Phán Quan

/

Chương 102

Chương 102

Phán Quan

Mộc Tô Lý

18.688 chữ

17-12-2022

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Chương 102: Ngày về

Trời không chịu cho ngày về.

Dịch: Bơ

Nghĩ đến đây, cơn tức giận của Văn Thời đạt tới đỉnh điểm. Gió lốc bất chợt dấy lên, băng sương điên cuồng tuôn ra ngoài dọc theo sợi dây rối.

Chẳng mấy chốc miệng Trương Đại Nhạc đầy máu.

"Á á á --"

Giữa đất trời dường như chỉ còn lại hai người bọn họ và gió lốc điên cuồng.

"Mày đã làm gì hả?" Văn Thời điên tiết hỏi, giọng nói lạnh buốt như ngâm trong tuyết.

Cơn đau khủng khiếp chiếm cứ thần trí Trương Đại Nhạc, gã kêu gào thảm thiết, thở gấp mấy hơi mới ngẩng đầu nhìn về phía Văn Thời: "Mày!"

Trong mắt gã còn vương lòng oán hận sâu sắc, hiển nhiên vẫn đắm chìm trong thế giới của bản thân, hoàn toàn không nghe thấy lời tra hỏi của Văn Thời, cũng không hiểu sự giận dữ của hắn lúc này.

Chính kiểu thái độ không hiểu này lại khiến người ta giận sôi gan nhất.

Dây rối trên người Trương Đại Nhạc bị siết căng, chặt đến mức da thịt gã bong tróc. Con ngươi đỏ ngầu của gã như sắp lòi ra vì cơn đau bất ngờ và nghẹt thở.

Ngón tay Văn Thời vuốt ve sợi dây rối trước mặt rồi hung hăng kéo Trương Đại Nhạc đến trước mặt mình. Gã bị ép phải ngẩng cổ lên.

"Tao hỏi --" Ngón tay Văn Thời nắm chặt, khớp ngón tay trắng bệch không sắc máu hệt như màu môi hắn lúc này: "Sao mày tẩy được dấu trời phạt?!"

Trương Đại Nhạc muốn giãy dụa nhưng lại bị kiềm chế gắt gao không thể nhúc nhích. Hai mắt gã trắng dã vì ngạt thở, mí mắt run rẩy....

Thật sự quá thảm hại và xấu xí, thế là gã dứt khoát nhắm nghiền hai mắt.

Sao tẩy được à?

Trương Đại Nhạc nói không ra lời, chỉ mấp máy bờ môi tím tái. Trông có vẻ đang khổ sở suy nghĩ nhưng hình như gã quên mất rồi.

Vẻ mặt Văn Thời cực kỳ khó coi, sự điên cuồng trong ánh mắt lạnh giá cũng chạm đến cực hạn.

Khớp xương hắn vang lên răng rắc, toàn bộ dây rối dồn lực kéo một phát.

"Ức--"

Cổ họng Trương Đại Nhạc ho khục khặc kèm lẫn bọt máu giống như ruột gan bị quấy nát bét đang trào ra khỏi miệng. Gã hoảng loạn tóm hai sợi dây rối, chợt phì cười.

"Nhớ...nhớ ra rồi." Gã khàn giọng nói, môi vẫn cười tươi.

Sao tẩy được dấu trời phạt ấy à....

Đơn giản là sau khi thất bại quay về từ khe núi kia, gã càng nghĩ càng không cam lòng, càng nghĩ càng sợ hãi.

Phản ứng của dấu trời phạt trên người gã quá rõ ràng --

Bất kể gã định làm gì đều sẽ rơi vào kết cục bết bát nhất, hệt như một loại nguyền rủa.

Gã thường xuyên gặp ác mộng đất lở, hình như chỉ cần nhắm mắt lại là sẽ có vô số oan hồn bò vào phòng, bò lên giường, chia nhau xé xác gã ăn từng miếng từng miếng.

Gã lo âu, hay cáu giận, tính tình thất thường, lòng tham thì không đáy. Tất cả những thứ tiêu cực u ám nhất đều bị phóng đại không có điểm dừng, trong cơ thể như giấu vô vàn ác quỷ đang giãy dụa muốn phá kén chui ra ngoài.

Đây chưa phải đáng sợ nhất, điều khiến gã khó chấp nhận nhất chính là....gã không giải được lồng nữa.

Chiếc lồng lần đó là hồi ức đáng sợ hiếm thấy trong cuộc đời gã --gã tựa như một vòng nước xoáy hình người điên cuồng hấp thụ toàn bộ thứ tối tăm xung quanh mình, đám sương đen chứa oán hận đố kỵ cuồn cuộn tuôn về phía gã, tràn vào trong cơ thể.

Mới đầu gã vui lắm, dù sao chỉ cần có thể hòa tan sương đen đã hấp thụ thì gã sẽ trở nên mạnh hơn.

Nhưng chớp mắt tiếp theo gã lại bắt đầu hối hận, bởi vì gã không chịu đựng nổi nữa, những đám sương đen kia vẫn nhìn chòng chọc gã như điên, cuồn cuộn không dứt.

Bọn chúng xung đột tàn phá trong cơ thể gã, không những không hòa tan được, thậm chí ngay cả đám sương gã đã hòa tan trong hơn mười năm cũng bắt đầu rục rịch ngóc đầu.

Đó là lần đầu tiên gã cảm nhận được sự sợ hãi và bất lực đến vậy.

Gã nghĩ đến một từ -- cắn trả.

Trong cơ thể gã nhồi đầy ác quỷ, không còn là thứ tu vi cao thấp, thực lực mạnh yếu có thể khống chế.

Thậm chí càng mạnh, oán sát từng hòa tan càng nhiều, gánh vác càng nhiều thì cắn trả lại càng đáng sợ.

Đó chính là trời phạt.

Trương Đại Nhạc chung quy vẫn cảm thấy may mắn vì chiếc lồng gã vào ngày đó không lớn lắm, cũng không phải vào một mình nên còn có một người đồng nghiệp không biết chuyện giúp gã một tay, nếu không có khi gã thật sự phải bỏ mạng ở đấy, ứng nghiệm câu nói về trời phạt: Chết không tử tế, không chỗ chôn thân.

Người giúp gã một tay ngay thời khắc then chốt họ La, đến từ Vân Phù, cũng là đệ tử ngoại môn của núi Tùng Vân, thân phận tầm thường, không có danh tiếng gì. Sau khi giải lồng cũng không hề đòi hỏi quá quắt mà chỉ chào một tiếng rồi rời đi.

Nhánh có thực lực đơn thuần không mấy bắt mắt này đáng lẽ phải mai danh ẩn tích từ lâu. Ấy vậy mà sau nghìn năm lại trở thành một trong những gia tộc phán quan lớn nhất, việc này không thể thiếu sự hỗ trợ từ nhà họ Trương.

Cho nên người đời sau đều nói lão tổ tông nhà họ Trương có ơn sẽ trả, cực kỳ lương thiện. Ngay cả đám người nhà họ La cũng nghĩ vậy, còn thường vì thế mà bùi ngùi cảm động.

Hôm nay bọn họ mới coi như thấy được mấy phần tình hình thực tế năm đó.

Sau khi Trương Đại Nhạc thoát khỏi lồng đã biến mất vài ngày không thấy bóng dáng. Không ai biết gã đi đâu làm gì.

Cho tới giờ phút này bị Văn Thời bóp chặt đường sống, gã mới nặn ra một câu từ cổ họng đầy bọt máu: "Tôi...tôi tới khe núi kia."

Gã lại lén lút tới khe núi đó lần nữa, hao tốn tâm sức mới phá vỡ được màn chắn sương mù, tới gần khu vực trung tâm.

Như ước nguyện của gã, Trần Bất Đáo không có ở đây, chỉ có một gian nhà trống và một mặt hồ tĩnh lặng.

Ngày đó trong núi cực kỳ lạnh, mặt hồ kết một tầng băng mỏng. Mấy con chim thủy sinh nhẹ nhàng đáp lên mặt băng tạo thành tiếng nứt vỡ cực nhẹ.

Thoạt nhìn hồ nước kia khá bình thường, gã biết Trần Bất Đáo bày trận tại đây.

Gã không biết rốt cuộc đó là trận gì nhưng không phải gia tăng tu vi thì cũng là một loại bồi bổ, không chừng cơ thể bán tiên cũng từ đó mà ra.

Thế là gã nhảy vào giữa hồ.

Mùa này hồ nước trong núi hẳn là lạnh thấu xương nhưng thỉnh thoảng Trương Đại Nhạc nhớ về cảnh tượng đó lại không thể nhớ nước lạnh từng nào, cơ thể đau đớn ra sao, gã chỉ nhớ rõ sự đắc chí hả hê khi ấy--

Trận pháp ầm ầm chuyển động, đám sương đen trong lồng từng quấn lấy gã không thể hòa tan hay tiếp nhận đã rơi vào trong hồ cùng với dấu trời phạt.

Sương đen giống như con rắn lớn nhiều đầu, dấu vết trời phạt chính là đường vân màu vàng nhạt quấn quanh thân rắn, chúng chằng chịt đan xen, trông cực kỳ đáng sợ.

Bọn chúng vừa chạm tới đáy trận lập tức phát điên liều mạng chui vào trung tâm trận.

Sự việc diễn ra trong nháy mắt.

Nháy mắt ấy, nước hồ hóa thành một biển sương đen đặc, dấu trời phạt trên người gã cũng nhạt bớt một nửa.

Khi đó Trương Đại Nhạc thật sự mừng như điên, gã hận không thể lột mảng da lẫn ấn ký còn sót lại ném thẳng vào trong hồ.

Nhưng một giây sau sắc mặt gã thay đổi.

Khi dấu trời phạt còn ở trên người gã, đêm đêm trăm quỷ cắn trả, quấy nhiễu gã không được yên ổn. Hiện giờ dấu trời phạt bị gã rửa trôi xuống hồ, sao lại có thể chịu yên phận được.

Trong trận thoáng chốc bùng phát tiếng than khóc của vạn quỷ, chim chóc khắp núi hoảng sợ, trăm nghìn con đông nghìn nghịt nhanh chóng bay tán loạn.

Mấy con chim thủy sinh đậu bên hồ vừa mới vỗ cánh đã bị sương đen phủ kín, nháy mắt trở nên khô quắt.

Trương Đại Nhạc không lo tẩy rửa dấu trời phạt còn sót lại nữa, vội lăn một vòng tránh xa hồ nước.

'Trời phạt" không ngừng khuấy đảo, sương đen trào ra khỏi khe núi như cơn sóng lớn.

Trương Đại Nhạc gần như lăn xuống núi, gã bò dậy quay đầu nhìn lập tức thấy sắc đen bạt ngàn núi đồi, dấu ấn màu vàng nhạt lững thững lan tỏa tới từng con đường núi, trạm dừng chân, thôn xóm và cổng chào....

Những nơi đó cực kỳ đông người, vậy mà họ lại chẳng hay biết thảm họa sắp sửa ập tới.

Trương Đại Nhạc thầm nghĩ có lẽ gã đã gây ra họa lớn rồi.

Nhưng sương đen đuổi sát phía sau, gã chỉ kịp liếc mắt về nơi đó rồi mở một cửa trận chạy thoát.

Hôm đó là khoảng giờ Dậu (17-19h), sương chiều nặng nề, không biết nhà sư ở ngôi chùa trên núi nào vừa gõ vang hồi chuông đầu tiên.

Trần Bất Đáo đang ở một nơi xa tít tắp giải lồng.

Khi tiếng chuông mơ hồ truyền tới, hư tướng trong lồng sắp tiêu tán, trần duyên đếm không hết được anh hấp thu vào người.

Anh đang định luyện hóa nó thì thấy đại bàng Kim Sí gập cánh đáp xuống đất, đưa mẩu giấy viết thư vừa nhận được cho anh: "Đại Triệu tiểu Triệu truyền tới."

Trần Bất Đáo mở ra xem, chỉ thấy trên giấy rải rác vài nét bút vẽ núi và cây, còn chấm hai vệt mực một lớn một nhỏ nối với nhau.

Lão Mao thò đầu qua xem nhưng không hiểu được, lão chỉ vào chấm mực hỏi: "Hai con nhóc ấy ẩn ý gì vậy?"

"Không nhìn ra à?" Trần Bất Đáo gập lại mẩu giấy, khẽ bật cười: "Trên cây mọc ra người tuyết rồi."

"Há?" Lão Mao chớp con mắt hạt đậu đen láy, lại "À" thêm một tiếng --

Là Văn Thời lên núi Tùng Vân rồi.

"Vậy chúng ta ..." Lão Mao hỏi.

Trần Bất Đáo nhìn lướt qua sương đen quấn quanh ngón tay nói: "Đưa những thứ này về núi trước đã."

Anh gửi mẩu giấy đưa thư về cho đại Triệu tiểu Triệu kèm câu nói đùa: Lừa nó đun một ấm trà cho tôi, hai người để ý một chút, dù sao cũng là một đống tuyết nên đừng để tan mất.

Vùng này ở phía nam, núi Tùng Vân ở phía bắc, cách nhau hơn ba nghìn dặm.

Người bình thường đi xe ngựa cũng phải mất khá lâu, nhưng với họ thì lại rất nhanh, chỉ bằng bỏ công mở một cánh cửa trận mà thôi. Giờ dậu xuất phát, nhiều nhất thì 45 phút sau đã về tới đỉnh núi rồi, vừa đủ thời gian đun một ấm trà.

Đây vốn là một khoảnh khắc bình thường trong suốt mấy chục năm, mí mắt lão Mao chợt giật, không hiểu sao lại thấy hoảng hốt.

Lão nghe thấy hồi chuông thứ hai kêu 'coong' một tiếng phía núi xa, đang định mở miệng thì thấy chuông bạch ngọc nhỏ bên hông Trần Bất Đáo khẽ vang mặc dù không có gió.

Nháy mắt ấy, chủ tớ bọn họ thoáng ngây người.

Tiếp theo, bóng mờ lông vũ trên người lão Mao dựng ngược, bởi vì lão biết chiếc chuông bạch ngọc này liên kết với trận pháp trong khe núi kia, nó vốn không dễ dàng ngân vang.

Một khi vang lên thì chính là chuyện lớn.

Lão trông thấy Trần Bất Đáo cầm chuông nhắm mắt, vì con rối và chủ có mối liên hệ với nhau nên lão cũng thấy cảnh tượng sương đen tràn khắp ngọn núi kia thông qua mắt anh--

Nhốn nháo hoảng loạn, tiếng kêu thảm dậy khắp đất trời.

Sinh vật sống như cành cây bị hút khô, nháy mắt bị sương đen bao phủ trở nên khô quắt, đổ rạp xuống đất.

Tiếng gào thét trộn lẫn với tiếng gà gáy chó sủa vang lên liên miên, mọi người chạy tán loạn khắp nơi, còn cả đứa nhỏ nhà ai luống cuống đứng trên con đường ruộng khóc nức nở, sương đen trào tới như sóng thần sát ngay sau nó, gần trong gang tấc.

Lão Mao thậm chí còn quên mất đây chỉ là cảnh tượng lão trông thấy từ nơi cách xa nghìn dặm. Cánh lớn lập tức giang rộng như muốn che chắn tai họa ngập trời thay những người kia.

Cảnh tượng giây phút này cực kỳ chân thật.

Dường như lão có thể cảm nhận được gió lốc xốc tung lông vũ của mình lên, sương đen che khuất bầu trời, ập vào mặt, sắc đen và cánh lớn màu vàng sắp sửa va chạm nhau --

Lão Mao nheo mắt nhưng lại không đợi được đợt va quệt trong dự đoán.

...

Sương đen dừng ngay trước chóp mũi, bề mặt đen ngòm thấp thoáng dấu ấn màu vàng nhạt gần như chạm vào lão nhưng cuối cùng lại không thật sự chạm vào.

Những cảnh tượng kia rơi vào trong con mắt lão, chỉ một khoảnh khắc lại như kéo dài trăm năm --

Lão trông thấy sương đen gây họa nhanh chóng rút lui như sóng lớn rời bờ, đến từ đâu thì trở về đó.

Sương đen kia đến từ khe núi, mà mắt trận chính là bản thân Trần Bất Đáo.

Tai họa không tự dưng tiêu tan, trận pháp cũng không đảo ngược một cách vô cớ. Tất cả là nhờ Trần Bất Đáo ngăn chặn đám sương cuộn trào kia ngay lúc ngàn cân treo sợi tóc.

Đây là biện pháp nhanh nhất, cũng là duy nhất khi ấy.

Bởi vì trừ Trần Bất Đáo thì không thể tìm ra người thứ hai có thể áp chế tai họa ngập trời như vậy ở đây.

Cho nên ban đầu lão Mao còn vui mừng, thở phào nhẹ nhõm.

Trần Bất Đáo hóa giải mười vạn trăm vạn trần duyên, sự việc vừa rồi chẳng qua là một trong số đó mà thôi. Tuy rằng khó nhưng lại hoàn toàn vô hại.

Thế mà một giây sau lão đờ người.

Lão nhớ tới dấu ấn màu vàng nhạt trôi lững lờ ấy là gì....

Đó là trời phạt mà....

Chuông ở chùa trong núi vang lên hồi thứ ba, cũng chỉ như giây lát trong thế gian dài đằng đẵng.

Trong khoảng thời gian ấy, trời long đất lở.

Bọn họ chung quy vẫn không uống được ấm trà nấu trên núi Tùng Vân.

***

Lúc ấy Chung Tư đang dắt ngựa vào sát cổng thành cách xa hơn trăm dặm.

Đó là tháng cuối cùng của năm, đâu đâu cũng bận cúng bái các vị thần linh. Trong thành dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm, Tịch thành treo một dãy đèn lồng trải dài khắp thành cực kỳ rực rỡ tưng bừng. Mặt nạ tế thần treo trên cột cao, có ba phần tương tự với chiếc Trần Bất Đáo đeo khi xuống núi.

Ngay khi nhận được thư của Bốc Ninh, hắn đang dừng trước một sạp hàng chọn lựa mấy món đồ chơi kỳ lạ, muốn mua hộ Bốc Ninh hộp cờ có chất liệu bằng đá kia.

Nhưng lúc mở mảnh giấy thư hoa văn vàng ra, quân cờ rơi vãi đầy sạp hàng.

Hắn dúi sợi dây dắt ngựa vào ngực người bán hàng rong, vội vàng bảo một câu 'Cho anh đấy', sau đó lập tức vòng ra phía sau tường thành, mở một cửa trận tới thẳng chỗ Trần Bất Đáo mà chẳng kịp rời khỏi thành.

Đến nơi rồi hắn lại chẳng thốt nên lời.

Chưa đầy năm tuổi hắn lên núi Tùng Vân, hai mươi tuổi xuống núi rồi vào lồng tiễn đưa vô vàn người. Mãi đến ngày hôm đó trông thấy sư phụ hắn mới biết thì ra trần duyên trên cõi đời này nhiều như vậy.....

Nhiều đến nỗi tụ hội một chỗ nhưng vẫn không thấy rìa đâu, đến mức có thể biến núi rừng bạt ngàn thành địa ngục quỷ quái, kéo thần tiên vào cõi trần tục, gần như trong nháy mắt từ một người được người người kính trọng thành tránh như rắn rết.

Nhiều đến mức .... hắn cảm thấy dường như bản thân chẳng học được gì suốt mười mấy năm qua. Nếu không thì sao gắng hết sức cũng vẫn không thể hóa giải được chút trần duyên nào trên người sư phụ chứ.

Giấy truyền thư lại không thể bay ra khỏi núi, lá bùa chưa thành hình đã co rúm thành tro trong sương đen rồi rơi xuống đám cỏ dại khô héo từ thuở nào. Cả trận đá của Bốc Ninh cũng bị nghiền thành bột vụn phiêu tán trong gió.

Hắn chẳng quan tâm tới bất cứ điều gì.

Hắn không biết ai đến ai đi, ai chưa nhận được tin hay ai đã tiến vào trận. Hắn gần như thử mọi cách mà mình biết một cách máy móc, sau đó hơi quay đầu trong màn cát bụi và sương mù ẩm ướt.

Hắn nói vài câu với một ai đó, hình như còn gắng cười gượng, thoạt nhìn chẳng khác gì ngày thường. Nhưng ngay cả chính bản thân hắn cũng không biết rốt cuộc mình đang nói gì.

Mãi lâu sau mới nghe thấy lời hồi đáp khản đặc của Bốc Ninh phía sau.

Bốc Ninh nói: "....Sư phụ từng dạy huynh một loại trận pháp."

Câu nói kia nhẹ bẫng đến mức tưởng chừng Bốc Ninh vốn không muốn nói ra, nhưng Chung Tư nghe thấy rồi, cho dù mọi chuyện xảy ra ngày hôm đó mờ nhạt hỗn loạn như một giấc mơ, hắn vẫn nhớ rõ câu nói ấy.

Hắn nhìn chằm chằm gương mặt tái nhợt của Bốc Ninh: "Dạy hôm nào, trận pháp gì."

Bốc Ninh trả lời: "Trước khi xuống núi....trận phong ấn."

Đó là bài học cuối cùng Trần Bất Đáo chỉ dạy cho hắn, không hề giống bất cứ trận pháp nào đã từng dạy ngày trước. Mắt trận của nó nằm tại vị trí cửa tử, gần như không chừa đường sống.

Khi ấy Bốc Ninh nói: "Sư phụ, trận này cực kỳ hung hiểm, e rằng suốt đời không cần dùng tới."

Trần Bất Đáo bảo: "Thế thì lại càng tốt."

Nhưng một lúc lâu sau anh lại nhìn về phía Bốc Ninh bổ sung thêm: "Không phải từ bé con đã thích chừa chút đường lui à, coi như ta tặng cho con một cái."

"Người không sợ con dùng sai lúc sao ạ?"

"Con có linh khiếu trời ban, nhanh chóng thông tỏ mọi điều nên sẽ biết khi nào nên dùng thôi."

Sư phụ nói không sai, hắn thật sự biết lúc nào thì nên dùng nó.

Nhưng hắn thà ngu dốt, thà rằng linh khiếu tệ hại.

Khoảnh khắc đó hắn thậm chí còn nghĩ liệu có phải Trần Bất Đáo đã sớm dự đoán được gì đó cho nên mới đột nhiên dạy hắn trận pháp này trước khi xuống núi hay không....

Một Chung Tư đã từng hay ngồi trên mỏm đá cao trước đài luyện công, dáng vẻ cà lơ phất phơ ngoắc ngón trỏ nói: "Ai cũng bảo sư phụ am hiểu và tu luyện các loại trận pháp, bùa chú, thuật con rối đến nấc cuối cùng, chỉ có quẻ thuật là bình thường. Nhưng đệ cứ cảm thấy không đúng--"

Hắn toàn bảo biết đâu sư phụ còn có thiên bẩm cao hơn cả mấy người sư huynh mọt sách ấy chứ, người đoán trước được rất nhiều sự việc từ sớm, chuyện nào cũng nắm trong lòng bàn tay, hoặc cũng có thể là lười chẳng buồn tính, dù sao thì thế gian thay đổi không ngừng, sống chết do trời quyết định.

Bản thân Chung Tư thuộc vế sau, câu cửa miệng của hắn là "Nước chảy thuyền trôi, thuận theo tự nhiên, chẳng ép ai ở lại."

Nhưng ngày hôm đó khi nghe thấy hai chữ "phong ấn", hắn lại nói "Không".

Người đời sau đồn rằng tính lão tổ Chung Tư không mấy kiên trì, cả đời sống nhởn nha thoải mái. Nhưng chẳng ai biết ngày hôm đó hắn đã nói từ "Không" bao nhiêu lần.

Cũng không ai biết người luôn nở nụ cười trong mọi hoàn cảnh kia có đôi mắt đỏ bừng đến mức nào khi buộc lòng phải quăng lá bùa đầu tiên xuống.

Thật ra thì hắn và Trang Dã vốn sẽ không kiệt quệ linh thần, vì tới tận giây phút cuối cùng Trần Bất Đáo vẫn cố gắng kiểm soát những gì mình có thể bằng cách ép mạnh làn sương sắc nhọn như mũi kiếm hướng vào trong.

Nguyên nhân bọn họ bị thương nặng là trong giai đoạn cuối phong ấn, khi mọi ý nghĩ trở nên mơ hồ. Bọn họ chuyển đổi hình thái trấn áp sang che chở theo bản năng, dẫn tới phải gánh chịu một phần tác dụng của đại trận phong ấn.

Có thể do sương mù đặc quá, biển máu uốn khúc ngoằn ngoèo, bọn họ luôn nhớ kỹ ngày hôm đó mưa to gió lạnh, tình cảnh hết sức thê thảm, khắp thế gian phủ một màu xám xịt.

Thật ra không phải.

Một giây trước khi biển ý thức của Trần Bất Đáo tan rã, anh ngước mắt dõi nhìn bầu trời cao tựa như vô số lần dựa cửa ngắm nhìn khi còn trên núi Tùng Vân.

Ngày đó trăng hình lưỡi liềm, sao giăng khắp trời, đúng là một đêm trời trong hiếm hoi.

Anh ít khi nhớ rõ tháng ngày nhưng chẳng hiểu sao lại nhớ hôm đó là mùng một tháng chạp.

Khi hàng nghìn hộ gia đình trên thế gian bắt đầu treo đèn tế thần chính là lúc ồn ào tưng bừng nhất. Nhưng anh nhớ rõ ngày hôm đó không phải do chuyện này mà vì vào mùng một tháng chạp của hơn hai mươi năm trước, anh dắt một người từ trong núi thây biển máu trở về.

Vào một ngày nào đó của nhiều năm về sau, người ấy từng nói với anh rằng: "Người dưới núi thường nhắc tới sinh nhật, hôm đó có người hỏi tôi, tôi bảo mình sinh vào mùng một tháng chạp."

Chỉ một câu nói ngắn ngủi, đột nhiên trở thành mối bận tâm sau này.

Thực ra ngày hôm ấy cho dù Văn Thời không quay về núi Tùng Vân thì Trần Bất Đáo cũng định tới thăm hắn, dù sao cũng là sinh nhật, một năm một lần, cả đời cũng chỉ có mấy chục năm. Sao nỡ bỏ người ấy cô đơn lẻ bóng.

Anh viết một mẩu giấy thư hứa hẹn mình sắp trở về.

Tiếc rằng gió rừng tùng và trăng sáng ba nghìn dặm, trời không chịu cho ngày về.

Bản dịch được đăng duy nhất ở Bạch Ngọc Sách VIP-Reader!