Edit: Blanche
Đóng học phí?
Hứa Chiêu nếu nhớ không lầm, đây là lần thứ hai Hứa Phàm đi đến trường, lần đầu tiên là một năm trước, bé vui vẻ đi theo tụi trẻ con đi báo danh, vì không có tiền nên bị thầy giáo đuổi về còn khóc lớn một hồi. Hứa Chiêu cho rằng Hứa Phàm chừa rồi, ai ngờ hôm nay lại cùng các bạn tới trường, còn nhớ đem theo cả tiền.
Đây là tình yêu thương với học tập lớn cỡ nào.
Hứa Chiêu vừa mới thất thần một chút, Hứa Phàm đã chạy xa, Hứa Chiêu nhìn Thôi Định Sâm.
Thôi Định Sâm đỡ xe đạp, thở dài một tiếng: “Đi, chúng ta đi xem.”
Hứa Chiêu gật đầu.
Hai người đi theo sau đám trẻ con tới trường tiểu học thôn Nam Dương. Trường tiểu học thôn Nam Dương nằm ở điểm giao giữa thôn Nam Dương và thôn Nam Loan, nhận học sinh ở cả hai thôn. Sở dĩ gọi là trường tiểu học thôn Nam Dương mà không phải thôn Nam Loan vì trước khi công ty Chiêu Dương thành lập, thôn Nam Dương luôn giàu có hơn thôn Nam Loan, nên mới dùng tên thôn đặt cho trường tiểu học.
Một thời gian trước, Hứa Chiêu, Thôi Định Sâm có đóng góp vào trường tiểu học thôn Nam Dương, lúc ấy hiệu trưởng liền muốn đổi tên, nhưng Hứa Chiêu, Thôi Định Sâm cự tuyệt, cảm thấy tên là trường tiểu học thôn Nam Dương cũng được.
Hiện giờ dưới sự đóng góp của Hứa Chiêu và Thôi Định Sâm, hoàn cảnh dạy học đã tăng lên rất nhiều, từ lớp một đến lớp năm đều là nhà ngói, đầy đủ bàn ghế, không như trước ngồi dưới đất học nữa.
Hứa Chiêu, Thôi Định Sâm nhìn thấy sự thay đổi của trường, cảm giác rất thành tựu, nhưng họ không đắm chìm vào trong đó, mà tiếp tục đi theo nhóm trẻ con vào trường, rồi nhìn Hứa Phàm, Đại Trang chạy vào lớp.
Tất cả đều có cha mẹ đưa tới báo danh, chỉ có hai nhóc béo Hứa Phàm, Đại Trang là tự mình tới, xếp hàng sau hai người lớn, rồi cùng tới trước bục giảng, nhìn chủ nhiệm lớp, đồng thanh nói: “Thầy ơi, con cũng muốn đến trường!”
Thầy chủ nhiệm hoảng sợ, thấy rõ là Hứa Phàm thì không thấy lạ nữa, dù sao toàn thôn Nam Loan, thôn Nam Dương không ai không biết Hứa Chiêu, nhưng Hứa Phàm chưa đủ tuổi đến trường mà nhỉ? Thầy vẫn nhẹ nhàng hỏi: “Phụ huynh các con đâu?”
Đại Trang không biết “phụ huynh” là gì, quay đầu nhìn Hứa Phàm, Hứa Phàm vô cùng có kinh nghiệm mà trả lời: “Phụ huynh của con ở nhà ạ.”
“Vậy sao các con lại chạy tới đây.”
Hứa Phàm trả lời trước: “Con, chúng con đi đến trường, con cùng Đại Trang đến trường ạ.”
Thầy chủ nhiệm nhẹ nhàng hỏi: “Vậy phụ huynh các con đồng ý không?”
Hứa Phàm gật đầu, non nớt nói: “Đồng ý ạ.”
“Vậy sao phụ huynh của con không đến cùng con?”
“Bởi vì con tự đến được nha.” Hứa Phàm vỗ ống heo trong lòng: “Con, con mang học phí đến! Con tự kiếm tiền.”
Mang, mang học phí đến – Còn tự kiếm tiền –
Một đám người cười rộ lên.
Biểu tình Hứa Phàm, Đại Trang rất nghiêm túc.
Thầy chủ nhiệm không biết làm thế nào, nói: “Nhưng các con chưa đủ tuổi đâu, các con bao nhiêu tuổi rồi?”
Hứa Phàm trả lời: “Con bốn tuổi.”
Đại Trang nói theo: “Con cũng bốn tuổi.”
“Bốn tuổi không được, phải sáu tuổi mới được đến trường.”
Hứa Phàm không hiểu: “Vì sao ạ?”
“Vì bốn tuổi chưa hiểu chuyện.”
“Con hiểu, con biết viết một phần ba, con còn biết đọc thơ.”
Thời nay đã có lớp mẫu giáo rồi à? Chủ nhiệm lớp ngạc nhiên hỏi: “Con còn biết đọc thơ?”
“Dạ.”
“Vậy đọc một bài cho thầy nghe xem.”
Hứa Phàm nắm chặt tay nhỏ, ngẩng cao đầu nói: “Con sẽ đọc, đọc – Nhất khứ nhị tam lý, Yên thôn tứ ngũ gia; Đình đài lục thất tọa, Bát cửu thập chi hoa (1). Con còn biết đọc – Ly ly nguyệt thượng thảo, nhất tuế nhất khô vinh; Dã hỏa thiêu bất tận, xuân phong xuy hựu sinh; Viễn phương xâm cổ đạo, tình thúy tiếp hoang thành; Hựu tổng vương tôn khứ, thê thê mãn biệt tình (2).”
Thanh âm Hứa Phàm non nớt, nồng đậm mùi sữa, tuy rằng nhấn nhá âm chưa rõ nhưng một chữ cũng không đọc sai, không chỉ làm chủ nhiệm lớp sợ hãi than, ngay cả các phụ huynh ở đó vây xem cũng cực kỳ kinh ngạc.
Hứa Chiêu, Thôi Định Sâm vừa mới tới thì thấy một màn như vậy.
Thôi Định Sâm quay đầu nhìn Hứa Chiêu.
Hứa Chiêu cười: “Nó còn đọc được nhiều hơn cơ.”
Thôi Định Sâm hỏi: “Vậy cho con nó đi học nhé?”
Hứa Chiêu nghĩ một lúc, nói: “Tùy nó đi vậy, muốn đi học thì đi học, không muốn thì không đi nữa, dù sao lúc anh đi học cũng nhảy lớp còn gì.”
Thôi Định Sâm gật đầu.
Chủ nhiệm lớp phóng mắt ra ngoài nhìn, Hứa Chiêu gật đầu với ông, thầy chủ nhiệm hiểu ngầm, cầm lấy bút, hỏi: “Các con đến trường thì tên gọi là gì?”
Đại Trang trả lời trước: “Con là Đại Trang.”
Thầy chủ nhiệm nói: “Đấy là nhũ danh, còn tên thật của con là gì?”
Đại Trang trả lời: “Tên thật con là Lý Đại Trang.”
Thầy chủ nhiềm nhìn Hứa Phàm, hỏi: “Còn con?”
Tên thật? Tên thật có phải tên có số lượng từ lớn hơn không? Hứa Phàm lập tức hiểu, mở miệng liền nói: “Tên thật con là Hứa tam oa tử!”
Hứa tam oa tử –
Hứa Chiêu không muốn nhìn Hứa Phàm nữa, thực sự nó thấy “Hứa tam oa tử” dễ nghe hơn à?
Thôi Định Sâm đè ấn đường.
Thầy chủ nhiệm không chút khách khí viết ngay bốn chữ “Hứa tam oa tử” lên bảng, rồi phát cho Đại Trang, Hứa Phàm mỗi đứa một bông hoa đỏ thẫm. Hai đứa trẻ thỏa mãn đi ra khỏi phòng học, nhìn thấy Thôi Định Sâm, Hứa Chiêu thì lập tức khoe hoa điểm tốt.
Thôi Định Sâm hỏi: “Hứa tam oa tử? Con thật sự muốn đến trường à?”
Hứa Phàm gật đầu.
“Nhưng con không có cặp sách sao đến trường được?”
“Mua nha.” Hứa Phàm nói.
Thôi Định Sâm hỏi: “Con có tiền không?”
Hứa Phàm ngẩng đầu: “Ba có mà, ba có thể mua cho con, chờ con lớn trả lại cho ba.”
Thôi Định Sâm cười.
Người dân thôn Nam Loan lại có chuyện để nói mang về thôn, còn Hứa Chiêu, dắt theo Hứa Phàm, Đại Trang lên thị trấn mua cặp sách, vở viết, bút máy, hộp bút, khăn quàng đỏ, xong xuôi mới về thôn Nam Loan.
Vừa mới về thôn, Hứa Phàm liền đeo khăn đỏ lắc lư khắp thôn, gặp ai là bé nói bé muốn đi học. Lúc chiều, bé còn cầm bút, ngồi lên bàn học nhỏ viết tên của mình – Hứa tam oa tử.
“Ba ba lớn, con không tên là Hứa tam oa tử nữa.” Viết một hồi, Hứa Phàm đột nhiên quay qua nói với Thôi Định Sâm.
Thôi Định Sâm hỏi: “Vì sao?”
“Bởi vì bởi vì nó dài quá, khó viết lắm.”
“Vậy con tên là gì?”
“Con là tam oa tử.”
“Con không cần họ nữa à?”
“Họ con là tam oa.”
Thái dương Thôi Định Sâm nảy lên thình thịch, cố dùng cách của Hứa Chiêu để giải thích cho Hứa Phàm, cho bé hai lựa chọn, hoặc là họ Hứa hoặc là họ Thôi, gọi là Hứa tam oa tử hay Thôi Tam oa tử, Hứa Phàm kiên quyết chọn là Hứa tam oa tử, vì chữ “Thôi” rất khó viết, hơn nữa Thôi tam oa tử thật khó nghe.
“Khó nghe sao?” Thôi Định Sâm hỏi.
Hứa Phàm nói: “Không dễ nghe tí nào.”
“Nhưng con họ Thôi mà.”
“Con không họ Thôi, con họ Hứa.”
“Được, tùy con.”
Thôi Định Sâm không quan tâm Hứa Phàm nữa, đi tìm Hứa Chiêu.
Ngày hôm sau là sáng đầu tiên Hứa Phàm chính thức tới trường. Sáng sớm, Hứa Phàm đã hưng phấn sửa soạn căp sách, căn bản không cần Hứa Chiêu, Thôi Định Sâm đưa đi, bé đã chạy theo các anh chị lớn tới trường tiểu học thôn Nam Dương.
Cha mẹ Hứa vô cùng không muốn, thấy Hứa Phàm có thể chơi hai năm nữa rồi đi học cũng được. Thôi Định Sâm khuyên nhủ hai người mấy câu, nói là Hứa Phàm chỉ ham chơi thôi, hai ngày nữa là chán, nhiều nhất hai ngày thôi, Hứa Phàm chắc chắn không muốn đi học nữa.
Nhưng Thôi Định Sâm lại bị vả mặt, tuy rằng bé được đặc cách nóng quá không cần đi học, gió to không cần đi học, tuyết rơi không cần đi học, một ngày bốn tiết, bốn tiết chơi là chính, nhưng Hứa Phàm giống như tìm được tổ chức, mỗi ngày đều vui vui vẻ vẻ tới trường.
Được ba ngày rồi, bé vẫn như trước hưng phấn đi học.
Hứa Chiêu nhịn không được hỏi Thôi Định Sâm: “Không phải anh nói nó chỉ đi học hai ngày là thôi à?”
Thôi Định Sâm nói không nên lời.
Hứa Chiêu còn nói: “Nó rất giống anh đấy.”
Thôi Định Sâm không biết phải nói lại cái gì.
Hứa Chiêu cười, quay đầu nhìn sắc trời một cái rồi bảo Thôi Định Sâm: “Chúng ta lên thị trấn đi?”
Thôi Định Sâm gật đầu.
Thôi Định Sâm đạp xe chở Hứa Chiêu lên thị trấn, nhịn không được rẽ vào trường tiểu học thôn Nam Dương, nhưng hai người không đi vào, chỉ đứng ở sau phòng học nhìn qua cửa sổ nhỏ vào trong, thấy thầy chủ nhiệm đang vô cùng kiên nhẫn dạy chữ cái.
Trong phòng học là một đám trẻ con, có đứa nghiêm túc học bài, có đứa nhỏ giọng nói chuyện riêng, có đứa còn đang gấp máy bay. Hứa Chiêu, Thôi Định Sâm quét mắt một vòng không thấy Hứa Phàm đâu, lại nhìn thêm một vòng nữa cuối cùng cũng thấy bé.
Hứa Phàm ngồi ở bàn đầu, đầu nhỏ gần như chui vào trong ngăn bàn. Hứa Chiêu, Thôi Định Sâm thắc mắc không biết bé đang làm gì, nhìn kĩ một chút, bé đang, đang – gặm ngô!
Gặm ngô!
Hứa Chiêu đột nhiên nhớ ra, buổi sáng Hứa Phàm sốt ruột đi học, ngô vừa mới chín, mẹ Hứa sợ Hứa Phàm đi học bị đói liền gói một bắp đưa Hứa Phàm, để Hứa Phàm trên đường ăn, không ngờ…
“Hứa tam oa tử!” Đúng lúc này, thầy chủ nhiệm gọi Hứa Phàm.
Hứa Phàm ngẩng đầu, trên mặt dính toàn hạt ngô. Bé ngơ ngác đứng lên, tay quệt lau miệng một cái, làm hạt ngô rơi mất một nửa.
Thẩy chủ nhiệm hỏi: “Con có biết đang ở trong lớp không?”
Hứa Phàm đáp: “Con biết.”
Vẻ mặt thầy vô cùng nghiêm túc hỏi: “Biết thầy đang dạy cái gì không?”
Hứa Phàm cũng nghiêm túc trả lời: “Thầy đang dạy ghép vần ạ.”
“Vậy tiết trước thầy dạy ba cộng hai bằng mấy?”
“Bằng năm ạ.”
“…” Đúng hết, tuổi nhỏ nhất lại học nhanh nhất, thầy chủ nhiệm không biết nói gì cho phải, nhưng không giáo huấn Hứa Phàm thì khó mà quản lý được học sinh khác, niên đại này chưa có xử phạt thể xác đánh đập linh tinh gì, vì thế thầy chủ nhiệm phạt Hứa Phàm ra ngoài cửa lớp đứng.
Hứa Chiêu, Thôi Định Sâm cho rằng Hứa Phàm sẽ khóc một hồi, nên hai người nhanh chóng ra trước cổng trường, xa xa lại thấy Hứa Phàm đang đứng ở cửa lớp, tay bẻ từng hạt ngô bỏ vào miệng, đang nhai thì bẻ hạt ngô, nhai hết thì bỏ hạt ngô vào miệng, cứ thế chóp chép nhai, ăn tới vui vẻ.
Thôi Định Sâm cạn lời nhìn Hứa Chiêu.
Hứa Chiêu ngơ ngác mà nói: “Đây không phải con em, chắc chắn không phải con em, từ trước tới nay em chưa bao giờ không biết xấu hổ tới vậy.”
Thôi Định Sâm: “…”
Tác giả nói ra suy nghĩ của mình:
Tác giả: Tam oa tử, con tới trường để ăn ngô à?
Hứa Phàm: Không phải.
Tác giả: Vậy sao con lại ăn?
Hứa Phàm: Con đói, con đói bụng phải ăn. Không ăn sao con học được?
Tác giả: … Cạn lời.
*Chú thích:
(1) Bài thơ này tên “Sơn thôn vịnh hoài” của tác giả Thiệu Ung, là bài thơ tập đếm cho học sinh tiểu học Trung Quốc.
Dịch thơ:
Một bước hai ba dặm,
Xóm khó bốn năm nhà.
Đình đài sáu bảy chỗ,
Tám chín mười nhành hoa.
Thiệu Ung (1011 – 1077), tự Nghiêu Phu, tự hiệu An Lạc Tiên Sinh, là một nhà tư tưởng, nhà giáo dục và là một triết gia dịch học thời Bắc Tống.
Bối cảnh sáng tác: Trong cánh trí dương xuân của tháng 3, tác giả đi đến Cộng Thành ở Huy Huyện tỉnh Hà Nam. Trên đường thấy cảnh trí của mùa xuân ở các làng miền núi rất nên thơ đẹp đẽ nên viết bài thơ giản dị nhẹ nhàng để tả cái cảnh đơn thuần mộc mạc của làng quê hẻo lánh với tâm trạng hồn nhiên của một tâm hồn tươi trẻ đang sống giữa mùa xuân.
Nghĩa bài thơ: Vịnh Cảnh Sơn Thôn – Hễ cứ đi trên hai ba dặm đường làng là ta thấy được bốn năm nóc nhà đang ẩn hiện dưới làn sương khói mông lung, và sáu bảy tòa đoản đình trường đình bên đường với tám chín mười bông hoa khoe sắc thắm.
(Nguồn: Baidu, Blog Những Người Bạn Sư Phạm Saigon)
(2) Bài thơ này tên “Phú Đắc Cổ Nguyên Thảo Tống Biệt” của nhà thơ Bạch Cư Dị.
Dịch nghĩa:
Thơ tiễn biệt trên đồng cỏ
Rầm rì cỏ trên đồng bằng
Mỗi năm lại một lần khô héo rồi lại tươi tốt
Lửa đồng thiêu không hết
Gió xuân thổi lại sinh sản ra
Mơn mởn từ xa xa, lấn ra mặt đường cũ xưa
Lại tiễn đưa khách quý đi
Xanh tươi chan chứa cả mối tình ly biệt.
Dịch thơ:
Ngăn ngắt màu ngàn cỏ
Hết tàn lại trỗi nhanh
Lửa đồng thiêu chẳng hết
Gió xuân vể mướt xanh
Hương xa tràn lối cũ
Sắc thắm ngợp hoang thành
Từ biệt nhà quyền quý
Mênh mang tình tiễn anh.
(Nguyễn Hữu Thăng dịch tháng 2/2012)
Bạch Cư Dị (772 – 846), tự Lạc Thiên, hiệu Hương Sơn cư sĩ, Túy Ngâm tiên sinh, Quảng Đại giáo hóa chủ, là nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng thời nhà Đường. Ông là một trong những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc, chỉ xếp sau Lý Bạch và Đỗ Phủ.