Chương 293: Sống thật

[Dịch] Thập niên 70: Đoán Mệnh Sư

Tuý Cai Ngoạn Tử

9.337 chữ

02-09-2023

Ông Tống choáng váng, trước mắt tối sầm, cả người lảo đảo chực ngã. Anh ba Trương vội vươn tay đỡ: “Không không, mẹ cháu không có việc gì. Chẳng qua hôm nay cháu sang đây là muốn thỉnh pho tượng đồng tử hộ thân của mẹ cháu về bên nhà.”

Mới vừa trải qua cú sốc, còn chưa kịp định thần thì đã nghe thấy bốn chữ “đồng tử hộ thân”, ông Tống ngỡ ngàng siết mạnh tay thằng cháu, gấp gáp hỏi dồn: “Làm sao mày biết? Ai nói mà biết?”

Phản ứng của ông bác đã nói cho anh ba Trương biết Tống gia thực sự có thứ mà Văn đại sư cần. Thế nên anh liền giải thích đầu đuôi ngọn ngành.

Nghe xong, ông Tống tự dưng đờ ra, thất thần gieo người xuống ghế, lẩm bẩm trong vô thức: “Đã nói rồi mà, không thể làm như vậy mãi được, chắc chắn hậu quả sẽ không tốt…trời ơi…”

Anh năm Tống liếc cậu em họ rồi rối rít thúc giục cha: “Cha à, cha vào lấy đi mau lên, cô út đang đợi kia kìa…”

Ông Tống thở dài một hơi rồi đứng dậy, liêu xiêu đi vào phòng mình. Lát sau ông ôm một cái hộp hình chữ nhật ra tới rồi nói với anh ba Trương: “Đi, bác về cùng với mày.”

Nghe vậy, anh năm Tống lập tức gác công việc sang một bên, cuống quýt chạy theo, để lỡ có xảy ra chuyện gì còn can ngăn kịp thời. Chứ ông già nhà anh tính nóng như lửa, ngộ nhỡ sang đấy lại gây lộn với cô út là mệt lắm!

Tới Trương gia, ông Tống không chịu ngồi xuống uống hớp nước mà đi thẳng vào phòng thăm em gái. Ông bước đến bên giường, yên lặng quan sát cô em đang ngủ say li bì. Ông chép miệng thở dài rồi mở chiếc hộp nãy giờ vẫn ôm trước ngực, cung kính nâng bằng hai tay, nhấc pho tượng ra.

“Ngày bé sức khoẻ của nó rất kém, yếu ớt dễ bệnh, hay quấy khóc và đặc biệt là thường xuyên khóc đêm. Nghe người ta mách bảo, cha mẹ tôi đã lén đi tìm một vị đạo sĩ cao tay. Sau khi thỉnh được đôi đồng tử hộ thân, một cho nó và một cho ông anh hai cũng ốm yếu tương tự thì hai người họ khoẻ mạnh hơn thật. Con bé út cũng có thể ngủ ngon hàng đêm, không còn quấy khóc nữa.”

Và kể từ đó trở đi, hễ mỗi khi bà Trương giận dỗi hay nổi nóng là cha mẹ sẽ bắt bà vào phòng, dập đầu sám hối trước tượng đồng tử cho tới khi nào nguôi giận, suy nghĩ thông suốt mới được ra. Thậm chí đồ ăn thức uống của bà cũng bị dâng lên cúng đồng tử, bà chỉ có thể quỳ trên mặt đất nhìn, không được ăn.

Dần già, bà Trương học được cách che giấu cảm xúc thật. Ở trước mặt mọi người, bà luôn thể hiện vẻ ngoan ngoãn, thân thiện. Tới tận lúc gả chồng, sinh con đẻ cái cũng vẫn duy trì vỏ bọc đó.

Thẳng cho tới một ngày, khi đó bà Trương mới vừa sinh thằng con trai đầu lòng, ông Tống không hẹn trước, bất ngờ tới thăm cô em.

Hôm đó nhằm trúng ngày mùa, mọi người đi làm đồng hết, chỉ có bà Trương ở nhà chăm con. Mắt thấy cổng ngoài không khoá, ông Tống tự đẩy cổng bước vào. Ngờ đâu ông lại trông thấy một cảnh tượng vô cùng hãi hùng và tàn nhẫn. Cô em gái ông đang nghiến răng nghiến lợi bịt chặt miệng đứa bé hãn còn đỏ hỏn và không ngừng hằm hè doạ nạt: “Im mồm…không được khóc…tao cấm mày không được khóc…”

Cũng kể từ ngày hôm đó, tình cảm anh em chính thức rạn nứt. Bà Trương quay ra thù hằn ông anh trai vì lỡ nhìn thấy bộ mặt xấu xí mà mình đã nhọc công che giấu suốt bao lâu nay.

“Tôi khuyên nhủ nó rất nhiều lần rồi, có cái gì bực bội thì cứ nói ra, đừng giữ trong lòng. Nhưng nó sống chết không chịu nghe lời, còn tức tối, ghét bỏ tôi đâm ra hai anh em cứ ngày một xa cách.”

Rõ ràng sống cùng một trấn nhưng nhiều năm rồi anh em không qua lại, thậm chí là không nhìn mặt nhau.

Pho tượng đồng tử được điêu khắc thập phần sinh động, nếu nhìn kỹ có thể nhận ra thần thái của bà Trương ẩn hiện trong đó. Tất nhiên không thể đòi hỏi giống y đúc một trăm phần trăm, bởi khi khắc tượng bà mới chỉ là một cô bé. Còn giờ đây đã là một bà lão ngoài sáu mươi, ngoại hình đã đổi khác rất nhiều.

Anh ba Trương sốt ruột hỏi: “Văn đại sư, đồng tử hộ thân đã được mang tới rồi, tiếp theo chúng ta phải làm gì?”


Văn Trạch Tài rút một tờ giấy hoàng cốt tương trải lên bàn, hỏi sanh thần bát tự của bà Trương rồi dùng mực chu sa viết lên. Sau đó lót tờ giấy xuống đáy pho tượng đồng tử và cuối cùng là đặt lên bàn thờ Trương gia.

Xong xuôi, anh quay sang nói với anh ba Trương: “Thắp hương vái lạy.”

Đây là đồng tử hộ thân cho bà Trương, đương nhiên phải do con cháu bà chịu trách nhiệm thờ cúng.

Trước giờ tượng ngụ tại Tống gia, tuy vẫn có người thành kính hương khói nhưng dù sao đó cũng là nhà ngoại nên không còn linh nghiệm.

Văn Trạch Tài vừa dứt lời, chị ba Trương gấp gáp chạy đi chuẩn bị, anh ba cũng vội tắm ù một cái thay bộ quần áo sạch để làm lễ cho trang nghiêm.

Yên lặng nãy giờ, lúc này ông Tống mới dè dặt lên tiếng: “Giả dụ đồng tử vẫn luôn ở bên cạnh thì nó sẽ không bị như này chứ?”

Văn Trạch Tài lắc đầu: “Không những vẫn bị mà còn thảm hại hơn rất nhiều. Một khi đồng tử rơi vào tay bà ấy chắc chắn sẽ bị phá huỷ.”

Bởi vì trong lòng bà Trương, pho tượng đồng tử chính là ác mộng ám ảnh cả cuộc đời.

Nghe được lời này, ông Tống mới cảm thấy nhẹ nhõm đôi phần. Nãy giờ chạy vội qua đây, ông mệt đứt cả hơi, cũng chả yên tâm ngồi nghỉ vì quá lo lắng cho đứa em gái. Giờ thấy không còn chuyện gì của mình nữa, ông mới chịu ngồi xuống, uống hớp nước nghỉ mệt.

Trong khi ấy Tần Dũng và anh năm Tống cũng xắn tay áo giúp đỡ vài việc lặt vặt.

Quay đi quay lại chỉ có mỗi Văn Trạch Tài và Trương Phong là nhàn rỗi nhất.

Ngắm nghía pho tượng đồng tử nãy giờ, Trương Phong vẫn không thể nào lý giải nổi những thắc mắc trong lòng: “Đồng tử chỉ có tác dụng áp chế những cảm xúc tiêu cực của bà cháu xuống như vậy thì có khác gì cách làm cực đoan của cụ cố trước đây. Chung quy vẫn là hại bà mà?”

Suốt những năm tháng tuổi thơ, bà đã phải sống dưới sự khống chế và đè nén, giờ lại mang về thờ phụng vậy thì có khác nào bắt bà phải chịu đựng tiếp những năm tháng cuối đời?!

Văn Trạch Tài thở dài: “Ai nói đồng tử áp chế cảm xúc của bà nội cháu? Tác dụng chính của đồng tử là dùng để trấn hồn. Khi còn nhỏ, bà cháu hay bị giật mình, hốt hoảng nên người lớn trong nhà mới phải thỉnh đồng tử về để giúp bà có thể ngủ yên giấc. Còn cái chuyện dùng đồng tử để răn đe, uốn nắn trẻ nhỏ là hoàn toàn không đúng, tại người lớn hiểu lầm mà thôi. Mục đích thì tốt nhưng cách làm thì sai nên vô hình chung đã khiến bà cháu sợ hãi dẫn đến ám ảnh tâm lý và tự tìm cách đè nén cảm xúc. Chứ không có ai hay cái gì hại bà nội cháu cả.”

Thời xưa chưa biết đến kế hoạch hoá gia đình là gì, dù gái hay trai cứ có thai là đẻ nên nhà nào cũng một đàn con thơ nheo nhóc, cứ đứa lớn trông đứa bé chứ cha mẹ nào có thời gian chăm bẵm, quan tâm từng đứa. Hơn nữa cũng chẳng có điều kiện và kiến thức về dinh dưỡng thế nên đối với họ chỉ cần sống được là tốt rồi.

Và để kéo dài sự sống cho đứa con gái út yếu ớt, họ đặt trọn niềm hy vọng lên pho tượng đồng tử, ngày ngày kính cẩn thờ phụng. Thế nên mỗi khi bà Trương hư quấy, họ sẽ cho rằng đồng tử giận dữ nên liền bắt con gái phải dập đầu tạ tội.

Sau khi vợ chồng anh ba Trương làm lễ dâng hương xong, Văn Trạch Tài trích một giọt máu của bà Trương điểm lên vị trí ấn đường của pho tượng.

Ngay lập tức, bà Trương nhăn mày nhăn mặt, cơ thể co rúm, miệng rên rỉ như thể đang đau đớn lắm.

Thẳng cho tới khi giọt máu hoàn toàn thấm vào pho tượng, màu đỏ tươi biến mất thì bà Trương mới thả lỏng cơ thể, từ từ mở mắt.

“Mệt quá!”

Đây là câu đầu tiên bà Trương nói sau khi tỉnh lại,

Trương Phong vội vàng tiến tới, nắm chặt tay bà nội: “Bà mệt làm sao, đau chỗ nào, có tức ngực khó thở không?”


Nhìn thấy thằng cháu nội, bà Trương cong khoé miệng, hiền từ đáp: “Thấy thằng cháu yêu của bà là bà khoẻ re, chẳng còn thấy đau mệt gì hết ráo.”

Ngữ khí nói chuyện quen thuộc khiến anh ba Trương suýt chút bật khóc.

Bà Trương nâng mắt nhìn mọi người một lượt rồi ra hiệu cho cháu nội đỡ mình ngồi dậy. Bà không mất trí nhớ. Tất cả những chuyện xảy ra trong mấy ngày gần đây bà đều nhớ rất rõ.

“Vợ chồng thằng ba lại đây mẹ biểu”

Anh chị ba cắn chặt môi, bước tới trước mặt mẹ.

Bà Trương nước mắt vòng quanh, nắm lấy tay con trai và con dâu, nức nở hối lỗi: “Tại mẹ hồ đồ, mẹ hiểu nhầm các con. Mẹ biết mẹ sai rồi….Các con đừng trách mẹ…nhá…”

Chị ba Trương bật khóc. Lúc biết những yêu thương ngọt ngào trước kia chỉ là giả dối chị đã buồn và tổn thương rất nhiều. Nhưng tốt xấu gì mẹ chồng nàng dâu cũng chung sống hơn hai mươi năm trời, không có tình thì cũng có nghĩa. Hơn nữa bà đã nhìn nhận ra sai lầm của mình thì chị cũng sẽ cố gắng bỏ qua khúc mắc để giữ hoà khí gia đình.

Văn Trạch Tài và Tần Dũng nghỉ lại Trương gia một đêm. Sáng hôm sau, trước khi rời đi, anh gọi anh ba Trương lại dặn dò: “Nhớ kỹ, sáng sớm mỗi ngày đốt một nén nhang, nửa tháng dâng lễ một lần.”

“Đa tạ Văn đại sư, đa tạ Văn đại sư”, anh ba Trương định quỳ tạ ơn nhưng Văn Trạch Tài đã ngăn lại.

Kỳ thực sự việc lần này tương đối gay go nhưng may mắn Tống gia có sẵn đồng tử hộ thân thành ra giải quyết khá nhẹ nhàng chứ nếu không sẽ còn lắm nhiêu khê và rắc rối. Văn Trạch Tài chỉ hỗ trợ chút đỉnh nên không dám nhận một lạy này.

Bà Trương đã khôi phục thần trí, nhưng tính tình cũng từ từ thay đổi, có đủ hỷ nộ ái ố giống với người bình thường hơn. Lâu lâu bà sẽ nổi giận to tiếng hoặc cứ nhắc đi nhắc lại mãi mấy chuyện nhỏ nhặt vụn vặt. Nhưng anh ba Trương lại vô cùng hạnh phúc và vui mừng, vì đây mới là người mẹ chân thực có máu có thịt của anh. Anh không cần một bà mẹ hoàn hảo, anh chỉ mong mẹ được sống thoải mái, tự tại, không phải chịu bất cứ sự gò bó hay hạn chế nào!

Bản dịch được đăng duy nhất ở Bạch Ngọc Sách VIP-Reader!