Ngõ Ô Y

/

Chương 75

Chương 75

Ngõ Ô Y

24.174 chữ

13-04-2023

Tháng Mười một năm ấy, tổ phụ theo chiếu lên kinh, Đại tỷ Lan Quân xuất giá, mẫu thân bèn bàn với phụ thân, hay sẵn dịp tiễn giá mà vào kinh ở một thời gian đi, vừa hay có thể sắm sính lễ cho Đại ca.

Ta hiểu ý của bà ấy, bà nghe nói nhà cậu Trường Ninh mới lên kinh, tính nhân dịp này đến chào hỏi làm thân, Trường Đình biểu ca vẫn chưa đính hôn, bà ấy nói trước mặt tổ mẫu rất nhiều lần là muốn gả Tứ tỷ đi, nhưng tổ mẫu vẫn chưa đồng ý.

Cứ tưởng suy nghĩ ấy của bà sẽ không thành, vì lúc nào tổ mẫu nhắc với bà Tôn về mẫu thân là luôn nói bà suy nghĩ hão huyền, ai ngờ thế mà lại thành thật.

Không những Đại ca và Tứ tỷ, ngay cả ta cũng được phép đi theo, tổ mẫu đã nói, nếu đã muốn đi thì phải dẫn đi hết, cũng để tụi nhỏ thấy cảnh đời.

Tuy ta đã lớn thế này nhưng đó là lần đầu tiên rời khỏi Du Châu, hồi đọc “Thiên Lý hành” của Bạch Trường Thị, trong thơ nói đất kinh kỳ “mười dặm một đình, năm dặm một gác”, ta còn thấy thơ ca nói quá, sao có chuyện năm dặm dựng một trạm gác được! Nên khi sắp tới kinh đô, ta và Tiểu Thất dựa vào cửa xe trông ra ngoài. Thấy cứ cách mỗi dặm là lại dựng một cọc gỗ, qua năm cọc là có một mái đình bốn góc, bên trên treo hai chiếc đèn lồng, trên đèn viết một chữ “Vệ” to tướng, Tiểu Thất ở bên cảm thán, thì ra đã có đèn đường sớm thế này rồi à, ta không hiểu đèn đường là gì, nhưng cũng không hỏi muội ấy, chỉ coi muội ấy đang nói lung tung.

Vì ta hay đau ốm nên sau khi đến kinh thành, mẫu thân chỉ dẫn mỗi Tứ tỷ ra ngoài.

Tứ tỷ đã mười bốn, theo lý cũng nên sớm định thân, nhưng mẫu thân thấy tỷ ấy vừa có phúc tướng lại có tài học, chắc chắn sẽ gả cho rể quý, nên từ chối rất nhiều bà mai đến cửa cầu hôn.

Nửa tháng sau khi lên kinh thành, có một buổi sáng, tổ phụ bỗng sai người đưa hương án ra sân, cả nhà quỳ trước hương án, nghe một người mặc áo bào đỏ niệm một bài dài chẳng hiểu gì.

Hôm ấy trong nhà rất náo nhiệt.

Ít lâu sau, tổ mẫu dẫn bọn ta đến nhà Cữu gia, ở đó, lần đầu tiên ta gặp chàng.

Ta đã từng nghĩ rất nhiều lần rằng, nếu ta có được học vấn và độ tuổi của Tứ tỷ, lại có dung mạo của Tiểu Thất, phải chăng lần đầu tiên chàng sẽ nhìn ta?

Tiếc là khi ấy ta không có gì cả, thậm chí cơ thể cũng không khỏe.

Ta còn nhớ rất rõ, lúc ấy chàng mặc trường bào, ngồi nghiêm trên ghế, Cữu gia nói với chàng chuyện gì chàng cũng có thể đối đáp trôi chảy, ánh mắt của mọi người dính cả lên người chàng, bao gồm ta.

Có nhẽ chàng chính là người thông minh nhất, tuấn tú nhất trên đời này?

Chàng tên Mạc Trường Mạnh, là Đại ca nói cho ta biết, bảo chàng thuộc nhánh bên của Mạc gia, vốn dĩ sẽ không được đến nhà chính Mạc gia học hành, nhưng có lần Cữu gia thấy chữ của chàng trong buổi tiệc mừng, lập tức cho phép cho chàng đến học, còn đặt tên tự cho chàng – Trọng Sinh.

Một lần gặp gỡ vội vàng, chàng không biết ta, nhưng kể từ đó cuộc đời ta bắt đầu quay xung quanh chàng.

Năm đó ta mới mười tuổi.

Từ đêm đầu tiên nhìn thấy chàng, ta không còn lén đổ bát thuốc Tiểu Thất đưa tới nữa, cũng bắt đầu chăm chỉ học nữ công, dù ngón tay bị đâm phồng rộp cũng không còn kêu la. Đọc sách viết chữ đều nghiêm túc, mỗi ngày phải luyện trên ba tờ giấy mới dám đi ngủ.

Vì… vì chàng xuất sắc quá.

Đáng tiếc là chàng đã đính hôn, bởi chàng lớn hơn ta những sáu tuổi.

Lần thứ hai gặp chàng là ở Trường Ninh, năm đó ta đã mười bốn.

Hôn thê của chàng đổ bệnh qua đời, Tứ tỷ cũng không thể đính hôn với biểu ca Trường Đình, Cữu gia thấy có lỗi với tổ mẫu nên giới thiệu chàng, khen chàng vừa giỏi vừa có ngoại hình, chắc chắn tương lai sẽ vươn cao.

Tổ mẫu do dự, thứ nhất là chàng đã từng có hôn ước, thứ hai là xuất thân của mẫu thân chàng không tốt, sợ sau này mẹ chồng nàng dâu sống chung sẽ có xung đột.

Tối hôm ấy, ta trùm chăn khóc suốt đêm, người trong lòng bỗng biến thành anh rể, cảm giác này thật sự sống không bằng chết. Tiểu Thất tưởng bên ngoài trời mưa, quên đóng cửa sổ nên nửa đêm thức dậy, bỗng phát hiện ta khóc làm ướt góc chăn, muội ấy thở dài, chui vào lại trong chăn.

Hai đứa nằm đối mặt nhìn nhau, muội ấy hỏi ta: Có phải ta thích Mạc Trường Mạnh không?

Ta ngạc nhiên, hỏi sao muội có thể nhận ra?

Muội ấy bảo đến kẻ mù cũng nhận ra được nữa là, rồi nói với ta một câu: tuy nói ra chưa hẳn đã tốt, nhưng nếu không nói thì chắc chắn sẽ vô dụng.

Ta có thể cưới Trọng Sinh phải cần cám ơn hai người, một là Tiểu Thất, muội ấy khuyên ta mau đi nói với tổ mẫu. Một người khác không biết nên gọi là anh rể hay em rể – Lý Sở, đầu tiên y cưới Tứ tỷ, sau lại dẫn Tiểu Thất đi, cũng coi như là ân nhân của ta.

Năm ta xuất giá, Tiểu Thất sai người từ kinh thành đưa về cho ta một đôi kết uyên ương bện từ dây tơ hồng. Đêm tân hôn, ta lén thắt nó vào ngón tay mình, còn đầu kia quấn quanh ngón tay chàng, nhìn ngón tay hai người được sợi chỉ đỏ nối liền, lòng ta bỗng vui mừng.

Ta biết chưa chắc chàng đã thích ta, tuy ta không xấu nhưng cũng không tính là đẹp, ta có đọc sách nhưng lại không thể xuất khẩu thành thơ, ta biết nữ công, biết nấu đồ ăn, nhưng không việc nào xuất sắc, ta học được tất cả mọi thứ mà ta có thể học, cuối cùng phát hiện không có thứ nào khiến người ta để ý đến mình.

So với chàng, ta khác gì con sâu cái kiến.

Ta ghen với Lan Uyên, nói là ghen thì chi bằng bảo là hâm mộ, hâm mộ nàng ta có thể tự do làm này làm nọ trước mặt chàng, dù là làm trò hề.

Ta thì không thể như thế, thậm chí sinh Văn Nhi rồi cũng không có cách nào buông thả.

Tiểu Thất nói ta sai rồi, sai ngay từ đầu, đặt mình vào vị trí thấp bé nên mới hèn mòn như vậy, nhưng thực chất bản thân đâu như thế.

Ta hiểu đạo lý này chứ, nhưng ta không biết phải làm sao, cứ đối mặt với chàng là ta lại thấy tự ti, vì ta không tìm được ưu điểm nào trên người mình.

Bụng nhủ thế là được rồi, dù gì cũng đã là vợ của chàng, sống tiếp như thế cũng được, có vợ chồng nhà ai mà chẳng như vậy?

Cho đến một ngày ta phát hiện chàng còn giữ tín vật của hôn thê… Ta mới biết thì ra chàng và người kia là thanh mai trúc mã, mới biết vì sao mười chín tháng Hai hằng năm chàng đều về Quế Dương, thậm chí dù đang ở xa không thể quay về, chàng vẫn đều đặn làm lễ tế dưới gốc quế.

Đến lúc đó ta mới đột nhiên vỡ lẽ, không phải chàng không bắt bẻ ta, mà là sẽ không bắt bẻ bất cứ ai trở thành vợ mình.

Về sau ta đổ bệnh, tổ mẫu lo nhà chàng không chăm sóc tốt nên đón ta về.

Đó là quãng thời gian ta thấy yên bình nhất kể từ khi xuất giá.

Đúng sớm tối mỗi ngày, ta dẫn Văn Nhi đến rừng mai sau vườn đi dạo, ban ngày thì uống trà nói chuyện với tổ mẫu, tới chiều thì đến chỗ bà Tôn thêu thùa may vá, thỉnh thoảng giúp bà Tôn tính toán thu hoạch ở điền trang.

Ngoài chàng ra, thật sự còn rất nhiều chuyện ta có thể làm.

Khi khỏi bệnh, chàng đón mẹ con ta về Mạc trạch.

Bắt đầu từ lúc ấy, giữa hai ta trông như không thay đổi gì, nhưng dường như mọi thứ lại thay đổi.

“Bẩm phu nhân, sắp đến giờ cơm tối rồi, có cần tới trước gọi cô gia không?” Thanh Phỉ hỏi.

Ta nhìn đồng hồ cát, đã cuối giờ Dậu, hẳn người ở Tây viện đã đứng chờ sẵn ở cửa trong, không cần ta phí công làm gì, “Đã giờ này rồi, không tới tức là không tới, đóng cửa viện lại đi.” Đặt bút xuống, vươn người một cái, từ ngày Tiểu Thất đi Gia Châu, các cửa hàng tơ lụa ta hùn vốn với muội ấy ngày một làm ăn phát đạt, mọi sổ sách rơi cả vào tay ta, nhất là lúc kiểm tra gần năm mới, phải đối chiếu rõ mấy chồng sổ sách, thật sự rất tốn công.

Thấy ta đấm vai, Thanh Phỉ giơ tay đấm bóp giúp ta, “Cứng cả rồi đây này, cô thái thái mới cho người đưa mấy gói thuốc từ Gia Châu đến, hay là phu nhân ngâm nước nóng tắm thử? Phu nhân đã bận mấy ngày liền, cũng nên thư giãn thôi.”

“Được, ngươi đi chuẩn bị đi, dù gì hồi chiều cũng ăn nhiều điểm tâm, giờ vẫn thấy no.” Ta viết thư phàn nàn với Tiểu Thất tay chân dễ lạnh, muội ấy bèn cho người đưa thuốc tới, nói là mình thử rồi, rất công hiệu.

Tới thư phòng chải đầu thay đồ, nước tắm cũng đã chuẩn bị xong, trời lạnh thế này, đúng là chỉ có ngâm nước nóng mới thấy thư giãn. Nếu không phải sợ ngâm lâu chóng mặt thì ta thật sự muốn ngâm thêm một lúc nữa.

“Vị Lưu thái y mà cô thái thái giới thiệu đúng là mát tay, phu nhân mới uống thuốc chưa đến nửa năm, sắc mặt không những đã khá lên mà cơ thể cũng nở nang ra nhiều, xem ra về sau vẫn phải uống đúng giờ.” Thanh Phỉ vừa chải đầu vừa khen Lưu thái y có tay nghề.

“Cô thái thái có số hưởng phúc, khoan bàn tới chuyện khác, riêng việc ăn uống cứ tìm ngài ấy hỏi là chuẩn khỏi chỉnh.” Hồng Ngọc đứng bên tiếp lời, nhân tiện khoác thêm áo lên vai ta.

Chợt nghe thấy có động tĩnh ở ngoài cửa.

“Bẩm phu nhân, Đại gia đến rồi ạ.” Là nha đầu giữ cửa bên ngoài.

Thanh Phỉ nhìn ta qua gương, sau khi từ nhà ngoại về, do lý do cơ thể nên ta không ở lại chỗ chàng, còn chàng mới đi sứ Nam Việt ba bốn tháng, mới về đến nhà, chỉ ở trong phòng ta ăn vài bữa cơm, thỉnh thoảng bị người ở Tây viện quấn lấy, cũng sẽ đến chỗ nàng ta ăn hai bữa, giờ đã là canh mấy rồi mà đột nhiên tới đây?

Còn đang nghĩ thì rèm được vén lên, chàng bước vào, ôm trong ngực một chiếc hộp lớn.

“Gì thế?” Ta đứng dậy toan nhận lấy.

Chàng bảo nặng lắm, rồi tự đặt xuống bàn trang điểm.

Ta mở ra, phát hiện là mấy phiến đá.

“Lần trước đi Nam Việt, bên kia tặng mấy khối lục bảo đỏ, vì hành lý nhiều nên giao cho người dưới vận chuyển về bằng đường thủy, ai ngờ lại chuyển nhầm nơi, đến giờ mới đưa tới.” Chàng nói.

Ta đáp một tiếng rồi đếm, tổng cộng sáu khối, tiện tay chọn khối to bằng nắm tay và một khối to bằng quả trứng đặt lên bàn, đoạn quay sang nói, “Còn lại chàng đem đến chỗ mẫu thân đi.” Lần trước mang đến mấy khối, vì có hai khối to trông rất vừa ý nên đánh một bộ tặng Tiểu Thất, mẹ chồng biết chuyện thì cứ càm ràm trước mặt ta mãi, bảo ta đem đồ trong nhà cho em gái đằng ngoại. Nên từ đó trở đi, hễ đồ chàng đem về thì ta chỉ chọn phần của mình, còn lại bọn họ thích chia thế nào thì chia, đỡ bên tai ồn ào.

Chàng nhìn ta, “Đây là phần của nàng.”

“Thiếp… lấy rồi mà.” Ta chỉ vào khối đá trên bàn.

Mắt chàng lóe lên vẻ thất vọng, là vì ta không còn hưng phấn như trước ư? Đúng thế, ngày trước dù chàng chỉ đem về một tờ giấy Tuyên Thành thôi cũng đủ khiến ta vui vẻ như kẻ ngốc, ngẫm lại bản thân lúc ấy… Đúng thật là một lời khó nói, “Chàng ăn tối chưa?” Ta không muốn cứ đứng đấy nhìn nhau nữa, bèn nói lảng sang chuyện khác.

Chàng lắc đầu.

Quay đầu dặn Hồng Ngọc, bảo nàng xuống bếp chuẩn bị ít món, thân là thê tử đủ tư cách, ít nhất cũng phải thu xếp tốt cho chàng trong chuyện ăn ở.

Sai Thanh Phỉ lấy đồ rửa mặt sạch sẽ đến, tự mình hầu hạ chàng rửa mặt, sau mới bày dọn cơm tối cho chàng.

“Nàng ăn rồi à?” Thấy trên bàn chỉ có một đôi đũa, chàng hỏi ta.

“Hồi chiều trước khi uống thuốc có ăn ít bánh trái, giờ vẫn còn no.” Ta cầm muỗng múc cho hắn thêm nửa bát canh gà ác.

Vì không có việc gì làm, ta bèn lấy áo khoác đang may dở cho Văn Nhi từ trong rổ bên cạnh, tiếp tục may vá.

Lúc ăn uống chàng thường không tạo tiếng động, do đó trong phòng ngoại trừ tiếng đũa chạm bát thì chỉ có tiếng nến cháy lốp bốp.

“Mẫu thân nói, năm sau nàng muốn về Du Châu?” Đang ăn nửa chừng thì bất thình lình chàng hỏi.

Ta gật đầu, “Minh Khải đính hôn rồi, nó là đứa có chữ lót Minh đầu tiên trong nhà kết hôn, Đại ca Đại tẩu còn từ Dương Thành về, Tiểu Thất cũng muốn về, thiếp mới nghĩ từ sau khi thành hôn vẫn chưa về lần nào, vừa hay tháng Giêng này Văn Nhi không cần đi học, nên muốn dẫn con đi cùng.” Chiếc khóa này thực sự rất khó may, thế là ta tìm cái đê trong giỏ, đeo vào ngón trỏ.

Lúc sau chàng lại nói, “Đường xá xa xôi, cơ thể nàng chịu nổi không?”

“Thiếp hỏi Lưu thái y rồi, ông ấy nói đi lại nhiều có lợi cho thiếp hơn.” Cuối cùng cũng may xong, lại cầm lấy kéo trong rổ cẩn thận cắt chỉ. Ngẩng đầu lên, thấy chàng cũng sắp ăn xong, đúng lúc nghe thấy tiếng nói chuyện của Thanh Phỉ bên ngoài, nhất định là người ở Tây viện lại phái người đến rồi. Kể từ khi hết quốc tang, bên kia chẳng được một giây rảnh rỗi. Từ sau khi khỏi bệnh, có rất nhiều chuyện giữa vợ chồng ta đã nghĩ thoáng, thứ nhất ta đã có con trai Văn Nhi, thứ hai cơ thể ta hay yếu, thứ ba, và cũng là điều quan trọng nhất – lòng đã đổi, dù sao có cố gắng đến mấy thì cũng giống bây giờ, chàng chưa bao giờ thuộc về ta, dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai, làm tốt chuyện cần làm là đủ rồi.

“Có chuyện gì à?” Ta khoác thêm áo, đi tới cửa.

Thanh Phỉ ra hiệu với ta là có bà tử ở Tây viện.

Bà tử bê trong tay một bát sứ, thấy ta tra hỏi thì bước lên trước nói, “Đây là canh gà nương tử hầm đến trưa, đã bảo là giành phần Đại gia đến ăn, nhưng nghĩ Đại gia chắc sẽ dùng bữa ở chỗ phu nhân nên để tôi đưa đến.”

“Canh gà thôi mà cũng làm quá, bộ có nhân sâm nghìn năm tuổi hay sừng hươu vạn năm tuổi hay sao hả, đêm hôm khuya khoắt còn chạy đến đây đưa đồ, Đại gia đã ăn xong rồi.” Thanh Phỉ nói.

Chuyện đấu khẩu thế này không cần ta ra mặt, một mình Thanh Phỉ có thể giải quyết được, ta xoay người trở về nội thất.

Thấy chàng vẫn mặc áo khoác hôm trước đưa đến, ngày đông rét buốt mà mặc mỗi kiện áo mỏng thế kia sao đủ, ta lấy từ trong tủ ra kiện áo khoác bằng da, cầm đến Tây phòng.

Chàng mới ăn xong, đang còn súc miệng.

“Lát nữa chàng mặc thêm áo này mà đi, trời đang đổ tuyết, lạnh lắm đấy.” Thấy chàng súc miệng xong, ta dúi áo khoác vào tay chàng.

Chàng cầm áo khoác, sững người nhìn ta, “ừ” một tiếng rồi lưỡng lự rời đi.

Tới lúc lên giường, Thanh Phỉ đến kéo chăn giúp ta, “Mới nãy Xuân Quyên phục vụ ở đằng trước tới lấy bộ chăn đệm dày, nói Đại gia lại đến thư phòng rồi, em thấy đêm nay ngài ấy đến chắc là muốn ở lại, ai dè lại bị phu nhân đuổi đi.”

“Cứ tùy chàng.” Bây giờ ta chỉ muốn được thoải mái mấy ngày.

“Phu nhân à, em biết phu nhân đang giận ngài ấy, nhưng dẫu gì hai người cũng là vợ chồng mà.” Thanh Phỉ là người duy nhất hiểu được tâm sự của ta.

“Là vợ chồng cũng chưa chắc phải ngủ với nhau, em cứ nhìn nhà chính đi, không phải cũng là vợ chồng chia phòng ở đấy sao? Sống cũng ổn, hơn nữa… trong lòng chàng chưa chắc đã coi ta là vợ chồng.” Gạt tóc qua một bên, ta không muốn nói tiếp chuyện này nữa.

Có lẽ do trước đó đã ngâm mình nên chỉ mới nằm xuống không bao lâu, ta đã chìm vào giấc ngủ.

Mấy ngày sau, chàng không ghé lại nữa, ta vẫn cho người đưa quần áo, thay chăn đệm như bình thường, có khi chàng đi vắng, ta vẫn cho người tới thư phòng dọn dẹp.

Đến ngày Tất niên, chàng dẫn Văn Nhi đi từng bếp lớn nhỏ trong phủ cúng bái.

Khi tới bếp nhỏ trong viện của ta, ta và tụi Hồng Ngọc, Thanh Phỉ đang làm bánh ngọt, thấy con trai học theo cha nó bái lạy, bỗng nhớ lại ngày còn nhỏ, lúc ấy trong nhà có rất đông anh chị em, mỗi lần đến ngày cúng ông Táo, cả đám sẽ đi theo tổ phụ đến phòng bếp quậy một trận, xem ai cướp được nhiều bánh kẹo hơn.

Hồi nhỏ đúng là thật vui, được một cục đường thôi cũng có thể vui vẻ cả ngày.

“Sao mẹ lại khóc?” Con trai đi tới xoa mặt ta.

Ta sờ khóe mắt, hình như là có nước mắt thật, “Có lẽ là vì nhớ nhà.”

Con trai nghiêng đầu hỏi ta, “Thế đây không phải là nhà ạ?”

“… Mẹ nói nhà ở hồi bé cơ.” Ta thở dài, cảm thấy mình lại kiểu cách nữa rồi, bèn kiếm cớ lấy bánh ngọt cho con mà mở lồng hấp sau lưng ra, ai dè bánh mới hấp nóng, suýt đã bị bỏng tay.

Chàng đứng ngay bên cạnh ta, lập tức nhúng tay ta vào chậu nước, làm ướt cả quần áo… Nhưng đây là đồ mới, còn mới mặc lần đầu, “Ôi, là đồ mới đấy!”

Văn Nhi lập tức lè lưỡi với cha nó, vì lần trước nó làm bẩn đồ mới của ta nên bị phạt đứng nửa canh giờ.

Đây là tật xấu hồi nhỏ của ta, vì bên trên có rất nhiều chị gái nên thường nhường lại đồ cũ cho ta, không phải trong nhà không mua nổi mà là không nỡ vứt đi, dù gì cũng quen nhau, người nhà cũng cảm thấy đồ không dùng thì cứ cho ta nhận, nên ta mới sinh ra tật rất thích đồ mới.

Sợ rằng trên đời này chỉ có Tiểu Thất mới hiểu được nỗi đau ấy của ta, vì muội ấy cũng giống ta, lúc nào cũng chọn này lựa nọ trong một đống đồ cũ, kể cả trượng phu!

Ta rất ít khi ghét chàng chuyện gì, hay nên nói là ta chưa bao giờ thể hiện ra mặt, hồi trước ta có kiên nhẫn vô hạn với chàng, vì cảm thấy chỉ cần mình cố gắng thì chàng sẽ thấy được điểm tốt của ta, dù chỉ là một chút.

Nhưng sự thật đã chứng minh, hèn mọn không đổi được chân tình.

Đêm đó chàng xin lỗi ta, xem ra chàng không phải người thường xuyên xin lỗi, lúc đưa đồ mới đến cho chàng, ta chấp nhận lời xin lỗi của chàng, cũng nói với chàng là không sao cả.

Cuối cùng chàng vẫn về thư phòng.

***

Tết năm ấy, mẹ chồng quay về Trường Ninh, mọi việc trong nhà đổ hết lên đầu ta.

Chuẩn bị kỹ lưỡng đồ đạc cúng tế, phát tiền lương ưu đãi ngày Tết cho gia nhân, cũng không có gì khó.

Điều duy nhất khiến ta chưa quen là đêm đón giao thừa, vì ta hay ngủ gật, mấy năm trước khi mẹ chồng ở nhà, có bà luôn lải nhải nên ta mới có thể trụ nổi, nhưng năm nay bà không ở đây, nên chỉ mới đến đầu giờ Hợi mà mí mắt ta đã sụp xuống rồi.

Ta chống khuỷu tay lên bàn, nhìn Văn Nhi từ một biến thành hai, từ hai biến thành bốn… Cho đến khi không còn thấy nữa…

Ta rất sợ nóng, nhưng còn sợ lạnh hơn, nên lần nào ngủ cũng làm khổ người bên cạnh. Ta vừa nhát gan lại vừa sợ tối, không ai ở bên là không dám ngủ, như Tiểu Thất và Thanh Phỉ, từ nhỏ các nàng đã quen chia chăn đệm với ta, vì mỗi lúc đi ngủ, mùa hè ta thích lấn người, tới mùa đông lại thích nấp dưới người đối phương.

Sau khi xuất giá, sợ chàng ghét ta nên ta luôn chuẩn bị riêng một bộ chăn đệm cho chàng, rất ít dịp ngủ chung một chăn.

“Khát quá.” Tỉnh giấc nửa đêm, cổ họng vừa khô vừa ngứa, ta bèn đẩy người bên cạnh.

“Thanh Phỉ” ngồi dậy, cầm cốc trà ở trên tủ đầu giường đến, ta cầm cốc uống hai hớp, bỗng thấy chân chạm vào da thịt nóng hổi, tò mò hỏi, “Sao đi ngủ mà ngươi không mặc đồ?” Nha đầu này ngủ đến hồ đồ rồi à?

“Không tìm thấy.” Giọng nam trả lời khiến ta sợ tới mức làm rơi cốc xuống giường, sau đó là một chuỗi động tĩnh, có tiếng la sợ hãi của ta, cũng có tiếng động ngã xuống giường của đối phương.

Thanh Phỉ và Hồng Ngọc cầm đèn, khoác áo bước vào…

Nhưng vì chàng không mặc quần áo, thế là lại một trận hét ầm ĩ.

Thanh Phỉ và Hồng Ngọc che mắt đóng cửa lại, để lại hai người bọn ta một dựa vào tường, một quấn chăn ngồi đối diện trong bóng tối…

“Sao, sao chàng lại ở trong phòng thiếp?” Vì bị giật mình liên tục nên ta bắt đầu nói lắp.

Một lúc lâu sau, chàng mới trả lời, “Đây cũng là phòng của ta.”

“…” Đúng vậy, “Thì, thì cũng phải báo trước với thiếp một tiếng chứ.” Nửa đêm nửa hôm bỗng trên giường xuất hiện một người đàn ông, dĩ nhiên là ta sợ chứ.

Chàng thở dài một hơi, “Lần sau chắc chắn sẽ báo trước.” Nói xong, chàng có vẻ muốn nằm xuống.

Ta không chịu, “Chăn đệm ướt hết rồi, để thiếp bảo tụi Thanh Phỉ đi thay.”

“Ta không mặc đồ.” Chàng nhắc lại sự xấu hổ ban nãy.

“Ai bảo chàng đi ngủ còn cởi sạch làm gì.” Ta lẩm bẩm.

“Từ trước đến nay ta đều như thế.” Chàng nói.

Nhìn xem, lại có chuyện giấu ta nữa rồi, “Chàng không nói thì sao thiếp biết.” Ai biết được trên đời này còn có người đi ngủ không mặc quần áo.

“Tối ngày thanh hôn, ta cũng đã nói không cần thay đồ giúp ta, là nàng cứ nằng nặc đòi thay, buổi chiều thay một bộ, tối trước khi ngủ cũng thay một bộ.” Chàng bình tĩnh tự thuật.

“Không thích sao không nói sớm?” Có lẽ bóng đêm đã tiếp thêm sức mạnh cho ta, ta không nhường chàng một câu.

“Ta có cơ hội để nói không?” Chàng hỏi.

“…” Nghĩa là gì, chê ta nói nhiều? Đúng là ta hơi nói nhiều thật, còn chẳng phải vì chàng không chịu nói gì với ta sao, “Đã chê thì tới ngủ làm gì, Tây viện cũng có giường kia kìa.” Lần đầu tiên ta buông lời ghen trước mặt chàng, nói xong lại bỗng thấy sợ.

“Đừng nhắc đến Tây viện với ta, đó là chuyện của nàng với mẫu thân.” Có vẻ chàng đang giận, hơi thở lên xuống thất thường.

“Làm như thiếp ép không bằng.” Ta ép chàng đến Tây viện sinh con với người kia ư?

“…” Hơi thở của chàng bất ổn thấy rõ, có vẻ tức giận thật rồi, chàng xoay người xuống giường, nhưng ngồi bên mép giường một lúc rồi lại quay người trở lại trong chăn, tức giận nói với ta “đi ngủ”.

Ta không chịu, bò dậy toan thắp đèn thay chăn đệm, cứ muốn đối nghịch với chàng đấy.

Nhưng chân chưa chạm đất thì bị chàng ấn xuống, chàng… chàng dám động thủ với ta – trong mắt ta hành động đó đã được coi là động thủ. Song, nước mắt còn chưa vội trào ra thì đã bị động tác sau đó của chàng làm cho chảy ngược vào, vì chàng cúi người kéo áo ngủ của ta…

Chín tháng sau, chàng đặt tên con gái của bọn ta là Tịch Ngôn*, chỉ có hai ta mới hiểu nguồn gốc của cái tên ấy.

(*Tịch Ngôn nghĩa là lời nói đêm giao thừa.)

Tối hôm đó, chàng kể ta hay một câu chuyện.

Chàng sinh ra trong gia đình nghèo khó, tổ phụ cũng từng làm quan ở kinh thành lúc trẻ, nhưng bị người khác vu oan chống đối đế vương, nếu không nhờ nhà chính Trường Ninh bảo vệ thì cả nhà chàng đã bị chém đầu rồi, cuối cùng chỉ rơi vào kết cục tịch thu gia sản.

Từ đó trở đi, gia cảnh lụn bại, vì không được chăm sóc kỹ từ bé nên phụ thân chàng hay đau ốm, dưới sự giúp đỡ của nhà chính, miễn cưỡng có được một chức vị, đáng tiếc mới ngồi không lâu đã bị cách chức, cuối cùng đành phải kết hôn với con gái thương nhân, nguyên nhân rất đơn giản, vì trong nhà không có tiền, sắp không trụ nổi nữa rồi.

Sở dĩ mẫu thân chàng hống hách như vậy là vì cái nhà này sống dựa vào của hồi môn của bà.

Từ nhỏ chàng đã hiểu chuyện gì cũng phải tự dựa vào chính mình, nên chàng ra sức chăm chỉ học hành, may mắn là chàng gặp được thầy giáo tốt, dạy bảo chàng như con trai mình, mãi cho tới khi chàng vào Mạc gia học.

Buồn thay năm chàng vào Thái Học viện, thầy giáo bệnh nặng qua đời, mười chín tháng Hai là ngày giỗ của ông ấy.

Đúng là chàng có một vị hôn thê thanh mai trúc mã, là mẹ chồng quyết định cho chàng. Khác với hình tượng cô gái tài hoa hơn người trong tưởng tượng của ta, đó cũng là con gái nhà thương nhân, chàng chưa gặp bao giờ, chỉ nghe người nói là một người mập mạp, nhưng gia sản rất nhiều. Thứ gọi là tín vật định ước cũng chỉ là lời bịa đặt của mẹ chồng, chàng vốn dĩ không biết gì cả.

Việc này cũng không thể trách mẫu thân chàng được, nói gì Ngô gia cũng là danh môn, tuy chưa so được với quý tộc trong kinh thành song vẫn hơn hẳn nhà chàng rất nhiều. Huống hồ Ngô gia còn có quan hệ thông gia với Tần Xuyên, dù là đại gia tộc như Trường Ninh thì cũng dễ bị nàng dâu đè đầu, nên đương nhiên phải tạo hình thức để lên mặt trước. Chớ nói là mẫu thân chàng, cả chàng khi biết mình sẽ kết hôn với Ngô gia Du Châu thì trong lòng cũng rất lo lắng.

Tuy chàng đạt được thành tựu trong việc học nhưng bình thường sinh hoạt rất đơn giản tiết kiệm, từ sau khi nhập học, quy định ăn ở rất nhiều. Đêm thành hôn, mở tủ ra, biết bao nhiêu món đồ chất đống, có rất nhiều thứ chàng không biết dùng để làm gì, vì sợ mất mặt trước nhà ta nên chàng cứ im lặng, mặc ta giày vò. Mãi về sau này khi đã có công danh, chàng mới cảm thấy tự tin mỗi khi về nhà. Nhưng bỗng ta và mẹ chồng lại muốn nạp thiếp cho chàng, khi ấy chàng nghĩ, có lẽ là ta không muốn ra ngoài chịu khổ với chàng, hoặc là nhìn thấu lớp vỏ ngụy trang bên ngoài của chàng, xem thường chàng, nên vừa sinh con trai đã sai nha đầu đến hầu hạ mình.

Sau đó bọn ta đến kinh thành, gặp Lý Sở, Lý Sở lạnh nhạt với chàng càng khiến chàng cảm thấy chán nản.

Ta mới nói với chàng, chàng trách oan Lý Sở rồi, Lý Sở có thái độ như thế hoàn toàn là vì nghe nói Tiểu Thất vốn được gả cho chàng làm thiếp.

Chàng ngạc nhiên, nói chuyện này cũng chỉ có mẫu thân chàng mới tin, tổ mẫu của ta không phải là người ngốc, gả ta cho chàng đã là đang đánh cược rồi, sao có thể lại đưa một cô cháu gái trong họ nữa đến làm thiếp? Chuyện này cũng chỉ có thể xảy ra với người như Trường Đình hay Lý Sở. bởi vì bọn họ còn có thân phận bối cảnh.

Ta nghĩ, hình như chàng nói cũng có lý.

Mọi thứ bỗng trở nên sáng tỏ, thì ra cả hai chúng ta đều đang đứng ở góc độ của mình mà tự xem thường bản thân…

Rất rất lâu về sau, ta vẫn chưa nói cho chàng biết rằng từ năm mười tuổi mình đã thích chàng, mà chỉ nói với chàng: Chàng hiểu lầm thiếp, thiếp cũng hiểu lầm chàng, chúng ta coi như hòa nhau?

Từ đó trở đi, ta là Ngô Thiếu Quân, chàng là Mạc Trường Mạnh, hai ta trở thành chính mình.

Ta thích rầy la thói xấu của chàng, ví dụ như đi ngoài về, còn chưa thay quần áo đã ngồi ngay xuống giường.

Chàng cũng không tán thành thói quen ngủ phải chia chăn đệm của ta, trước khi ngủ luôn lén nhét phần “thừa” vào tủ.

Về phần chàng và Lý Sở, không có chuyện vì hóa giải hiểu lầm mà trở nên gần gũi, mà trái lại còn bắt đầu thời kỳ cãi nhau của họ.

Mãi đến ngày Tịch Ngôn và Hiên Nhi thành hôn, hai người vẫn còn cãi nhau năm đó là ai đúng ai sai.

Bản dịch được đăng duy nhất ở Bạch Ngọc Sách VIP-Reader!