[Dịch] Thập niên 70: Đoán Mệnh Sư

/

Chương 300: Phá giải lời nguyền

Chương 300: Phá giải lời nguyền

[Dịch] Thập niên 70: Đoán Mệnh Sư

Tuý Cai Ngoạn Tử

10.289 chữ

02-09-2023

Tiếu Thành Anh dẫn Văn Trạch Tài, Triệu Đại Phi và Tần Dũng lên phòng thờ ở lầu ba. Tại đây đặt bài vị tổ tiên Tiếu gia và ông bà Tiếu, cũng tức là cha mẹ nuôi của Tiếu Thành Anh.

Văn Trạch Tài bảo Tiếu Thành Anh nằm xuống đất, Triệu Đại Phi giúp anh ta xắn ống quần lên, còn Tần Dũng nhanh nhẹn bày đồ đạc cần thiết lên bàn.

Lần này ngoài kim châm, mực chu sa, giấy hoàng cốt tương và hũ thuỷ tinh thì còn có thêm một cây chuỷ thủ cực kỳ sắc bén.

Văn Trạch Tài dùng kim châm lấy một giọt máu của Tiếu Thành Anh, nhỏ vào hũ thuỷ tinh có chứa máu Tiếu Nhạc Nhạc, lắc nhẹ vài cái rồi đổ tất cả vào mực chu sa, trộn đều.

Dùng hỗn hợp đó làm mực, lần lượt viết sanh thần bát tự của hai người họ lên hai tờ giấy hoàng cốt tương.

Cuối cùng, đặt một tờ trên đầu và một tờ dưới chân Tiếu Thành Anh.

Sắp xếp xong xuôi, Văn Trạch Tài căn dặn: “Giờ tiên sinh nằm yên ở đây, đúng mười hai giờ đêm, Triệu Đại Phi sẽ cầm gương đứng chiếu như tối hôm bữa.”

Nói rồi, tất cả kéo nhau ra ngoài, chỉ còn mình Tiếu Thành Anh ngây ngốc nằm dưới đất đợi tới giờ phá giải lời nguyền.

Khi Tiếu Nhạc Nhạc đi học về không thấy anh trai đầu liền lôi kéo Tiếu bá lại vặn hỏi: “Có phải anh cả lại tới Sở gia rồi phải không?”

Tiếu bá chớp chớp mắt: “Hai người họ là hôn phu hôn thê, đương nhiên phải dành nhiều thời gian ở bên nhau để vun đắp tình cảm chứ.”

Tiếu Nhạc Nhạc bặm môi, trên mặt tràn ngập thất vọng: “Thế khi nào anh ấy về?”

“Cái này thì tôi không rõ”, Tiếu bá đáp qua loa rồi vội vàng xuống bếp sai sử người hầu chuẩn bị dọn cơm tối.

Trên bàn cơm, Tiếu Nhạc Nhạc nhanh chóng lấy lại tinh thần, tranh thủ nhiều chuyện: “Văn đại sư, nghe nói đại sư có vợ rồi hả?”

Văn Trạch Tài từ tốn nuốt hết thức ăn sau đó mới ngẩng đầu đáp: “Đúng thế, tôi đã có vợ và mấy đứa con rồi.”

Tiểu Nhạc Nhạc bất ngờ, mở to đôi mắt tròn xoe đen láy nom rất sinh động và đáng yêu: “Trời đất, đại sư còn trẻ vậy mà đã có tận mấy đứa con rồi cơ á?”

Văn Trạch Tài gật đầu thay cho câu trả lời.

Tiếu Nhạc Nhạc lại hiếu kỳ hỏi tiếp: “Mà các vị cũng có thể kết hôn à?”

Văn Trạch Tài kiên nhẫn giải thích: “Đương nhiên có thể, chúng tôi không phải đạo sĩ cũng không phải hoà thượng. Chúng tôi là những người bình thường, chẳng qua biết xem bói đoán mệnh mà thôi, thế nên không ảnh hưởng tới việc kết hôn sinh con.”

“Ồ, hoá ra là vậy”, Tiếu Nhạc Nhạc hào hứng tiếp nhận tri thức mới và càng tò mò hơn nữa: “Thế vợ đại sư là người như thế nào?”

“Cô ấy là một người rất tốt, vô cùng tốt”, không nhắc thì thôi bỗng nhiên nhắc tới khiến Văn Trạch Tài nhớ vợ da diết. Anh lịch sự chào rồi đứng dậy đi ra vườn hoa, móc chiếc điện thoại cục gạch vẫn dắt bên túi, bấm số gọi về cho vợ.

Trước khi khởi hành đi thủ đô, Văn Trạch Tài đã liên hệ Mã Ái Hương mua thêm hai chiếc nữa, một để ở nhà cho vợ và một đưa cho Viên Vệ Quốc.

Thấy ánh mắt Văn đại sư đong đầy yêu thương khi nhắc tới vợ con, Tiếu Nhạc Nhạc không khỏi xuýt xoa hâm mộ: “Wow, không ngờ Văn đại sư lại thuộc tuýp đàn ông chung tình như vậy.”

Tần Dũng ngó lơ, chỉ có Triệu Đại Phi là nhiệt tình tiếp chuyện: “Đó là đương nhiên, sư phụ và sư mẫu tình cảm lắm, còn hơn cả vợ chồng tôi nhiều.”

Nghe thấy Triệu Đại Phi nhắc tới bà xã, Tiếu Nhạc Nhạc lập tức chuyển dời mục tiêu, ồn ảo hỏi đông hỏi tây.

Triệu Đại Phi thì chưa bao giờ chán việc khoe vợ, cậu có thể khoe ba ngày ba đêm cũng không hết những ưu điểm của vợ yêu nhà mình. Tất nhiên, cậu không ngốc nghếch tới độ kể tồng tộc mọi chuyện. Cái gì hay ho đẹp đẽ mới khoe thôi, còn cái nào không nên nói thì tuyệt đối giữ kín như bưng.

Ngoài sân, Văn Trạch Tài đang đắm chìm trong cuộc gọi đường dài.

Sau mấy lời hỏi thăm tình hình sức khoẻ cũng như công việc của anh ở trên đó, Điền Tú Phương thông báo Hiểu Hiểu và Thiên Nam khoẻ, mình với em bé trong bụng cũng rất ổn nhưng Tiểu Thảo thì đang bị ốm.

“Con bé phát sốt, tối qua quấy khóc suốt. Hôm nay em với mẹ nó phải ẵm vào bệnh viện. Mới vừa truyền xong chai nước biển, giờ đang chuẩn bị về đây.”

Vừa nghe thấy vậy, Văn Trạch Tài vội vã kêu Triệu Đại Phi ra, đưa máy cho nó nói chuyện với Vân Hồng.

Biết tin con bệnh, lòng Triệu Đại Phi như lửa đốt. Vừa cúp điện thoại một cái là gấp gáp hỏi ngay: “Khi nào chúng ta quay về hở sư phụ?”

Kiếm tiền tuy rằng quan trọng nhưng con cái vẫn phải là ưu tiên hàng đầu.

Không cần suy nghĩ, Văn Trạch Tài lập tức đưa ra quyết định: “Nếu tối nay thành công thì sáng mai chúng ta lập tức mua vé về.”

Triệu Đại Phi đồng tình ngay, lật đật nối máy thông báo lịch trình cho vợ rồi lo lắng dặn dò hết chuyện nọ đến chuyện kia.

Văn Trạch Tài và Điền Tú Phương tâm lý, đưa luôn hai chiếc điện thoại cho hai đứa nó để có thể tuỳ lúc trao đổi và cập nhật tình hình sức khoẻ con gái.

Đồng hồ điểm đúng mười hai giờ đêm, Triệu Đại Phi ôm gương hứng ánh trăng rồi rọi lên hai chân Tiếu Thành Anh. Và cũng giống như hôm bữa, sau nửa giờ đồng hồ, máu thịt tan biến, hai chân anh ta chỉ còn lại hai khúc xương trắng loá.

Tần Dũng ngồi xổm xuống, ghì chặt hai chân Tiếu Thành Anh không cho nhúc nhích. Văn Trạch Tài cầm chuỷ thủ, mạnh mẽ rạch hai đường lên hai khúc xương, rồi dùng mực chu sa hoà máu viết chú thuật lên các vết cắt đó.

Suốt quá trình, Tiếu Thành Anh đau đến độ cả người run rẩy, mồ hôi lạnh vã ra như tắm, cảm giác không khác gì bị xử tử lăng trì (1).

Biết trước là rất đau nên Văn Trạch Tài đã chuẩn bị sẵn một chiếc khăn sạch, nhét vào miệng anh ta phòng trường hợp đau quá mất lý trí tự cắn đứt lưỡi.

Văn Trạch Tài chỉ đạo: “Nâng chân lên.”

Tần Dũng vội vã làm theo.

Văn Trạch Tài với lấy hai tờ giấy hoàng cốt tương ở trên đầu và dưới chân Tiếu Thành Anh, lần lượt bao kín hai dòng chú thuật.

Đợi tới khi đã bọc lại kỹ càng, Văn Trạch Tài ra hiệu cho Tần Dũng nâng Tiếu Thành Anh đang nửa tỉnh nửa mê dậy.

Tiếp theo, Văn Trạch Tài kê hũ thuỷ tinh tới bên miệng Tiếu Thành Anh, khẽ ra lệnh: “Phun.”

Tiếu Thành Anh nhất thời chưa kịp hiểu, nhưng khi Văn Trạch Tài rút chiếc khăn từ miệng anh ấy ra thì bỗng nhiên bụng cảm thấy nhộn nhạo, Tiếu Thành Anh gập người liên tiếp ộc ra hai bụm máu đen xì.

“Đặt nằm xuống”, Văn Trạch Tài nói rồi lấy cây bút lông chấm vào máu đen, quét đều lên bề mặt hai khúc xương.

Thẳng đến khi Tiếu Thành Anh sắp ngất xỉu, Văn Trạch Tài mới ngừng tay và ra lệnh cho Triệu Đại Phi: “Hạ gương được rồi.”

Triệu Đại Phi lập tức dựa tấm gương vào góc tường.

Không bị ánh trăng chiếu rọi, cơn đau cũng từ từ rút dần. Tiếu Thành Anh mở mắt, hổn hển điều chỉnh nhịp thở.

Trong khi ấy, tất cả mọi người đang chăm chú theo dõi quá trình biến hoá của đôi chân anh ta. Từ đầu gối, máu thịt bắt đầu mọc ra, dần dần phủ xuống tới gót chân. Khoảng tầm nửa giờ đồng hồ, đôi chân Tiếu Thành Anh lại trở về trạng thái bình thường nguyên vẹn.

Hai tờ giấy hoàng cốt tương phai màu, chuyển thành giấy trắng tinh. Văn Trạch Tài gỡ chúng xuống, xé vụn rồi vỗ vỗ kiểm tra từ đầu gối xuống cẳng chân Tiếu Thành Anh, vừa vỗ vừa hỏi: “Có cảm giác gì không?”

Tiếu Thành Anh suy yếu lắc đầu: “Không có.”

Văn Trạch Tài mỉm cười thông báo: “Lời nguyền đã được giải, Tiếu Nhạc Nhạc chính là hậu nhân của gia tộc Tư Mã.”

Câu trước khiến Tiếu Thành Anh vô cùng sung sướng nhưng câu sau đã kéo tụt mọi cảm xúc, mây mù phức tạp che kín gương mặt anh ta.

Nhìn bộ dạng ấy, đến Triệu Đại Phi cũng nổi lòng thương cảm: “Tiếu tiên sinh, hay là ăn chút gì đó rồi nghỉ ngơi trước đã, có gì để từ từ nghĩ.”

Sống ở đây vài ngày, Triệu Đại Phi cũng nhìn ra tình cảm yêu thương mà Tiếu Thành Anh dành cho Tiếu Nhạc Nhạc, có thể nói là cưng chiều chẳng khác gì em gái ruột. Nhưng bây giờ lại phát hiện cô em gái có liên quan tới việc mình bị nguyền rủa. Một sự thật phũ phàng như vậy, bất kỳ ai cũng không thể chấp nhận nổi chứ không riêng gì Tiếu Thành Anh.

Lời nguyền mới vừa được giải nên Tiếu Thành Anh hãn còn rất yếu, tay chân dường như mất hết sức lực, cả người mềm oặt như cọng bún. Tần Dũng bèn cõng anh ta lên phòng ngủ ở lầu hai. Sau đó kêu Tiếu bá chuẩn bị đồ ăn bưng lên phòng cho anh ấy.

Xong xuôi, mọi người ai về phòng nấy, không quấy rầy Tiếu Thành Anh nghỉ ngơi.

Sáng sớm hôm sau, khi mặt trời vừa ló dạng chào ngày mới, Tiếu Thành Anh đã khoan khoái tỉnh giấc. Cứ nghĩ đêm qua sẽ mất ngủ nào ngờ cơm nước xong, vừa đặt lưng xuống giường là anh lịm đi lúc nào chẳng hay.

Nhưng cứ nghĩ tới Tiếu Nhạc Nhạc là Tiếu Thành Anh lại cảm thấy mệt đầu. Việc đã tới nước này, dù cho thủ phạm hại anh có phải là người nhà của con bé hay không thì tình cảm của anh đối với nó cũng không thể thuần tuý như trước nữa.

Cân nhắc suốt một buổi sáng, cuối cùng Tiếu Thành Anh quyết định tạm thời dừng việc học bổ túc của Tiếu Nhạc Nhạc.

“Tại sao em phải nghỉ?” Tiếu Nhạc Nhạc cơ hồ nổi đoá lên, đánh đổ chén cháo đang ăn dở, quắc mắt nạt nộ, “tự nhiên tối qua anh đi cả đêm không về xong sáng nay bắt em nghỉ học là sao? Có phải người phụ nữ họ Sở kia đã thủ thỉ cái gì vào tai anh đúng không?”

Tiếu Thành Anh muối mặt, chỉ biết cười chữa ngượng. Cũng may ba người Văn Trạch Tài biết ý, lùa nhanh cho xong bữa cơm rồi viện cớ ra vườn hoa đi dạo.

Đợi khách rời khỏi phòng ăn, Tiếu Thành Anh mới nghiêm túc nói: “Nhạc Nhạc, em đừng có chuyện gì cũng đổ lên đầu Thanh Thanh. Việc này là ý của anh, tạm thời em cứ tạm nghỉ đi, anh sẽ mời gia sư tới nhà dạy cho em.”

Gì thì gì cũng sống chung dưới một mái nhà, yêu thương chăm sóc, quan tâm đùm bọc, tất cả đều là thật. Vậy nên trong một chốc một lát anh chẳng đành lòng xử sự quá tuyệt tình với con bé.

===

Chú Thích

Lăng trì hay còn gọi là tùng xẻo hay xử bá đao là một trong những hình phạt tử hình được dùng rộng rãi ở Trung Quốc thời cổ xưa từ năm 900 cho đến khi chính thức bị bãi bỏ vào cuối thời nhà Thanh năm 1905.

Phạm nhân khi được xử tử sẽ bị trói vào cột, sau đó bị khoái tử thủ (đao phủ) chặt hết tay chân rồi dùng dao bén xẻo từng miếng thịt cho đến chết. Lăng trì đôi khi được dùng như một nhục hình để hành quyết người còn sống, hoặc như một hình thức lăng mạ phạm nhân sau khi bị xử chết. Những kẻ phạm những tội như: phản quốc, nổi loạn chống vua, sát nhân hay giết cha giết mẹ…đều bị pháp luật thời đó luận án và xử lăng trì.

Hình phạt lăng trì này cũng được áp dụng tại Việt Nam dưới triều Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức thi hành đối với những kẻ phản loạn, thừa sai (những giáo sĩ được tổ chức tôn giáo ở Paris cử sang các nước Đông Nam Á, và Đông Á để truyền bá đạo Ki-tô), giáo dân đạo Ki-tô (đạo Cơ-đốc)…

Bản dịch được đăng duy nhất ở Bạch Ngọc Sách VIP-Reader!