Đông A Mạn Lục

/

Chương 3 : Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

Chương 3 : Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

Đông A Mạn Lục

10.294 chữ

05-12-2022

Thế nhân đều biết Yên Sơn rất cao, nhưng cao như thế nào thì rất ít người biết, bởi phần lớn thời gian trong năm, đỉnh Yên Sơn luôn bị sương mù che phủ, trở thành tấm bình chướng thiên nhiên ngăn cách nơi đây với phần còn lại của thiên hạ.

Lúc này là chập choạng tối, mặt trời đã khuất dần phía bên kia sườn núi, từng ánh chiều tà rơi xuống màn sương mù của Yên sơn khiến cho không gian đỉnh núi giống như có hàng trăm, hàng ngàn đóa “liên hoa” nở rộ liên kết với nhau thành một dải lụa màu hồng cam khổng lồ vắt ngang giữa đất trời.

Trên con đường núi, Huyền Tuệ khoác áo cà sa, chân trần bước đi. Dáng người Huyền Tuệ cao lớn, cho dù là áo cà sa rộng thùng thình nhưng cũng không che lấp hết được thân hình lực lưỡng, cơ bắp rắn chắc vốn không nên xuất hiện ở một người đã ngoài năm mươi tuổi như lão.

Nói là đường lên núi, nhưng thực tế rất khó có thể coi nó là đường, thậm chí còn không thể coi nó là một lối mòn vì phía trước của lão không có lối mà là một mảnh rừng trúc mênh mông không biết điểm cuối ở nơi nào. Huyền Tuệ không để ý đến vô số cành trúc sắc nhọn cản trở phía trước, vẫn một mực bước đi nhưng nếu có cao thủ trong giang hồ ở nơi này nhất định sẽ nhận ra có một lồng nguyên khí vô hình bao quanh thân thể của Huyền Tuệ ngăn cản cành trúc chạm vào người lão tăng.

Rừng trúc dù rộng lớn nhưng cuối cùng cũng sẽ có điểm cuối. Lúc Huyền Tuệ đi ra khỏi rừng trúc, mặt trời đã khuất bóng bên kia dãy núi, nhưng sắc trời vẫn chưa tối hẳn, lão ngẩng đầu nhìn cảnh vật xung quanh một lượt, sau đó cất bước đi về phía con suối “Vô Thanh” phía trước mặt.

“Vô Thanh Tuyền” là một dòng suối nhỏ trên đỉnh Yên Sơn, nước suối trong vắt, cũng không quá sâu, có thể dễ dàng nhìn thấy vô số viên đá cuội muôn hình vạn trạng dưới đáy. Điểm khác biệt lớn nhất của con suối này này so với những con suối khác trong thiên hạ đó là không có tiếng nước chảy. Dường như không gian xung quanh “Vô Thanh Tuyền” tồn tại một loại sức mạnh kì dị nào đó ngăn cách thanh âm của nước chảy; có lẽ chính vì vậy mà dòng suối này được coi là ranh giới tự nhiên phân tách đỉnh núi với chân núi của Yên Sơn; bước qua “Vô Thanh Tuyền” mới có thể coi là thực sự đi tới Yên Sơn, thánh địa Phật gia của thiên hạ.

Vô Thanh Tuyền cách rừng trúc khoảng hơn trăm thước, Huyền Tuệ rất nhanh đã bước tới bên bờ suối, lão tăng không đi tiếp mà nhìn về phía một tảng đá lớn dài khoảng hai thước nổi lên giữa dòng nước, cúi người, tay niệm Phật hiệu, nhẹ giọng nói.

- Sư huynh!

Phía trên tảng đá lớn, có một tăng nhân đang đứng. Tăng nhân nhìn khá trẻ, dáng người cao gầy, khuôn mặt tuấn tú lạ thường, mặc một bộ tăng bào màu nâu làm từ loại vải thô, là loại vải bình dân thường được người lao động phổ thông sử dụng. Tăng nhân trầm ngâm nhìn về phía Huyền Tuệ, trong đôi mắt trong vắt không một chút vẩn đục toát lên vẻ bi ai, không đành lòng. Không biết qua bao lâu, hắn rốt cuộc từ bên trong bi ai tỉnh lại, thở dài đáp.

- Sư đệ!

Tăng nhân mặc tăng bào vải thô rõ ràng ít tuổi hơn Huyền Tuệ rất nhiều, nhưng những biểu lộ của hắn lại như một trưởng bối đối xử với vãn bối khiến cho cảnh tượng trên “Vô Thanh Tuyền” lúc này có phần kì lạ. Càng khác thường là Huyền Tuệ đối với việc này không có bất kì dị nghị gì, lão do dự một chút, rốt cuộc nói.

- Sư huynh! Sư đệ muốn thỉnh an sư phụ!

- Việc của sư đệ, sự phụ đã biết! Sư phụ biết sư đệ sẽ tới, để ta đợi ở nơi này. - Pháp Loa chắp tay trước ngực, nói tiếp. - Người để ta chuyển lời của người: “Phật không tại chùa, Phật tại tâm. Nếu trong tâm không Phật, dù tu tại linh sơn cũng vô pháp thành chính quả, nếu trong tâm có Phật, dù hồng trần cũng hóa linh sơn.”

Huyền Tuệ nghe xong câu nói kia của Pháp Loa, cúi đầu nhìn dòng nước của Vô Thanh Tuyền, trầm tư không nói.

Pháp Loa cũng không làm phiền đến Huyền Tuệ, hắn đứng thẳng trên tảng đá, phần vạt áo của tăng bào bay phất phơ trong gió núi, cả người toát ra một loại khí chất thanh khiết, xuất trần, không thuộc về nhân gian này.

Màn đêm lặng lẽ bao trùm lên cảnh vật Yên sơn từ bao giờ.

Ở nơi hai người đang đứng, gió núi vẫn một mực thổi qua vách đá nhưng có lúc lớn, lúc nhỏ; nước của Vô Thanh Tuyền vẫn một mực chảy, có điều lúc cuồn cuộn, lúc êm đềm. Duy chỉ có thân ảnh hai người vẫn cứ lặng lặng đứng đó, mặc gió thổi, mặc nước chảy, giống như hai pho tượng sừng sững giữa đất trời.

Một đêm cứ như vậy trôi qua, giống với cái cách nó bắt đầu, lặng yên không dấu vết. Khi những tia nắng đầu tiên của ngày mới chiếu qua màn sương sớm phía trên mặt nước Vô Thanh Tuyền, tạo thành từng đạo cầu vồng tựa như một cây cầu khổng lồ nối mặt đất với trời cao. Đứng trước thiên địa vạn vật, con người vẫn luôn lộ ra nhỏ bé vô ngần, ngay cả những người người tinh thông Phật Pháp, võ công thông huyền như Pháp Loa hay Huyền Tuệ cũng không phải ngoại lệ.

Không biết là do thiên địa kì cảnh tác động hay do bản thân Huyền Tuệ qua một đêm đã suy nghĩ thông suốt, lão tăng đưa tầm mắt nhìn về hướng cao nhất của đỉnh Yên sơn, rồi đột ngột quỳ xuống, dập đầu ba lần sau đó cởi tấm áo cà sa để lộ ra nửa trên thân người rắn chắc.

Trên núi không năm tháng, cảnh vật trên Yên sơn không vì ba cái dập đầu của Huyền Tuệ mà thay đổi điều gì. Lão tăng đứng dậy, nhìn về phía Pháp Loa, mỉm cười, nói.

- Sư huynh! Lần này đệ xuống núi, không biết khi nào mới có thể trở lại Yên sơn, hoặc có lẽ không còn cơ hội để trở về nữa. Việc chăm sóc sư phụ, chỉ có thể dựa vào sư huynh giúp ta rồi.

- Sư đệ cứ yên tâm, ta nhất định sẽ chăm sóc tốt sư phụ. - Pháp Loa nhìn vị Huyền Tuệ, nhẹ giọng đáp.

- Sư huynh! Cáo từ! - Huyền Tuệ nhìn vị sư huynh mới đến mới đến Yên sơn tu hành năm trước nhưng Phật pháp thông huyền, đã trở thành sư huynh của mình, chắp tay trước ngực, khom người cung kính hành lễ, sau đó quay người bước xuống núi.

Sư đệ! - Pháp Loa nhìn bóng lưng Huyền Tuệ đi xuống núi, mắt thấy thân ảnh người kia nhỏ dần, sắp phải biến mất, hắn đột nhiên mở miệng, nói.

- Sư huynh có điều gì dặn dò? - Giọng nói của Pháp Loa không lớn, nhưng ẩn chứa một loại Phật âm vô hình khiến cho dù Huyền Tuệ đứng cách mấy chục thước vẫn có thể nghe rất rõ, lão quay đầu nhìn Pháp Loa, đáp lời.

- Sư đệ! - Pháp Loa chắp tay niệm Phật hiệu, mấp máy miệng. - Bảo trọng!

Huyền Tuệ trầm mặc một hồi lâu, rốt cuộc không nói gì, lão khom người hành lễ với Pháp Loa một lần nữa, sau đó xoay người xuống núi.

….

Nơi cao nhất của đỉnh Yên Sơn mọc lên một mảnh “trúc lâm”, khác với rừng trúc ở phía dưới núi, trúc ở đỉnh Yên Sơn đều là “Tử Yên trúc”, là một loại trúc quý chỉ mọc duy nhất ở nơi này, trưởng thành cao khoảng hai trượng, thân cây có màu tím, óng ánh như ngọc, cứng rắn hơn trúc xanh bình thường rất nhiều lần. Ở giữa của rừng trúc là một cái hồ nước lớn, đường kính khoảng mấy dặm, nếu có người từ trên cao nhìn xuống sẽ phát hiện hồ nước này có hình dạng giống một đóa hoa sen đang nở. Nước trong hồ trong vắt, phẳng lặng như một tấm gương có thể nhìn rõ từng đám mây phiêu đãng trên bầu trời. Ở trung tâm của hồ, nổi lên trên mặt nước một mỏm đá đường kính khoảng mười thước, trên mỏm đá tọa lạc một ngôi Phật tự bằng gỗ.

Khoảng cách từ Vô Thanh Tuyền đến đỉnh núi không quá xa, Pháp Loa không mất bao lâu đã đi tới bên bờ của hồ nước. Từ bờ hồ đến Phật tự giữa hồ không có bất kì một cây cầu, hay con thuyền nào, quả thật là một ốc đảo cô độc, biệt lập với thế giới xung quanh. Hắn đứng bên bờ hồ, không có sốt ruột tìm cách đi đến Phật tự giữa hồ mà nhắm mắt giống như muốn cảm nhận điều gì đó. Đứng lúc này, một cơn gió từ sâu bên trong rừng trúc thổi tới, cuốn từng chiếc lá trên những cây trúc ven bờ bay xuống hồ. Pháp Loa đột nhiên mở mắt, thân hình hắn khẽ động, cả người lướt nhẹ giữa không trung, bàn chân giẫm trên một chiếc lá trúc đang bay giữa không trung, sau đó cứ như vậy giẫm lên từng chiếc lá trúc đi về phía trước. Nhưng dù là gió lớn thổi cũng chỉ có có thể đưa lá trúc bay đến được một phần ba quãng đường đến giữa hồ. Ngay khi mắt thấy phía trước đã không còn lá trúc rơi nữa, Pháp Loa xoay người, tay phải phất nhẹ, một luồng chân khí từ trong ống tay áo của tăng bào phóng ra cuốn lấy một đám lá trúc mới từ trên bờ được gió thổi tới, sau đó hắn quay lại, phất tay đem đống lá trúc kia vung về phía trước, chậm rãi bước đi.

Phật tự giữa hồ khá nhỏ, ẩn hiện trong mây, so với Quỳnh Lâm tự nơi Huyền Tuệ tu hành thậm chí còn nhỏ hơn, phía trước cửa tự treo một tấm biển gỗ khắc ba chữ “Ngọa Vân am”.

- Đệ tử Pháp Loa bái kiến sư phụ! - Pháp Loa đặt chân lên trên mỏm đá, liền bước tới phía trước cánh cửa đang đóng kín của “Ngọa Vân am”, khom người hành lễ, nói. - Sư phụ! Sư đệ Huyền Tuệ ngộ tính hiếm thấy, vốn là đệ tử mà người đặt nhiều kì vọng, sao sự phụ không giữ sư đệ lại?

- A Di Đà Phật! Đó là Kiếp của sư đệ ngươi, ai cũng không thay đổi được! - Ngọa Vân am sở dĩ gọi là “Ngọa Vân” vì nó luôn luôn ẩn mình trong mây trắng, phần lớn thời gian ngôi Phật tự này cũng giống mây trắng trên đỉnh Yên sơn: cô độc mà tịch mịch. Không biết qua bao lâu, trong am truyền ra giọng nói của Điều Ngự Giác Hoàng.

- Huống chi: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,

Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.”

Đã như vậy, hà tất phải cưỡng cầu!

- Sư phụ dạy phải, là đệ tử tâm không đủ tịnh! - Pháp Loa trầm ngâm suy nghĩ câu nói kia của sự phụ, giống như có điều hiểu ra, chắp tay trước ngực, cung kính đáp.

- Pháp Loa, ta có thể cảm nhận thời gian ta tại cõi trần này không còn nhiều nữa. Một năm sau, trước khi ta đi, ta sẽ truyền y bát và tâm kệ cho con, để con trở thành vị tổ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm. - Trong Ngọa Vân am truyền tới tiếng nói của Điều Ngự.

- Sư phụ muốn đi? - Pháp Loa tinh tu Phật pháp đã sớm nhìn tới sinh tử, khổ đau trong trần thế, chỉ có điều nghe lời kia của sư phụ, vẫn không tránh khỏi phiền muộn.

- Tất cả pháp chẳng sanh,

Tất cả pháp chẳng diệt,

Nếu hay hiểu như thế,

Chư Phật thường hiện tiền.

Nào có đến đi gì? - Điều Ngự cười đáp.

Không gian trên đỉnh Yên Sơn một lần nữa chìm vào trong tịch mịch. Trên bầu trời mây trắng lững lờ trôi, như hàng ngàn năm qua nó vẫn vậy, không vì con người trần thế buồn đau mà thay đổi.

Bản dịch được đăng duy nhất ở Bạch Ngọc Sách VIP-Reader!