở vùng sông Ly, truy tìm hành tung của thế tử.

Nhưng bảy người này chỉ đi gần nửa ngày, lên thuyền quan ven sông Ly, không ngờ hôm ấy đã bặt vô âm tín, binh mã Hồng châu tìm kiếm khắp mấy trăm dặm sông Ly vẫn chẳng có tin tức nào.

Đám Tịch Tà ngồi thuyền quan được ba mươi dặm thì đổi thuyền nhẹ xuôi dòng.

Nhị đương gia Lý Song Thực của cục Thừa Vận sông Hàn đang đi lại ở vùng sông Ly, tự mình điều động người tới tiếp ứng.

Lý Trình thấy khoang thuyền nhỏ hẹp thì giả vờ không vui, trách rằng: “Thế tử gia thân phận thế nào, sao có thể chen trong chiếc thuyền nhỏ như thế?”.

Tịch Tà nói: “Mong ngài thông cảm.

Lúc nô tì phụng chỉ đi, trong kinh đã xảy ra chuyện lớn: đại tướng quân Vương và thân vương Sào châu bị ám sát.

Chiếc thuyền nhanh này không gióng trống khua chiêng là vì nô tì muốn cẩn thận.

Chẳng qua là kế sách vẹn toàn, mong thế tử gia thông cảm”.

Hắn quay đầu lại gọi người chèo thuyền trên thuyền quan, sai họ tìm bến rồi giấu thuyền quan đi.

Lại sắp xếp Lê Xán và Lý Sư luân phiên “bảo vệ an toàn của thế tử gia”, trực ở cửa buồng rồi mới mời Lý Song Thực qua thuyền nói chuyện.

Lý Trình thấy xung quanh không người, cuối cùng mới có cơ hội hỏi: “Thế tử gia, chúng ta đã đổi sang thuyền nhẹ, theo lý nên cho thuyền quan đi như bình thường, che giấu tai mắt người khác, sao lại sai người giấu đi?”.

Hồng Định Quốc nói: “Thuyền quan cứ đi như bình thường thì với bản lĩnh của thầy Phạm, một ngày đã đuổi kịp rồi.

Thấy trong đó không người thì tất biết chúng ta đã đổi thuyền hoặc là đi đường bộ.

Hiện binh mã nhà ta đều đang tìm kiếm tung tích thuyền quan đó, nhân cơ hội này đi thuyền nhẹ xuống dưới là sẽ đi trước vài trăm dặm”.

“Thì ra là thế”.

Lý Trình nói: “Thằng nhãi kia thật âm hiểm thâm độc”.

“Không chỉ như vậy”.

Hồng Định Quốc không khỏi cười khẩy: “Hoàng đế để ta ở núi Đa, cô lập khỏi Hồng châu, thì ra đã có mưu đồ khống chế phụ vương từ lâu.

Còn ta tưởng là đã lấy được nội địa trung nguyên, thân ở trong nhà tù của binh giặc nơi núi Núi Đa mà còn đắc chí, ngờ đâu đã bị mưu hại.

Tâm cơ sâu xa nhường ấy, không phải chỉ từ thâm độc đã có thể hình dung”.

“Thế tử gia nói vậy, lẽ nào cũng biết đó là độc kế của Tịch Tà?”

Hồng Định Quốc trầm ngâm nói: “Sao bọn giặc núi Đa lại dính líu đến triều đình? Hoàng đế là dòng dõi quý tộc trong thâm cung, không biết chuyện thế tục, chắc chắn có kẻ mưu tính với hắn.

Bọn Lưu Viễn, Miêu Hạ Linh toàn là mọt sách, sao lấy lễ hạ mình kết giao giặc cướp? Khương Phóng xuất thân nhà binh, kết giao dân gian thì về tình có thể tha thứ”.

Lý Trình nói: “Thế tử gia đang lo là Tịch Tà ạ? Nếu trẻ con nghèo lớn lên trong cung có thể tùy ý nắm giữ nhiều thổ phỉ như thế, chẳng phải quá đáng sợ ư?”.

“Chỉ sợ là thế”.

Hồng Định Quốc đột nhiên đổ mồ hôi lạnh, nói: “Liệu có phải là đứa bé kia không?”.

“Thế tử gia đang nhắc đến con trai Nhan vương?” Lý Trình ép giọng xuống cực nhỏ, nói: “Hai năm trước đã chết rồi.

Thế tử gia không nhớ ư? Thái hậu nương nương tự mình báo tin cho vương gia biết mà.

Hơn nữa Tịch Tà không có chút khí phách oai hùng, hoàn toàn không giống Nhan vương gia”.

Thuyền đi hướng đông hai ngày, Tịch Tà lại xin Hồng Định Quốc di giá, đổi thành một con thuyền nhanh rộng rãi.

Mắt thấy chỉ còn cách Ly đô một ngày đường, đã tiến vào đất Thượng Giang, Hồng Định Quốc lại hết sức bình tĩnh, lẳng lặng ở trong khoang thuyền nhìn nước sông, có vẻ tự đắc.

Lý Trình đứng ngoài thuyền chốc lát, vào thấp giọng mỉnh cười nói bên cạnh Hồng Định Quốc: “Thế tử gia, thuyền trước mặt là của Lôi Kỳ Phong”.

“Nhìn thấy cờ hiệu của y rồi à?” Hồng Định Quốc cả mừng, đứng dậy đi ra ngoài khoang thuyền thì bị Lê Xán cản lại như trước.

Lý Trình lên trước cả giận nói: “Thế tử gia chỉ muốn hóng mát thôi”.

“Hóng mát thì được”.

Lê Xán cười nói: “Chỉ sợ thế tử muốn xem lá cờ của thuyền đối diện rồi chói mắt đấy”.

“Chói mắt cái gì?” Hồng Định Quốc cười, nhìn qua cửa buồng, cách bảy tám trượng có một con thuyền căng gió đông tới gần, trên đỉnh buồm trắng có lá cờ tam giác nhỏ khảm đầy châu ngọc, tỏa ra vầng sáng chói lóa dưới ánh nắng chói chang, chính là cờ hiệu mà Hồng vương ban tặng Lôi Kỳ Phong.

Tịch Tà đi ra từ trong khoang thuyền phía sau, nháy mắt với Lê Xán rồi rút kiếm Tĩnh Nhân đứng ở mũi thuyền.

Lý Sư ịn mép thuyền, không ngừng xem xét dưới nước.

Nếu đã tìm tới thì tất nhiên không cần phải tránh né – bên này giương cung bạt kiếm, chỉ chờ thuyền nhỏ đâm vào là chống lại ngay.

“Chỉ sợ sẽ đâm nhau, thế tử cẩn thận đấy!” Lê Xán xoay người nhào về phía Hồng Định Quốc, ép hắn ta vào trong khoang thuyền.

Thân thuyền chợt chấn động, nghiêng mạnh đi, lập tức có năm sáu cái móc sắt tung ra từ chiếc thuyền nhanh đối diện, móc vào mép thuyền mà Hồng Định Quốc ngồi.

Sáu tên to con vừa nhảy lên đã xông thẳng vào hai người Tịch Tà và Lý Sư.

Tịch Tà liếc nhìn, thấy trong đó không có cao thủ thì xoay người lướt vào bên trong khoang thuyền, kêu lên: “Lê Xán, bên trong!”.

Lê Xán buông Hồng Định Quốc ra, chưa kịp cởi kiếm mềm bên hông ra, mới vừa tiện tay nắm giáo dài bên cạnh đã thấy kiếm khí từ sâu trong lòng sông thấm thẳng lên hai đầu gối.

Hắn ta gấp gáp lui một bước, dang cánh tay đâm nhanh xuống đáy khoang.

Mũi thương rít gào chặn yết hầu, sát khí như mây đen che trời, khiến mắt người tối sầm lại.

“Phập!”

Con thuyền gần như bị đập vỡ vì hai luồng sát khí trên dưới, nước sông tuôn vào từ lỗ lớn dưới đáy thuyền, mảnh gỗ vụn gỗ như băng văng ra, đánh vào mặt đến phát đau.

Trong hơi nước một thanh trường kiếm phun lưỡi rắn ra, cắn về phía yết hầu Lê Xán.

Khoang thuyền nhỏ hẹp, sao dùng giáo dài được? Sau một kích, Lê Xán đã mất tiên cơ, lấy cán giáo cản chỗ yếu hại trên cổ họng, ngửa ra sau tránh.

Mũi kiếm đâm thủng cán giáo bằng gỗ chu, đánh thẳng vào.

Tiếng kiếm leng keng như muốn đâm rách màng nhĩ Lê Xán.

Tuốt kiếm Tĩnh Nhân bên cạnh ra, đẩy thế kiếm của đối thủ.

“Nơi đây giao cho tôi”.

Tịch Tà lách mình lên trước.

Vạt áo trước ngực thanh niên áo đen che mặt ở đối diện bị mũi giáo của Lê Xán chém rách, một vết máu dài cả thước trên khuôn ngực trắng xanh, ắt hẳn ở dưới nước cũng phải nhọc nhằn tránh né.

“Ha ha”.

Lôi Kỳ Phong cười sung sướng, mặt mày u ám hiếm khi giãn ra, lúc y nhếch mày đã xuất ra mười một đường kiếm liền.

Tịch Tà từng đấu hai lần với Lôi Kỳ Phong, biết kiếm pháp của y một kích tất trúng, theo lối vô cùng mãnh liệt.

Không ngờ hôm nay ở trong khoang thuyền chật hẹp, lại lấy cứu người làm đầu, dùng chiêu nhanh cực kỳ khéo léo, Tịch Tà chưa chuẩn bị, bị bức lui lại nhiều bước, tung người ở trước cửa khoang để thở lấy hơi.

Khoảng cách chiến đấu vừa xa ra thì kiếm pháp nhẹ nhàng của Lôi Kỳ Phong không làm gì được hắn, muốn một kích lấy mạng hắn nhưng bị khoang thuyền cản trở, y e sợ kiếm khí ảnh hưởng đến Hồng Định Quốc, ném chuột sợ vỡ bình, ngược lại khiến kiếm Tĩnh Nhân dùng khỏe ứng mệt.

Nước trong khoang thuyền đã đến đầu gối, thế kiếm của hai người dần cô đọng, sát khí quanh người châm vào da, Hồng Định Quốc thấy thế thì lạnh lùng nói với Lý Trình: “Có kẻ ám sát, Tịch Tà chặn ở phía trước, ông còn ở đây làm gì?”

Lý Trình đáp một tiếng, bảo vệ Hồng Định Quốc ở phía sau, từ từ dịch về hướng cửa khoang, thừa dịp Tịch Tà hơi rơi vào hạ phong, đột nhiên vỗ một chưởng vào sườn phải hắn.

Tịch Tà đã sớm đề phòng ông ta, chưởng phong chưa tới, người đã bay ra vài thước, mũi kiếm đong đưa giữa ấn đường vọt đến trước mặt Lôi Kỳ Phong.

Mũi kiếm kia sượt qua mặt y, chỉ trầy vành tai nhưng Lôi Kỳ Phong lại khẽ giật mình, bắp thịt ở ngực bụng đột nhiên co lại, Tịch Tà đập một chưởng đến đã bị y tháo mất bảy tám phần lực.

Dẫu thế, Lôi Kỳ Phong vẫn thấy cơn băng giá ào vào người, khó chịu nói không nên lời.

Nhưng chỉ chớp mắt ấy, Lý Trình đã đến cửa khoang, đẩy Hồng Định Quốc ra, còn mình thì quay lại lấy chưởng pháp giáp công Tịch Tà, miệng còn cười nói: “Tiểu công công, tôi tới giúp cậu một tay”.

Trong khoang nhỏ ba người ngâm dưới nước sông sâu đến ngang eo, xoay người thôi cũng rất khó.

Bên trái Tịch Tà là mũi kiếm loang loáng của Lôi Kỳ Phong, lúc này trường kiếm trong tay phải lại thành rườm rà, còn không có ích bằng chưởng pháp của Lý Trình, chiêu pháp lại vốn không phải là sở trường của hắn, nhất thời rơi xuống hạ phong, chỉ một hai chiêu đã nguy hiểm đến tính mạng.

Đầu óc Tịch Tà nhanh như chớp, lộ ra một sơ hở dưới kiếm Tĩnh Nhân khiến Lý Trình lấn người đến chỗ mà cánh tay hắn có thể với tới, tay trái chộp lấy mũi kiếm của Lôi Kỳ Phong nhanh như cắt.

Lôi Kỳ Phong cười nhạt, xoay thân kiếm muốn cứa đứt ngón tay của Tịch Tà, không ngờ không nhúc nhích được, ngay cả Lý Trình cũng ngẩn ra.

Tịch Tà thừa dịp chớp mắt này, tay phải bỏ trường kiếm, chọc thẳng vào ấn đường của Lý Trình.

Lý Trình không đề phòng, bị Tịch Tà đánh lén, chợt cảm thấy hàn khí vào tuỷ não, kêu to một tiếng rồi ngã xuống nước.

“Keng!”

Lôi Kỳ Phong vô cùng nhanh nhạy, dứt khoát đánh gãy trường kiếm.

Tịch Tà miễn cưỡng xoay người, cánh tay Lôi Kỳ Phong như đột nhiên dài thêm hai tấc, lưỡi kiếm gãy đâm tới trong tích tắc mang theo một cơn đau chậm, đâm vào từ khe hở của xương sườn, tham lam cướp lấy trái tim.

“Khụ!”

Tịch Tà kêu lên một tiếng đau đớn, hai tay giữ rịt thân kiếm.

Nước sông trong vắt lạnh lẽo nhanh chóng che đi vết thương, thoáng giảm bớt cơn đau như lửa đốt, hắn giãy giụa định đẩy mũi kiếm ra khỏi cơ thể mình, quanh người không biết là sóng lớn của nước sông hay là sóng gợn run rẩy xao động.

Lôi Kỳ Phong tò mò quan sát sự cố gắng của hắn, lại lặng lẽ đẩy thân kiếm vào một phân, nhìn màu máu trên môi Tịch Tà từ từ rút đi.

Tịch Tà thở hổn hển, ánh mắt bắt đầu tan ra, ngã xuống chìm vào trong nước.

“Hừ”.

Lôi Kỳ Phong chợt bị đau hừ một tiếng.

Dưới nước, kiếm Tĩnh Nhân đột nhiên xuyên thủng đùi phải của y, ra sức thu kiếm rồi không còn động tĩnh gì nữa.

Lôi Kỳ Phong mang theo nụ cười nhạt, từ từ rút kiếm gãy về, lảo đảo lùi mấy bước rồi làm vỡ mui thuyền, cầm kiếm nhảy ra, thoáng nhìn trong một mảng nước gợn lấp lánh dưới thân lại có một mũi nhọn đen đen kịt đánh tới, vội vàng lách ra hơn nửa trượng, phấp phới trên đỉnh buồm cao.

Lê Xán thu giáo dài lại, nhìn chòng chọc Lôi Kỳ Phong, chỉ thấy một đường máu rơi xuống từ trên người Lôi Kỳ Phong khiến buồm trắng loang lổ vết máu, biết trận chiến bên trong khoang thuyền rất thê thảm liền sốt ruột gọi: “Tịch Tà! Ra đây!”

Lúc này thuyền của Lý Song Thực kịp thời ghé vào, bốn bề kèn lệnh kêu loạn, chiến thuyền của thủy quân Thượng Giang tới tiếp ứng căng cung nỏ, cũng xông lên.

Sáu gã sát thủ mà Lôi Kỳ Phong mang tới đã bị Lý Sư và Lê Xán giết chết, hai gã thân binh nhà họ Hồng cũng bị Lê Xán khống chế.

Hồng Định Quốc bị vây đưa lên thuyền của Lý Song Thực, trong mắt đầy vẻ tức giận lạnh lẽo, Lôi Kỳ Phong nhíu mày trong ánh mắt hắn ta.

“Bắn cung!” Trên chiến thuyền, Khương Phóng hét lớn một tiếng.

Một trận tên vàng như mưa bắn qua, che khuất bầu trời, Lôi Kỳ Phong trên đỉnh buồm và cờ hiệu quý báu ấy đột nhiên mất tăm.

Ngày hai mươi hai tháng Tư, tin thế tử Hồng Vương vào kinh đã truyền khắp triều đình và dân gian nhưng chẳng gây nên chấn động là mấy.

Tất nhiên điều các đại thần nghị luận nhiều nhất bây giờ là ý nghĩ thân chinh trong đầu hoàng đế.

Hoàng đế và chúng thần, bộ binh tranh chấp hừng hực khí thế, thêm tin tức Quân Thành xuất phát xuôi nam từ Hạ Lý Luân đổ thêm dầu vào lửa, cung Thanh Hòa càng không ngừng sôi trào, sóng lớn bên ngoài triều cũng nhanh chóng xuyên vào nội cung.

Hoàng hậu đau đớn vì mất cha, cộng thêm cả tháng chưa được yên thân thế là nằm giường không dậy nổi.

Phi tần tất nhiên càng hoang mang lo sợ, hoảng loạn bất an.

“Nàng thấy thế nào?” Thời gian hoàng đế đến cung Tiêu Cát lại nhiều lên, lơ đãng hỏi cách nhìn của Mộ Từ Tư.

“Thần thiếp không hiểu, không dám nói bừa”.

“Nói đi”.

Hoàng đế cười bảo, “Trẫm không trách nàng”.

Mộ Từ Tư nói dỗi: “Đương nhiên thần thiếp không hi vọng hoàng thượng thân chinh rồi”.

Nàng lại cười, “Nhưng thần thiếp cưỡi ngựa mau, bắn tên cũng chuẩn, sẽ không ảnh hưởng đến hoàng thượng.

Nếu hoàng thượng cảm thấy phải thân chinh thì sao không dẫn thần thiếp cùng đi?”.

Hoàng đế cất tiếng cười to: “Dẫn nàng cùng đi?”.

“Vâng ạ”.

Mộ Từ Tư nghiêm mặt nói: “Thần thiếp chỉ cần ở bên hoàng thượng thì không sợ gì cả”.

“Thế nàng sợ gì ở trong cung?” Hoàng đế hỏi một cách sắc bén.

Mộ Từ Tư mím môi không nói lời nào.

Đôi môi đỏ mọng ướt át cực kỳ xinh đẹp, làm hoàng đế quên mất câu hỏi vừa rồi.

“Hoàng thượng”.

Cát Tường chẳng biết ý tứ vào bẩm, “Thái hậu triệu kiến ở cung Từ Ninh ạ”.

Hoàng đế vội vàng đứng dậy: “Chuyện gì thế?”.

“Thái phó Lưu Viễn mới vừa vào tâu ở cung Từ Ninh”.

Hoàng đế không khỏi cười nhạt: “Không khuyên nổi trẫm là kinh động đến thái hậu”.

“Vạn tuế gia, kiệu đã được chuẩn bị ở bên ngoài rồi ạ”.

“Không cần kiệu”.

Hoàng đế hết sức tức bực, đi rất nhanh.

Thái hậu không ngờ hắn ta tới nhanh như vậy, đang mở rương tìm gì đó với Hồng Tư Ngôn, thấy hoàng đế vào hành lễ liền kéo tay hắn ta ngồi trên giường, hỏi: “Hoàng đế muốn thân chinh?”

“Vâng, con trai dự định như vậy ạ”.

“Trong các đại thần có bao nhiêu người tán thành, bao nhiêu người phản đối?”

Hoàng đế đáp: “Người tán thành không nhiều, kẻ phản đối do thái phó dẫn đầu chiếm đến bảy phần”.

Thái hậu mỉm cười nói: “Sao hoàng đế lại muốn thân chinh thế?”.

Hoàng đế vội vã giải thích: “Tất nhiên là vì Vương Cử và Lương Dũng bị ám sát, trước mắt không ai đốc quân…”

Thái hậu đảo đôi mắt sâu sắc, khẽ cười: “Đừng nói dối mẫu thân.

Dẫu chiến sự ở tiền tuyến căng thẳng nhưng có cả vạn cách giải quyết.

Trong lòng hoàng đế tất có quyết định của mình, chỉ cần không có ai xúi bẩy thì đều dễ bàn”.

“Mẫu hậu!” Hoàng đế đột nhiên đỏ mặt.

“Cô xem”.

Thái hậu nói với Hồng Tư Ngôn: “Hoàng đế vẫn giống như trẻ con vậy, mới nói hai câu đã vội rồi”.

Hồng Tư Ngôn cũng đang mỉm cười: “Lòng người trẻ đều là giống nhau cả.

Hoàng thượng có lời gì thì cứ việc nói với thái hậu”.

Thái hậu bảo: “Nếu không phải quần hùng trung nguyên có thế cát cứ thì hoàng đế cần gì nóng lòng lập uy trước quân đội? Một trận đại chiến, tiếng tăm lẫy lừng, hoàng đế còn trẻ chưa lấy được lòng tin và lập uy với thiên hạ, cơ hội tốt như vậy, sao lại chắp tay nhường cho người khác?”

“Vâng…” Hoàng đế bị bà nói trúng, không khỏi cúi đầu, “Người thân tín của con trai không đấu được với hai vị thân vương, con trai cũng bất đắc dĩ mới ra hạ sách này”.

“Chưa chắc đã là bất đắc dĩ”.

Thái hậu cười nhạt, “Thà rằng ta nhắm mắt cho xong, đỡ phải thấy người một nhà đấu đá”.

Hồng Tư Ngôn vội vàng nói: “Chủ tử đừng nói như vậy sẽ dọa hoàng thượng đấy”.

Hoàng đế xấu hổ vô cùng, hai tay không biết để đâu, nói: “Con trai có lỗi, mẫu hậu đừng nóng giận”.

“Ta không giận mà là có vài kẻ quá ồn ào”.

Thái hậu nhìn hoàng đế dịu dàng bảo, “Hoàng đế muốn làm thì đi làm đi.

Lưu Viễn đã già rồi, không đủ dũng khí, không rõ ý của hoàng đế”.

Việc này nằm ngoài dự liệu của hoàng đế, hắn ta bỗng không biết nói gì, nhìn thái hậu đến ngẩn người.

“Nhưng trong lòng hoàng đế cũng có do dự sao?” Thái hậu hỏi: “Nếu đã hạ quyết tâm thì cần gì phải bàn với các đại thần lâu như vậy?”.

“Con trai có nỗi lo về sau.

Con trai thân chinh thì thứ nhất phải chắc chắn tất thắng”.

“Hồng Định Quốc đã bị con đưa vào kinh thành rồi, Hồng vương còn có thể tiếp tục giữ rịt binh mã của mình ư? Con mang theo Định Quốc lên bắc, bại thì tất vạ lây đến nó, Hồng vương sẽ không thờ ơ ngồi nhìn.

Trận này con tất thắng”.

Hoàng đế cả mừng, run giọng nói: “Mẫu hậu cũng nghĩ như vậy ạ?”

“Điều thứ hai thì sao?”

“Sự yên ổn của trung nguyên.

Có người giám quốc ổn thỏa quản lý triều chính, lo liệu lương bổng”.

Hoàng đế do dự trong chốc lát mới nói: “Vả lại không được có nội loạn”.

“Cảnh Nghi giám quốc rất ổn thỏa”.

Thái hậu gật đầu đáp: “Mặc dù ta không muốn lo chuyện phàm tục nhưng lần này trông nhà thay con cũng không hề gì”.

Từ trước đến giờ Trịnh Quân Hải của Cứ châu luôn quyết một lòng với thái hậu, nếu thái hậu đã bằng lòng thì tất nhiên bảy mươi nghìn binh mã của ông ta sẽ át chế hai vương Đông, Tây vì triều đình.

Trong chốc lát tất cả do dự tan thành mây khói, hoàng đế vui không kiềm được, quỳ gối trước mặt thái hậu cảm ơn: “Người tốt nhất với con trai trong thiên hạ chỉ có mẫu hậu thôi”.

Thái hậu đỡ hắn ta lên: “Bây giờ mới biết à? Còn có thứ tốt cho con đấy.

Vừa này đã tìm được món đồ kia chưa?”

“Rồi ạ, ở chỗ này ạ”.

Hồng Tư Ngôn nâng một cái bọc nặng rồi mở ra trước mặt hoàng đế.

Bên trong là bản chép tay ố vàng, tổng cộng hai mươi lăm quyển, chữ viết trên bìa hào hiệp không chịu gò bó, khí phách khôn kể, chỉ viết rõ ngày tháng, quyển sớm nhất là năm Toàn Thánh thứ mười sáu, trước khi Thượng Nguyên đế đăng cơ, là chuyện thời hoàng đế Hiếu Tông.

“Đây là…”

Thái hậu nhấp một ngụm trà rồi mới ngân nga nói: “Đây là thứ tịch thu được từ trong nhà nghịch vương Nhan Trạm, đều là nhật kí hành quân năm đó của hắn, đọc nhiều tất có ích”.

“Vâng”.

Hoàng đế như nhặt được chí bảo, nghĩ lại lại không khỏi nghi hoặc, sao tịch thu thứ này mà thái hậu còn giữ đến nay.

“Không cần hỏi nhiều nữa”.

Thái hậu thấy hắn ta muốn nói bèn mở miệng trước ngăn cản.

Hoàng đế đi ra khỏi cung Từ Ninh, Cát Tường bẩm báo thuyền của Hồng Định Quốc đã lại cập bến đò ngự của Thượng Giang, giờ đang muốn yết kiến.

Hoàng đế nói: “Tạm thời không vội gặp hắn.

Tịch Tà đâu? Sao không thấy hắn đến bẩm báo?”

“Việc này…” Cát Tường lấy làm khó xử nói: “Nếu nó đã đi cùng thuyền với Hồng Định Quốc thì chắc chắn vẫn chưa tới ạ”.

Mãi đến khi gặp Hồng Định Quốc, ban phủ ở kinh thành, làm rất nhiều việc cho thỏa đáng mà vẫn chưa thấy Tịch Tà.

Hoàng đế trở nên sốt ruột, không màng đến lời qua loa lần nữa của Cát Tường, nghiêm mặt bảo: “Ngươi còn không nói thật thì đánh chết trước rồi đi hỏi người khác”.

Cát Tường sợ đến mức quỳ xuống, dập đầu tâu: “Không phải nô tì không nói thật, chỉ là người khác bẩm lại Tịch Tà bị thương nhẹ, tạm thời không thể kiến giá.

Nô tì không biết thương thế nó thế nào nên không dám bẩm báo bừa”.

“Nói bậy!” Sắc mặt hoàng đế đã thay đôi, đứng phắt dậy, “Người đâu? Hiện ở đâu?”.

“Thượng Giang ạ”.

Vết thương đã nặng đến mức không thể chuyển về kinh rồi ư? Lưng hoàng đế đẫm mồ hôi lạnh: “Chuẩn bị ngựa.

Trẫm đến Thượng Giang”.

Cát Tường ôm lấy chân hắn ta hết lời khuyên nhủ: “Vạn tuế gia mà đi thì việc lớn trong triều phải xử trí thế nào? Tịch Tà thấy vạn tuế gia thì phải dậy, mệt một chút cũng chẳng sao, những lỡ làm rách miệng vết thương thì chẳng phải sẽ nguy hiểm đến tính mạng sao ạ?”

Hoàng đế suy nghĩ rồi ngồi lại ghế, thở dài nói: “Ngươi nói có lý.

Gọi người đi xem, Trần Tương cũng đi rồi phải bẩm báo tình hình đúng như sự thực”.

Hoàng đế thấy sắc trời đã tối, đoán hôm nay không thể nhận được tin về Tịch Tà, chỉ là đứng ngồi không yên, cũng không muốn gặp đại thần.

Hôm sau hắn ta cho đòi Thành Thân vương bàn việc thân vương giám quốc trước.

Thành Thân vương cực kỳ khó xử, cứ từ chối mãi.

Tâm trạng hoàng đế bực bội, đương nhiên sẽ không tỏ sắc mặt tốt với y, chẳng nói chẳng rằng mà chỉ lẳng lặng chờ y bày tỏ một hồi.

Trong phòng chợt trầm mặc, Thành Thân vương mất tự nhiên nhìn chằm chằm vạt áo mình.

“Hoàng thượng”, Cát Tường tươi cười đi vào tâu: “Tịch Tà đã trở về rồi ạ”.

“Mau gọi vào”.

Hoàng đế đáp ngay.

Bóng dáng kia vẫn nhanh nhẹn trước sau như một, hoàng đế cẩn thận nhìn từ trên xuống dưới, hỏi: “Bị thương ở đâu?”.

“Chỉ là vết thương nhỏ, bây giờ đã có thể hành động như thường, hoàng thượng không cần lo lắng ạ”.

Thành Thân vương cũng vô cùng ân cần, hỏi: “Hoàng thượng hỏi anh bị thương ở đâu, bẩm tấu đúng như sự thực là được”.

Tịch Tà chìa hai tay ra, cười xòa nói: “Chỗ này ạ”.

Trên hai tay quấn băng vải trắng như tuyết, trong lòng bàn tay vẫn có máu đỏ mờ mờ.

“Nói thật!” Hoàng đế ném bát trà lên trên bàn.

Tịch Tà giật nảy mình, khó xử từ từ chỉ vào vị trí tim.

Hoàng đế sợ hãi, cả người run lên, nghĩ lại không khỏi giận tím mặt.

“Khốn kiếp! Nếu như khanh cho rằng mình chỉ là một nội thần mà thôi, có thể tùy tiện liều mạng thì thật uổng công trẫm coi trọng khanh!”

“Hoàng thượng bớt giận”.

Thành Thân vương chưa bao giờ thấy hoàng đế gào lên như vậy nên luống cuống tay chân.

“Không phải khanh đã dẫn theo hai tay cừ khôi đi ư? Nếu đã là tay cừ khôi thì vì sao lại tự mình đứng ra? Trước khi khanh đi trẫm đã dặn dò thế nào, là thứ gì làm khanh bị quỷ ám, vừa ra khỏi cửa đã quên sạch thế hả?”

“Khương Phóng cũng đau xót trách nô tì như vậy”.

Tịch Tà cúi đầu.

Chỉ cần gặp phải Lôi Kỳ Phong sẽ không quản được ý muốn giết chóc của mình, sẽ không nhịn được tiến lên đón lưỡi kiếm bén nhọn của y, chớp mắt ấy phần mộ thoáng đãng, chức trách thù nhà bị ném ra ngoài ngàn dặm, tự có một cơn vui sướng như thác nước dội xuống da.

Nghĩ đến đấy, Tịch Tà không khỏi xấu hổ, cuối cùng hạ quyết tâm, “Nô tì sai rồi, sau này sẽ không như vậy nữa”.

“Chỉ sợ một chút lầm lỗi thì sẽ không còn sau này nữa! Nếu như khanh chết rồi…” Hoàng đế rùng mình một cái, chợt ngậm miệng lại.

“Sao có thể thế được ạ?” Thành Thân vương đi ra giảng hòa, “Nếu đã hoàn thành việc được giao rồi thì hoàng thượng đừng giận nữa”.

“Bỏ đi”.

Hoàng đế từ từ nguôi giận, “Đã đỡ hơn chút nào chưa?”.

“Không có gì đáng ngại đâu ạ”.

“Lấy băng ghế cho hắn ngồi.

Chúng ta nói tiếp chuyện của chúng ta”.

Tịch Tà ghé vào bên bàn, liếc mắt thoáng thấy bản chép tay cũ kỹ trên bàn.

“Đây là gì thế ạ?” Hắn run giọng hỏi.

“Bản chép tay việc hành quân của Nhan vương năm xưa”.

Hoàng đế lấy một quyển từ phía trên, “Trẫm mới xem đến ghi chép năm Toàn Thánh thứ mười tám, Nhan vương nói lúc bấy ông ta chỉ mới hai mươi mốt mà đã lĩnh binh hai năm rồi”.

“Đây chính là vật báu hiếm có”.

Tịch Tà cong khóe miệng cười nói.

“Đúng thế”.

Hoàng đế tùy tiện lật về phía sau, chợt thấy trên một tờ có đề mấy câu:

Trăng về tây liễu đông rung, cửa lầu đóng kín gió sương thập thò.

Đều vì chuyện loạn Hung Nô, ngọc đai trường kiếm ra phò Lương châu.

Máu dân mình dính yên sau, ngựa bay điên đảo đâm sầu hậu phi.

Nhan vương cười chuyện tử sanh, Thiền Vu còn dám ngó đầu thân vương?

Thấy nét bút hoàn toàn khác với Nhan vương nhưng cũng rất quen, lòng hắn ta hơi động, tìm một cuốn tấu sớ của Hồng vương, so ra quả nhiên là thể chữ của Hồng vương, có điều khi đó nét bút oai phong mạnh mẽ, ít có cái tròn trịa sâu xa của bây giờ.

“Nhìn từ bài thơ này, năm đó tình cảm giữa Hồng vương và Nhan vương rất tốt đấy, không ngờ cuối cùng lại là Hồng vương mang binh vào kinh bắt Nhan vương.

Nhan vương là một mạch hoàng thất, công cao cái thế, vô cùng giàu có, còn là nhân vật đã nói là làm trên triều đình, vì sao vẫn chưa thấy đủ mà phản loạn?”

Thành Thân vương trầm ngâm không nói, Tịch Tà thì thản nhiên đáp: “Thân làm bề tôi, một khi có hoài bão cao xa, chức vị càng cao thì càng nhìn rõ triều đình, càng thấy cản trở ở khắp mọi nơi, chí lớn không được vẫy vùng, cuối cùng chỉ có thể đi con đường đại nghịch bất đạo này.

Năm đó Nhan vương cũng có ý nghĩ diệt trừ phiên chính, triều đình giàu có, thống nhất binh quyền, lên bắc xua đuổi Thát Lỗ, xuôi nam thôn tính Đại Lý thì triều ta sẽ có ba bốn trăm năm hưng thịnh”.

“Khanh hiểu rõ Nhan vương vậy sao?”

“Thầy nô tì từng nhắc đến vài câu”.

“Lạ thật”.

Hoàng đế nói: “Vì sao sau khi trẫm lên ngôi thì rất ít người nhắc tới Nhan vương với trẫm chứ?”.

Tịch Tà cười đáp: “Trong này tất có duyên cớ, vừa rồi nô tì nhiều lời rồi”.

Hoàng đế cười, đột nhiên hỏi: “Nói đến đây, khanh không cầu thăng chức, không cầu phát tài, cũng không thể có đời sau, vậy khanh khát vọng điều gì?”.

Tịch Tà suy nghĩ rồi đáp: “Bẩm vạn tuế gia, người hỏi vậy thật làm khó nô tì, bản thân nô tì cũng không biết”.

Hoàng đế cười to bảo: “Nếu như Như Ý ở đây, nhất định sẽ nói chỉ cần có thể ở bên cạnh trẫm hầu hạ thêm mấy năm đã cảm thấy mỹ mãn đấy”.

Ngoảnh lại liền thấy Tịch Tà đang trầm ngâm, hắn ta không khỏi kinh ngạc nói: “Chẳng lẽ khanh cũng nghĩ như vậy?”.

Tịch Tà hoàn hồn lại, cười tâu: “Dù nô tì nghĩ như vậy cũng không có da mặt dày hư nhị sư ca của nô tì để mà đường hoàng nói ra khỏi miệng, chỉ sợ hoàng thượng nghe xong sẽ thấy rùng mình”.

Hoàng đế cười hỏi Thành Thân vương: “Em xem trong cung còn có người nói chuyện như hắn không?”.

Dường như Thành Thân vương cũng vừa tỉnh lại từ trong mộng: “Gì ạ? Hoàng thượng nói gì ạ?”.[1] Dân tộc thiểu số thời cổ ở tỉnh Thanh Hải và các tỉnh lân cận, Trung Quốc.

Bản dịch được đăng duy nhất ở Bạch Ngọc Sách VIP-Reader!