[Dịch] Hệ Thống Trung Y

/

Chương 393: Đại Kết Cục!

Chương 393: Đại Kết Cục!

[Dịch] Hệ Thống Trung Y

Ức Ốc Ngư

12.770 chữ

28-11-2023

Mùa thu năm 2077.

Khu chung cư Nguyệt Linh Thượng Uyển.

“Reng reng reng…”

Hứa Văn Diệu với tay tắt chuông đồng hồ báo thức trên điện thoại di động, trong lòng có chút khó hiểu.

Phải biết rằng đã mấy chục năm qua, ông ấy vốn không hề đặt chuông báo thức, mỗi ngày đều quen thức giấc và nghỉ ngơi theo đồng hồ sinh học của cơ thể mình rồi.

Mỗi sáng cứ 5 giờ là mở mắt, tập một bài Thái Cực Quyền do thầy của mình dạy, sau đó đi tắm và vào bếp, thưởng thức bữa sáng nóng hổi do bà xã tự tay nấu, dù chỉ đơn giản là một chén cháo trắng ăn kèm với củ cải muối, trứng vịt Bắc Thảo, cá khô... kèm một ly sữa đậu nành, cũng đủ làm ông ấy thỏa mãn vô cùng rồi.

Buổi sáng mà, không nên ăn món gì quá mức đậm vị.

Trong lúc dùng bữa, ông ấy cũng có thể hỏi han con cái mình vài câu và trêu đùa với mấy đứa cháu nhỏ.

Đinh Đinh và Đang Đang nhà ông ấy rất đáng yêu, sang năm chúng nó sẽ tròn 6 tuổi, bắt đầu vào lớp một, cũng bắt đầu tiếp xúc với trung y.

Trong khi cô bé Đinh Đinh tỏ ra rất hứng thú với những huyệt vị trên cơ thể người thì cậu bé Đang Đang lại bị cuốn hút bởi những con số.

Đương nhiên, ông ấy luôn chú trọng đến sở thích của mấy đứa nhỏ, nếu không đặc biệt say mê trung y, chúng nó hoàn toàn có thể theo đuổi ước mơ của chính mình, chỉ cần biết một chút kiến thức cơ bản để bảo vệ thân thể là được.

Cũng giống như con trai ông ấy vậy. Lúc nhỏ, thanh niên Hứa Văn Cường này cũng không quá ham mê trung y, nhưng ngược lại, nhóc con ấy vô cùng yêu thích các loại dược liệu, và có năng khiếu về ươm trồng, chăm sóc.

Hứa Văn Diệu rất ủng hộ hướng đi này của con trai, bởi vậy sau khi tốt nghiệp đại học, Hứa Văn Cường đã quay lại quê hương, cũng chính là phủ Giang Hạ này, tiếp nối truyền thống từ mấy chục năm về trước, đó là phát triển phủ Giang Hạ trở thành thủ phủ của trung y và thuốc Đông y.

Nhắc đến chuyện này, Hứa Văn Diệu lại nhớ đến giai đoạn đầu khi ông ấy bắt đầu tiếp xúc với trung y.

Ông ấy có may mắn khi được tiếp xúc với trung y ngay trong quá trình môn học vấn này bắt đầu chuyển mình, và một trong số những người có cống hiến rất lớn cho công cuộc chuyển mình ngoạn mục của trung y chính là thầy của ông, Trần Khánh.

Đúng rồi!

Hôm nay chính là ngày sinh nhật của thầy!

Phải nói là cỡ vài năm trở lại đây, trí nhớ của Hứa Văn Diệu có chút suy giảm. Nói cho cùng, ông ấy cũng bước vào giai đoạn lão niên rồi, trí nhớ suy giảm một chút cũng là chuyện thường tình.

Bởi vậy ông ấy dứt khoát đặt chế độ thông báo đối với những ngày kỉ niệm quan trọng trên điện thoại mình, nhờ nó nhắc nhở.

Cũng may, nó vẫn luôn làm tốt nhiệm vụ của mình, một ngày quan trọng như sinh nhật của thầy, ông ấy tuyệt đối không quên được.

Trên thực tế, thầy cũng chẳng có nhu cầu gì cao sang.

Với một vị danh y nổi tiếng cả nước như thầy, còn chuyện gì mà thầy chưa từng trải qua nữa?

Nhưng cũng chính vì ngồi ở địa vị cao như thế, lại thêm tính cách vốn không ưa nơi náo nhiệt đông đúc, thầy càng cần có người tri âm tri kỷ ở bên cạnh hơn.

Mấy năm trước, ông ấy vẫn một mực ở bên cạnh thầy, nhưng tới khi được bổ nhiệm làm viện trưởng trung y viện Giang Hạ, công việc cứ cuốn lấy ông ấy, lại thêm hai đứa nhỏ Đinh Đinh, Đang Đang ra đời…

Thầy chính là người đã lên tiếng khuyên nhủ ông ấy nên dành nhiều thời gian cho gia đình mình hơn.

Thầy vẫn luôn tinh tế và hiểu rõ lòng người như vậy…

Nhưng cũng chính vì luôn suy nghĩ cho người khác, tới cuối cùng, thầy vẫn không chịu lập gia đình.

Theo thầy nói, thầy muốn cống hiến hết mình cho trung y, cho tương lai của trung y ở Giang Hạ nói riêng và ở Hoa Hạ nói chung.

Thầy và Triệu lão, tuy không phải cháu trai và ông nội, nhưng lại giống nhau như đúc.

Mãi về sau này, trong ngày giỗ đầu của Triệu lão, thầy mới kể cho ông ấy nghe, chính vì Triệu lão quá mức đam mê nghiên cứu, lại cực kỳ thẳng thắn, không sợ cường quyền mới khiến cho vợ của Triệu lão bỏ đi. Bà ấy không muốn sống một cuộc đời nghèo khổ như thế.

Đó âu cũng là nỗi bi ai của những con người thời trước, vẫn một mực cống hiến quên mình, miệt mài giữ lửa cho trung y…

Bọn họ đã hy sinh quá nhiều rồi!

May mắn thay, trung y vẫn còn bọn họ, còn những con người như Quách lão, như Triệu lão… dù gặp khó khăn vẫn kiên định vững bước tiến lên.

Lại có những con người như Hồ Phỉ, viện trưởng Khổng… dù trung y đã rơi vào giai đoạn nguy cơ, bọn họ vẫn quyết tâm theo học, để truyền thừa không đứt đoạn, để giữ lấy gốc rễ, cho một ngày sau cây lớn nở hoa.

Và hơn hết, trung y lại có những thế hệ giỏi giang, sáng tạo như thầy, như những vị giáo viên đời đầu tham gia vào công cuộc cải cách, đưa trung y vào trung tiểu học kia.

Đương nhiên, đó chỉ là những gương mặt tiêu biểu trong trung y thôi, ngoài kia vẫn còn những con người khác, với tầm nhìn chiến lược, đã quyết tâm tạo điều kiện cho trung y khởi sắc, chấn hưng.

Để những thế hệ bác sĩ trung y sau này, như ông ấy, được bước trên con đường dễ dàng hơn, được thỏa thích sống với đam mê của chính mình, cũng như mang những gì mình học được đi ra giúp đời, giúp người, làm trọn vai trò của một vị “lương y như từ mẫu” mà không phải lo lắng đến những áp lực trong cuộc sống hàng ngày.

Chuyện cũ không nói, hiện tại là 5 giờ, chờ tới 6 giờ, ông ấy sẽ gọi điện hẹn người thầy bận rộn Trần Khánh kia, nhất định phải lên kế hoạch cho thầy một ngày sinh nhật vui vẻ mới được.

Cùng lúc đó, tại khu chung cư Chương Hoa Hoa Viên.

Trần Khánh vừa tỉnh giấc theo thói quen, ông bắt đầu luyện Thái Cực Quyền như thường lệ, sau đó, tắm rửa và rảo bước ra tiệm đồ ăn sáng bên ngoài khu chung cư, dùng bữa nhẹ nhàng, cuối cùng là trở về nhà, xem tin tức và đọc Hoàng Đế Nội Kinh.

Cả đời ông vẫn luôn bình lặng như vậy.

Vài năm trở lại đây, ông đã không còn tọa chẩn và dạy học nữa, dù thân thể vẫn còn khỏe mạnh nhưng nói gì thì nói, tọa chẩn và dạy học cũng hao phí rất nhiều tinh thần sức lực, không thích hợp với một cụ ông ngót nghét 80 như ông.

Nhớ lại ngày đó, sau một ngày làm việc dài, ông và nhóm ngũ tạng đã cãi nhau tơi bời một trận. Tâm hỏa khăng khăng ép ông phải từ bỏ công việc, đã đến lúc để ông và chúng nó được nghỉ ngơi an hưởng tuổi già rồi.

Tứ tạng còn lại cũng nhất trí với tâm hỏa, chúng nó nói, chúng nó đã cống hiến cả đời, tới lúc nên “hưởng thụ” một phen.

Chẳng biết ở cái tuổi này rồi, chúng nó còn muốn “hưởng thụ” cái gì nữa chứ?

Nhưng thôi, ông ấy cũng chiều theo ý của chúng nó.

Vì vậy trong mấy năm vừa rồi, ông ấy đã quyết định dành toàn bộ thời gian để đi du lịch, một chuyện mà mấy chục năm vừa qua, ông ấy chưa từng làm.

Ngày hôm qua, Trần Khánh vừa trở lại Giang Hạ sau chuyến du lịch tới Tây Tạng, miền thảo nguyên trù phú, hoang sơ với những lễ hội đặc sắc vào tháng 8.

Đứng giữa khung cảnh hùng vĩ ấy, Trần Khánh chợt có cảm giác mình như một đứa trẻ đứng giữa thiên địa bao la, trong lòng không khỏi thổn thức.

Hồi ức đến đây, Trần Khánh lại theo thói quen, mở giao diện thuộc tính của mình ra quan sát.

【 ký chủ: Trần Khánh 】

【 biện chứng: 999.999.999/999.999.999 (Không Tiền Tuyệt Hậu) 】

【 tứ chẩn: Vọng chẩn 999.999.999/999.999.999 (Không Tiền Tuyệt Hậu)

Văn chẩn 999.999.999/999.999.999 (Không Tiền Tuyệt Hậu)

Vấn chẩn 999.999.999/999.999.999 (Không Tiền Tuyệt Hậu)

Thiết chẩn 999.999.999/999.999.999 (Không Tiền Tuyệt Hậu) 】

【 đơn thuốc: 999.999.999/999.999.999 (Không Tiền Tuyệt Hậu) 】

【 châm cứu: Châm thứ 999.999.999/999.999.999 (Không Tiền Tuyệt Hậu)

Ngải cứu 999.999.999/999.999.999 (Không Tiền Tuyệt Hậu) 】

【 nắn xương: 999.999.999/999.999.999 (Không Tiền Tuyệt Hậu) 】

【 xoa bóp bấm huyệt: 999.999.999/999.999.999 (Không Tiền Tuyệt Hậu) 】

【 Chúc Do Thuật: 999.999.999/999.999.999 (Không Tiền Tuyệt Hậu) 】

【 kỹ năng: Linh Thức, Đắc Khí, Thần, Quy Nhất, Quan Châm Hai Mươi Sáu Thứ, Thiêu Sơn Hỏa, Thấu Thiên Lương, tề châm: Chân Vũ, Thanh Long, Chu Tước, Bạch Hổ, tăng dương, sinh âm, Châm Tê, Diện Châm, Điện Châm, Đầu Châm, Nhĩ Châm, Thủ Châm, Túc Châm, Xích Y Châm… 】

【Thành tựu cống hiến: 999.999/999.999 】

【 y điểm: 999999 (mỗi 0.1 y điểm có thể tăng lên 10 điểm thuộc tính) 】

Lại nói, sau khi những hạng mục thuộc tính của ông ấy đều thăng lên tới 999.999.999 điểm, đạt thành tựu Không Tiền Tuyệt Hậu, chúng vẫn một mực dậm chân tại chỗ, không thể gia tăng được nữa, ngược lại còn có thêm một hạng mục mới, tên là thành tựu cống hiến.

Cũng chẳng biết hạng mục này nâng điểm kiểu gì bởi vì bên cạnh nó không hề có dấu “+”, chỉ thấy thi thoảng, khi ông ấy chữa khỏi một ca bệnh cực nặng, hoặc cứu chữa cho một bệnh nhân gặp vấn đề vô cùng nghiêm trọng, hay học trò của ông ấy được phong tặng giải thưởng, có nghiên cứu mới mẻ được quốc gia công nhận… nó mới nhảy lên một điểm.

Mấy chục năm nay, cuối cùng nó cũng lên tới con số 999.999/999.999.

Nói thật, với trình độ hiện tại của Trần Khánh, ông ấy cũng chẳng quá khát khao nâng cao thêm y thuật nữa, vì chừng này thôi đã đủ dùng rồi.

Đương nhiên, nếu nói “Đủ” thì nó vô cùng lắm, chẳng biết bao nhiêu là đủ.

Chỉ là, sau khóa thí điểm đầu tiên đưa trung y vào trung tiểu học đạt được thành công vượt ngoài mong đợi, đến hiện nay, trải qua hơn 50 năm cố gắng, trung y cũng dần dần trở thành kiến thức thường ngày trong đời sống của người dân rồi.

Mọi người khỏe mạnh hơn xưa, ít mắc bệnh hơn xưa, nếu gặp phải những ca bệnh nghiêm trọng một chút, cũng không đến nỗi ông ấy phải vận dụng toàn bộ sở học của mình.

Đúng, “Đủ” ở đây là theo nghĩa đó.

Bởi vậy, kể từ khi những hạng mục trong trung y dần chững lại, Trần Khánh đã chuyển qua nghiên cứu Huyền Môn Ngũ Thuật.

Tuy con đường này khá là khó đi, nhưng có mục tiêu, cứ đi dần là đến, phải không nào?

Kỳ thực, mấy chục năm qua chuyên tâm nghiên cứu Huyền Môn Ngũ Thuật, Trần Khánh đã đoán trước được vận mệnh của bản thân sắp kết thúc rồi.

Nhưng có một điều ông ấy không thể hiểu được, bởi vì rõ ràng thân thể của ông vẫn vô cùng khỏe mạnh, tinh thần của ông ấy cũng cực kỳ minh mẫn, vì sao lại nói vận mệnh sắp tuyệt chứ?

Nhìn ông ấy có giống một người chuẩn bị từ giã cõi đời hay không?

Có điều, con người có giỏi tới cỡ nào cũng không tránh khỏi mệnh trời.

Đây cũng là lý do ông ấy dứt khoát quay trở lại nơi này, đến thăm những người thân thiết một lần cuối, ra mộ phần bái tế cha mẹ, Triệu lão, Quách lão… những bậc bề trên của mình một lần cuối, thăm lại những nơi mình từng sinh sống một lần cuối.

Về Hán Y Đường, hiện tại Hán Y Đường đang được Hứa Văn Cường, con trai của Hứa Văn Diệu quản lý. Nhóc con này không am hiểu quá nhiều về trung y, nhưng lại hiểu biết cực sâu về dược liệu. Có cậu thanh niên này quản lý, các bác sĩ trung y bên trong Hán Y Đường hoàn toàn có thể an tâm kê đơn, bốc thuốc, không còn gặp phải nỗi lo như cha của Trần Khánh ngày xưa.

Còn nhà hàng của mẹ Trần Khánh lại được giao vào tay con gái của Chu Dĩnh. Cô bé muốn nối nghiệp bà ngoại của mình, lại cực kỳ yêu thích những món ăn dược thiện, vừa khỏe người vừa ngon miệng.

Cả đời này, ông không lấy vợ, bởi vì quỹ thời gian của ông đã được trung y lấp đầy rồi.

Nhưng ông không cô đơn…

Được rồi, có đôi khi ông cũng thoáng cảm thấy một chút cô đơn, nhất là trong vài năm vừa rồi, khi Hứa Văn Diệu không thể đi theo ông nữa.

Tuy ông vẫn có người bên cạnh, Hứa Văn Diệu đã phái một đứa học trò của mình đi theo ông, vừa chú ý sức khỏe cho ông, vừa làm người bầu bạn, nhưng đương nhiên, ông và Hứa Văn Diệu đã đồng hành bên nhau mấy chục năm rồi, tình cảm thầy trò mà như cha con, đâu dễ gì thay thế được…

Thôi, một người sắp từ giã cõi đời này như ông, còn phải suy nghĩ nhiều làm gì nữa.

Đột nhiên…

“Reng reng reng…”

Là Hứa Văn Diệu.

Trần Khánh nhấc máy: “Có chuyện gì mà sáng sớm ngày ra đã gọi thầy vậy?”

Giọng nói đầy vui vẻ của Đinh Đinh, Đang Đang truyền đến từ đầu dây bên kia: “Chúc Trần gia gia sinh nhật vui vẻ! Trần gia gia ơi, hôm nay bà nội con có làm một chiếc bánh kem thật là to, muốn chúc mừng sinh nhật lần thứ 81 của Trần gia gia đó. Ông nội muốn nhắn Trần gia gia, để Trần gia gia ở nhà chờ một lát, ông nội sẽ qua đón Trần gia gia tới nhà chúng con. Trần gia gia đừng đi đâu nhé, chúng con rất nhớ Trần gia gia.”

Trần Khánh vui vẻ cười đáp: “Được Trần gia gia sẽ ở nhà chờ. Trần gia gia cũng nhớ các con.”

Đúng vậy, ông không cô đơn.

Lúc ấy, Hứa Văn Diệu mới cầm điện thoại nói: “Thầy, thầy đã ăn gì chưa? Chút con qua đón thầy sẽ mua điểm tâm luôn nhé.”

Ba mươi giây sau, giọng Hứa Văn Diệu có chút hốt hoảng: “Thầy ơi, thầy mau trả lời con đi. Thầy…”

Trong căn nhà ấm áp, tràn đầy ánh nắng, một vị lão nhân thảnh thơi ngồi trên ghế bành, với cuốn sách trung y đang úp trên ngực, bàn tay cầm điện thoại đặt xuôi xuống người, trên môi nở nụ cười hạnh phúc.

Ông ra đi cực kỳ yên bình.

Nhưng ngày hôm ấy, cả nước Hoa Hạ nhuốm màu u buồn.

Các đài truyền hình đều đưa thông báo về sự ra đi của vị danh y đại sư Trần Khánh, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho y học.

Một ngày cả nước buồn thương, mong vị lão nhân ngậm cười nơi chín suối.

(Vẫn còn một phiên ngoại nha!)

Bản dịch được đăng duy nhất ở Bạch Ngọc Sách VIP-Reader!