Phán Quan

/

Chương 11

Chương 11

Phán Quan

Mộc Tô Lý

11.319 chữ

17-12-2022

Tuy nhiên Văn Thời nhanh chóng phát hiện sự thật không phải như vậy…..

Bởi vì con rối nằm trên giường đã chết.

Ông cụ xốc chăn lên, tay chân thằng nhóc đã biến thành cành cây khô héo, vỏ cây màu xám chiếm hơn phân nửa làn da của nó, chỉ có phần bụng trở lên miễn cưỡng duy trì hình dáng con người.

Quá trình này gọi là “Khô hóa”, có nghĩa là con rối đã chết.

Cứ thế chết luôn rồi?

Văn Thời hơi ngạc nhiên.

Hắn nhớ rất rõ là mình không hề xuyên thủng ngực thằng bé, không đến mức lấy mạng của nó, sao lại đột nhiên khô hóa được?

Nhưng phút chốc hắn hiểu được, cảnh tượng này không phải là cảnh kế tiếp sau khi hắn đánh thằng bé trọng thương, mà là chuyện từng xảy ra trong hiện thực.

Nó vẫn luôn tồn tại trong trí nhớ của ông cụ, hơn nữa ấn tượng vô cùng sâu đậm. Sự việc xảy ra trong lồng khá giống với những gì từng trải qua ở hiện thực, vì thế cảnh tượng này mới xuất hiện.

Đây không phải là hư ảo, mà là chuyện cũ.

Đứa bé trai nằm trên giường nhắm hai mắt, vùi người trong lớp chăn đệm, không hề có chút sức sống nào. Vỏ cây thô ráp sần sùi chậm rãi lan rộng tựa như vết mực loang lổ, phần da thịt con người càng ngày càng thu hẹp.

Một lát sau, dấu hiệu khô hóa đã lan tới trước ngực nó.

Dấu ấn trên ngực thằng bé nhiễm trắng như đốm mốc trên nhánh cây, vẫn mờ nhạt như cũ.

Văn Thời nhìn chăm chú dấu ấn kia, hơi nhíu mày.

Bỗng nhiên có người trầm giọng hỏi hắn: “Ngây ngẩn gì thế?”

Hắn lập tức hoàn hồn, quay đầu đã thấy Tạ Vấn qua đây rồi.

Không gian trong gương rất kỳ lạ, cách bố trí cũng tương tự như ở bên ngoài, cũng có một bàn đọc sách, một bệ cửa sổ, mỗi tội hơi mơ hồ như phủ một tầng sương mù trắng xóa vậy.

Tạ Vấn đang dựa vào bàn đọc sách lẫn trong sương mù.

Anh ta vẫn cầm nhánh cây kể từ khi vào lồng tới giờ, tạm thời không vứt đi đâu được nên luôn cầm trên tay xoay xoay như thể có cũng được mà không có cũng chẳng sao của mấy tên nhà giàu lười biếng.

“Anh qua đây làm gì?” Văn Thời nói, giọng nói trong gương cũng rất nhỏ nhẹ, nếu không lớn tiếng thì không thể truyền ra bên ngoài.

“Tôi không thể tới đây à?” Sự kinh ngạc của Tạ Vấn có vẻ nhạt nhòa, giây tiếp theo khôi phục nét mặt bình thường: “Mọi việc luôn có thứ tự trước và sau, hay là chúng ta suy xét thử xem ai là người giành địa bàn chiếc gương này trước nhé?”

“……..”

Đã bao nhiêu tuổi rồi, ai thèm giành địa bàn với anh?

Văn Thời không thèm quan tâm đến anh ta, liếc một cái rồi thu tầm mắt.

Lát sau hắn đột nhiên nói: “Biết khô hóa là gì không?”

“Hử?” Tạ Vấn đứng thẳng người đi qua nhìn thằng bé nằm trên giường, nháy mắt sáng tỏ, “À, đương nhiên biết.”

Văn Thời lại nghi ngờ nhìn về phía anh ta.

“Vẻ mặt đây của cậu là có ý gì, bộ tôi không nên biết à?” Tạ Vấn nói.

“Không phải.”

Nên biết, nhưng không nên có vẻ mặt này.

Quá trình “khô hóa” của một con rối luôn xảy ra trong chớp nhoáng, một giây trước còn sống sờ sờ, giây sau lập tức ngã xuống biến thành cành khô lá úa và sợi vải trắng.

Kiểu khô hóa thong thả như thế này nói lên trình độ của người làm ra nó cực kỳ cao siêu, cao đến mức hiếm thấy trên đời, chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Con rối như vậy, đừng nói người thường, ngay cả phán quan cũng không có mấy người từng gặp qua, nhất là tốp phán quan đời sau. Người bình thường nhìn thoáng qua chắc chắn không thể nhận ra đây là quá trình “khô hóa”, ngược lại sẽ cho rằng thằng bé xảy ra vấn đề gì khác.

Cho nên hắn cảm thấy vô cùng kỳ quái khi Tạ Vấn dùng giọng điệu bình thản như nước trả lời ngay tắp lự.

Tuy nhiên anh ta nhanh chóng hiểu được sự nghi ngờ của Văn Thời, giải thích rằng: “Sách vở được cất giữ của nhà họ Trương rất nhiều, với trình độ gà mờ này của tôi thì chẳng gặp được chúng ngoài đời thực nên phải xem nhiều sách một chút. Tránh bị mất mặt vì nguồn kiến thức hạn hẹp.”

Tạ Vấn cười nói: “Tính tôi hay sĩ diện, nhất là khi ở trước mặt người nhỏ tuổi hơn một xíu.”

Văn Thời: “……”

Lời này nếu là một ông cụ nói ra thì còn nghe lọt tai một xíu.

Tạ Vấn nhìn cũng chỉ tầm 28-29 tuổi, so vẻ bề ngoài với Văn Thời thì hơn khoảng hai hoặc ba tuổi gì đó, cho nên nói mấy lời này nghe nó cứ dở dở ương ương.

Huống chi…..

Anh có biết tôi bao nhiêu tuổi rồi không?

Văn Thời mặt như khúc gỗ nghĩ thầm trong lòng: nếu anh biết được thì chỉ có nước ngồi ôm mặt khóc thôi.

***

Ông cụ không nghe thấy tiếng người nói trong gương, chỉ chú ý tới con rối kia.

Ông ta vươn tay vén tóc thằng bé, trầm lặng trong chốc lát, sau đó bưng bát tàn hương lấy một chút rồi bôi lên tay chân đã khô héo của nó.

Cụ già bôi một lớp thật dày ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và rốn của thằng bé, tiếp theo dùng ngón trỏ chấm một ít quệt nhẹ lên khóe mắt phải, chóp mũi và cuối cùng là nửa bên trái tim. Ba điểm vừa khéo hợp thành một đường.

Thấy vậy, lòng Văn Thời tràn đầy kinh ngạc.

Bởi vì hắn hiểu được hành động của ông cụ —–đây không phải là phương pháp cứu người dân dã đơn giản, mà là độ linh.

Chính là ép buộc tách một phần linh tướng của bản thân chuyển vào trong cơ thể con rối nhằm kéo dài sinh mệnh cho nó. Đây là một phương pháp trong thuật con rối nhưng chẳng mấy ai dùng.

Thứ nhất, những con rối được kéo dài sinh mệnh chỉ có thể giảm chậm quá trình “khô hóa” mà thôi, chỉ với điều này cũng quyết định phần lớn mọi người không dùng tới phương pháp ấy.

Thứ hai, cho dù thật sự gặp một con rối như thế thì cũng không ai làm vậy, mất một con rối vẫn có thể làm lại một con khác, còn người thì không.

Loại phương pháp được công nhận là “chẳng có tác dụng gì” này đã sớm bị lãng quên, những chuyện hắn biết đều được coi như chuyện phiếm kể cho đám đồ đệ nghe mà thôi.

Ông cụ biết được phương pháp này từ đâu, hay cũng đọc được từ trong sách vở như Tạ Vấn?

Văn Thời càng cảm thấy mọi chuyện không đúng…..

Ông cụ vẫn bận bịu với công việc của mình, ông lấy ra một chiếc hộp đen nhỏ trên tủ đầu giường, trong hộp là một hàng dao khắc gỗ kích cỡ khác nhau.

Ông ta chọn một chiếc trong đó, cúi đầu rạch một đường ở trên ngón trỏ.

Khe hở tủ quần áo đột nhiên truyền ra một tiếng hít vào khẽ khàng, có vẻ Hạ Tiều không nỡ nhìn ông cụ cắt tay như thế.

Máu tươi nhanh chóng ngưng tụ thành giọt chảy dọc theo ngón tay. Ông ta vội vàng kề sát mặt thằng nhóc, nhỏ từng giọt lên khóe mắt phải, chóp mũi và nửa tim bên trái.

Tiếp theo…đặt ngón trỏ bên môi thằng bé.

Đây là bước cuối cùng của thuật độ linh, phải nhỏ máu của người độ linh vào trong miệng con rối.

Nếu nuốt xuống, con rối sẽ mở mắt lại lần nữa. Nếu không nuốt xuống, vậy thì chính là kiếm củi ba năm thiêu một giờ, chút linh tướng bị hao tổn này cũng sẽ không quay về nữa.

Ông cụ không hề do dự bóp đầu ngón tay để giọt máu rơi vào trong miệng thằng bé.

Giọt máu đỏ thắm nhanh chóng thấm vào môi, giây tiếp theo cơ thể thằng bé bỗng nhiên khẽ run rẩy.

Cơ thể ông cụ cũng căng cứng theo, có vẻ vừa chờ mong lại vừa khẩn trương.

Nhưng Văn Thời trong gương lại biết phương pháp này không hề thành công.

Bởi vì người tạo ra con rối này quá mạnh, nếu so sánh thì ông cụ chỉ là một khôi lỗi sư phổ thông, cùng lắm được coi như xuất sắc hơn những khôi lỗi sư bình thường khác mà thôi.

Khoảng cách của hai người quá lớn, lại không có mối liên hệ với nhau. Tuy linh tướng và máu của ông cụ tốt nhưng chỉ có tác dụng cực kỳ nhỏ bé với con rối, tóm lại là không cứu nổi.

Quả nhiên thằng bé không nuốt giọt máu kia, cũng không mở mắt ra mà đột nhiên giãy giụa dữ dội như ác quỷ không thể trấn áp.

Ông cụ thở dài.

Mới hao tổn một giọt máu mà ông ấy như thể già hơn so với trước, ngón tay càng thêm tiều tụy gầy gò.

“Đau không? Nhịn một chút, cố nhịn một chút con ơi.” Giọng nói của ông cụ thong thả hiền từ, ông nắm tay thằng bé động viên vỗ về.

Mãi sau thằng bé mới ngừng giãy giụa, nhưng khuôn mặt vẫn không có sự sống như cũ.

Ông cụ ngồi lặng yên trong chốc lát, thoáng thở dài một hơi như vừa đi đường xa.

Sau đó ông lại vươn tay nhỏ tiếp giọt máu thứ hai bên môi thằng bé.

Thằng bé đương nhiên không nuốt xuống, lại tiếp tục giãy giụa dữ dội, ngón tay khô hóa nhiều lần sượt qua da đầu ông cụ, chỉ hơi chậm một chút là có thể cắm vào da đầu, nhưng ông cụ vẫn dỗ dành: “Nhịn một chút, nhịn một chút là khỏi thôi, ngoan.”

Thằng bé lại ngã vùi vào trong lớp chăn đệm, mặt đầy tử khí.

Còn ông cụ trông càng già thêm.

Ông ta ngồi đợi một lúc rồi chỉnh lại góc chăn cho thằng bé, sau đó nhỏ giọt máu thứ ba.

Tiếp tục giọt thứ tư.

Giọt thứ năm.

…….

Văn Thời chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ đứng im không làm gì trong một cái lồng lâu như vậy. Thật ra hiện tại là thời gian thích hợp nhất để hóa giải lồng, nhưng không biết vì sao hắn lại không muốn quấy rối ông cụ.

Hắn nhìn đối phương càng ngày càng già, càng ngày càng gầy gò còng lưng, chợt tìm thấy cảm giác vô cùng quen thuộc.

Ngày và đêm trong lồng xoay chuyển cực nhanh, tuyệt đối không phải là trạng thái thời gian bình thường.

Không biết đó là lần thứ bao nhiêu ông cụ nhỏ máu, dấu ấn ở nửa tim trái của thằng bé bỗng nhiên trở nên hồng hào giống như cây khô gặp mùa xuân.

Nó vẫn giãy giụa, đúng lúc ông cụ đang ngây người, ngón tay như cành khô của nó gãi lên mắt.

Cũng may ông kịp thời ngăn cản không để nó cào cấu những chỗ khác.

Thật lâu sau đó, yết hầu thằng bé nhấp nhô nuốt xuống giọt máu kia.

Vỏ cây màu nâu xám chậm rãi rút đi, thay vào đó là cảm giác da thịt con người, làn da không còn ngả xanh xám ngắt nữa.

Chắc ông cụ thuộc kiểu người tính cách trầm ổn nên vẫn ngồi bên mép giường nhìn thành quả sau một ngày một đêm cố gắng của mình.

Ông ta ngồi bất động, chỉ có bàn tay hơi run rẩy, không biết là do quá vui mừng hay là quá kinh ngạc, cũng có thể…là khổ sở. Người đã có tuổi thường như vậy, nếu quá vui mừng thì sẽ bắt đầu cảm thấy khổ sở mà chẳng vì lý do gì cả.

Khi đứa bé mở mắt ra, ánh mắt tuy vô hồn nhưng có lẽ từng chết một lần rồi lại được uống máu ông cụ nên có vài điểm khác lạ…..

Nói chung là có luồng hơi thở của con người.

Nó chớp chớp mắt, lời nói không có ngữ điệu hệt như trước kia, nhưng câu đầu tiên nó nói là: “Ông ơi.”

“Chao ôi.” Ông cụ dém chăn chậm rãi nói: “Ông ở đây.”

“Vì sao con không thể cử động ạ?” Nó ngơ ngác hỏi giống như quên rất nhiều chuyện, trở thành một đứa trẻ mới sinh.

Ông cụ trả lời: “Con bị ốm.”

“Hình như búp bê của con sống dậy rồi.”

“Đó là ác mộng con ạ.” Ông cụ kiên nhẫn giải thích.

“Con sợ lắm.” Thằng bé nói, ngón tay buông xuôi bên người co quắp nắm chặt, dường như giây tiếp theo sẽ gây ra chuyện nguy hiểm nào đó.

Nhưng ông cụ lại vuốt ngón tay nó nói: “Sợ thì có thể khóc, có thể kể với ông, ông luôn bên cạnh con mà.”

“Mắt con đau quá.” Thằng bé chớp chớp mắt phải.

Nơi đó có một vết thương rướm máu do nó cào rách lúc giãy giụa.

“Ông già rồi, lúc bế con lên giường không cẩn thận để con bị dập đầu.”

Ông cụ vừa nói vừa vắt khăn bông nhúng nước ấm, chăm chú lau mặt cho bé trai.

Văn Thời nhìn ông cụ thật lâu, khi ông ta xắn tay áo lên, hắn thấy khuỷu tay ông có một vết phỏng vô cùng quen thuộc.

Hắn lại chuyển ánh mắt sang người thằng bé.

Dấu ấn trên ngực đứa bé càng ngày càng mờ nhạt, gần như biến mất. Hắn nhìn vệt tàn hương và máu đỏ trên chóp mũi nó tan biến, chỉ còn lại một nốt ruồi nhỏ xíu, khóe mắt bị cào rách cũng nhanh chóng biến thành một vết sẹo.

……

Giống Hạ Tiều y như đúc.

Cửa tủ quần áo bị gió thổi khẽ mở, lộ ra một cặp mắt búp bê tròn vo, ánh đèn màu trắng chiếu vào viên pha lê trông như vừa khóc.

“Con ốm rồi thì ông không cần con nữa ạ?” Đứa bé hỏi.

“Không đâu.” Ông cụ nói: “Con và ông có duyên với nhau, ông muốn nhìn con lớn lên.”

Bản dịch được đăng duy nhất ở Bạch Ngọc Sách VIP-Reader!