Chương 4

Chỉ Vì Gặp Được Em

13.362 chữ

14-01-2023

Buổi đêm, bầu trời đổ cơn mưa nhỏ, Yến chậm rãi chạy xe trở về nhà. Khi về đến cổng, cô ngây người nhìn cảnh tượng bên trong, sân nhà có ánh đèn mờ mờ, mái hiên ngả màu rêu phong nhỏ mưa tí tách xuống giàn hoa giấy, bên dưới giàn hoa là một bộ bàn ghế đan bằng mây. Trong trí nhớ của Yến, lúc ông còn sống, tự tay ông đan bộ bàn ghế và đặt dưới giàn hoa giấy, mỗi khi ông đi công tác về, chiều hoàng hôn, hai ông bà sẽ ngồi ở đó, cùng nhau uống trà hoặc thư thái đọc báo. Bây giờ ông không còn nữa nhưng bà vẫn giữ thói quen ngồi dưới giàn hoa rợp bóng mát, thỉnh thoảng có mấy bà, mấy bác cùng khu phố sẽ đến tâm sự cùng bà ngay dưới giàn hoa này.

Khung cảnh lãng mạn ấy diễn ra trong tâm trí của cô gái trẻ chưa lâu thì bất chợt, Yến như phát hiện ra điều gì đó không bình thường. Thường ngày, mỗi khi đi làm về, khung cảnh trước cửa nhà tối thui, thứ ánh sáng mờ mờ hiện tại kia từ đâu mà có? Không lẽ bà cô không ngủ được? Đây đích thị là ánh sáng phát ra từ trong nhà.

Yến chạy vội vào trong nhà, cô toan bật công tắc đèn ở phòng khách lên thì phát hiện, phòng ngủ của bà đang mở cửa, ánh sáng kia phát ra từ phòng của bà. Và kinh ngạc hơn nữa chính là, bà của cô giờ đây đang nằm sấp dưới nền đá hoa lạnh lẽo.

Chân tay Yến run rẩy không ngừng, cô ngồi xuống đỡ bà vào lòng, hấp tấp hỏi:

— Bà ơi, bà bị sao thế này? Bà ơi, bà tỉnh dậy đi! Sao bà lại nằm ở đây?

Trong suy nghĩ của Yến dấy lên một cảm giác bất an, liền sau đó, nước mắt cô giàn giụa khắp gương mặt. Từ nhỏ, Yến vốn là một đứa trẻ mồ côi, cô may mắn được ông bà nhận về nuôi, thương yêu như r,uột th,ịt… cho cô một mái ấm với bao tình thương và sự che chở. Cô không biết bố mẹ mình là ai, cũng không có người thân thiết, họ hàng nào khác. Đối với cô, ông bà là người thân yêu nhất cuộc đời. Ông của cô mất cách đây hơn chục năm, chỉ còn bà… Nếu như bà có mệnh hệ gì, cô thực sự không biết phải làm sao.

Trong lúc hoảng loạn, Yến chỉ biết ôm lấy bà đang nằm co quắp, sau khi trấn tĩnh lại, cô gạt nước mắt, gọi taxi đưa bà vào bệnh viện. Người ta đẩy bà vào phòng cấp cứu, ngồi bên ngoài hành lang, Yến không ngừng dằn vặt và tự trách chính mình. Nếu như cô không đi làm ở quán bar, cô không để bà ở nhà một mình thì bà cô đã không xảy ra tình huống này. Bà đã chăm sóc cho cô bao năm trời, vậy mà… lúc bà cần có cô ở bên nhất, cô lại cười đùa vui vẻ trong quầy bar.

Đêm hôm ấy, Yến gần như thức trắng, cô mệt mỏi ngồi tựa lưng vào ghế, hai tay chắp lại cầu khấn trời phật ban phép màu đến với sức khỏe của bà cô. Cánh cửa phòng cấp cứu im lìm, rất lâu sau cũng không thấy có người ở bên trong đi ra. Gần sáng, cơn mưa bắt đầu nặng hạt, Yến ngồi co quắp ở hành lang chờ đợi. Cho đến khi cánh cửa phòng cấp cứu mở ra, cô gần như mất hết kiên nhẫn, vầng mắt thâm quầng chạy vội đến bên vị bác sĩ đeo mắt kính cận và tò mò hỏi:

— Bác sĩ… bác sĩ… tình hình của bà cháu sao rồi ạ? Bà cháu không sao chứ ạ?

Vị bác sĩ mệt mỏi tháo bỏ chiếc khẩu trang chuyên dụng trên mặt mình xuống, trải qua ca cấp cứu căng thẳng, ông chậm rãi nói:

— Tình hình của bệnh nhân rất không lạc quan, tại sao gia đình không quan tâm đến sức khỏe của bà cụ như vậy? Tình trạng hẹp van tim ở mức 4/4, diện tích mở van < 1,0 cm dẫn đến ho, khó thở, mệt mỏi, suy tim và đột quỵ. Nếu không cấp cứu kịp thời, tôi e là không thể cứu vãn nổi.

Yến đứng gần như không vững. Bà cô bị tim? Bao lâu nay cô không hề hay biết. Bà cũng luôn miệng nói sức khỏe mình ổn, bà không sao hết. Ngày ngày bà vẫn vui vẻ làm việc nhà, đi chợ, nấu ăn, trò chuyện với mấy người hàng xóm thân thiết. Bác sĩ vừa nói gì nhỉ? Bà bị hẹp van tim ở mức 4/4 nên gây ra các triệu chứng ho, khó thở, mệt mỏi… Đúng rồi, tại sao cô lại không chú ý đến những biểu hiện này kia chứ? Rõ ràng lâu nay cô thấy bà ho nhiều về đêm, những tiếng ho như thắt lòng thắt dạ… Bà lại nói đó là cảm mạo thông thường. Ôi, cô thật ngu ngốc mà! Tại sao cô lại chủ quan trước sức khỏe của bà như thế được?

Thấy gương mặt Yến trắng bệch, vị bác sĩ lại nói thêm:

— Tôi nghĩ, gia đình nên chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, ở đó, đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao, nữa là máy móc, thiết bị y tế hiện đại sẽ hỗ trợ thăm khám và điều trị tốt hơn.

Nói rồi, vị bác sĩ lặng lẽ rời đi. Nước mắt giàn giụa khắp gương mặt cô gái trẻ. Yến như người mất hồn, khó khăn lắm cô mới lê bước về dãy ghế hành lang và ngồi xuống. Bệnh viện tuyến trên ư? Nói vậy nghĩa là, tình hình sức khỏe của bà cô rất nguy kịch?? Yến sợ hãi và lo lắng vô cùng. Cô phải làm gì đây? Cô ước, vào thời khắc này có Khải ở bên. Cô thấy mình yếu đuối hơn bao giờ hết. Nếu như Khải có mặt ở đây, chắc chắn cô sẽ dựa đầu vào ngực anh, được anh an ủi và nói “có anh đây rồi, bà sẽ không sao đâu, bà nhất định sẽ khỏe lên, em đừng khóc”…. Nhưng mà, đó chỉ là điều ước mà thôi. Khải của cô, ngay cả một cuộc gọi thông thường cô cũng không nhận được. Giờ này anh đang làm gì kia chứ? Đang gác đêm? Hay đang chìm trong giấc nồng??

Trời sáng, nhân viên y tế chuyển bà cô từ phòng cấp cứu ra phòng bệnh chăm sóc thông thường, khắp người bà giờ đây chằng chịt những dây dợ và máy móc hỗ trợ. Đôi mắt bà nhắm nghiền, mái tóc vốn đã bạc trắng giờ đây càng bạc trắng nhiều hơn. Yến ngồi xuống bên giường, cô chạm nhẹ lên bàn tay nhăn nheo của bà, không kìm được mà rơi nước mắt. Cô phải làm gì đây? Tiếp theo cô nên làm gì đây? Chuyển bà lên bệnh viện tuyến trên ư? Đúng vậy, cần phải chuyển bà đến cơ sở y tế cao cấp hơn. Nhưng chắc chắn, chi phí khám chữa bệnh và nằm viện sẽ vô cùng đắt đỏ. Yến khẽ nhẩm tính trong đầu, cô dành dụm được chút tiền, nhiêu đó liệu có đủ để chữa bệnh cho bà không?

Nếu như đưa bà lên tuyến trên, tạm thời cô phải gác lại toàn bộ công việc… Yến nghĩ đến mức đầu óc nổ tung ra.

Buổi chiều cùng ngày, vì quá mệt mỏi nên Yến ngủ gục bên giường bà. Khi nghe thấy tiếng ho xé lòng của bà vang lên, cô choàng tỉnh, đôi mắt đỏ hoe luống cuống hỏi:

— Bà ơi, bà thấy trong người thế nào ạ? Bà có đau không? Có thấy khó thở không? Bà có đói bụng không?

Bà nhìn Yến trìu mến đáp:

— Bà không đói. Tại sao bà lại nằm ở đây?

Yến định nói bệnh trạng hiện tại của bà, nhưng cô sợ, sau khi nói ra những điều ấy sẽ khiến bà lo lắng nên nhanh trí vẽ ra một lời nói dối:

— Bà bị kiệt sức nên ngất đi, bác sĩ nói, chỉ cần bà ăn uống đầy đủ, giữ gìn sức khỏe là có thể ra viện ạ!

— Bà nằm đây bao lâu rồi? Con đã ăn uống gì chưa? Sao nhìn mặt con hốc hác như vậy?

— Bà nằm đây từ đêm qua. Con ăn rồi, bà không cần lo cho con đâu. Con khỏe lắm!

— Bà chỉ bị kiệt sức mà nằm từ đêm qua đến giờ mới tỉnh à?

Bà tò mò hỏi lại khiến Yến nhất thời không biết phải nói sao. Lát sau cô chậm rãi nói:

— Vâng. Bà chỉ bị kiệt sức thôi, nữa là do tuổi tác cao, sức khỏe không được tốt nên bà mê man đến giờ. Bà nằm đây, con đi ra ngoài mua chút gì cho bà ăn nhé.

***

Buổi chiều, sau khi tắm gội và ăn chút quà vặt, Thùy nằm dài trên sofa và thong thả lướt web, trời còn chưa tối nên cô vẫn có thời gian rảnh để xem thông tin từ bạn bè hoặc đọc một vài bài báo. Ngón tay lướt nhẹ trên màn hình cảm ứng, bỗng, hình ảnh của người đàn ông mặc bộ vest màu xám hiện lên trước mắt cô, ở bên dưới là title “Vị CEO quyền lực của Thiên Hoàng Group, từ ông trùm “khoáng sản” đến đại gia “năng lượng”.

Nhìn gương mặt người đàn ông này rất quen, đây chẳng phải là vị khách xuất hiện 2 ngày liên tục ở Vũ trường Ánh Dương sao? Không kìm được nỗi tò mò, Thùy click vào link bài báo và chăm chú đọc.

“Theo tìm hiểu của tờ báo Vietdaily, Thiên Hoàng Group được thành lập vào tháng 11/1995, do ông Hoàng Hải làm Chủ tịch. Sau nhiều năm hoạt động kinh doanh tích cực ở khu vực các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, ông Hoàng Hải lui về hậu trường, để người con trai duy nhất của mình là Hoàng Dương lên làm Chủ tịch.

Tính tới tháng 10/2015, quy mô vốn của Thiên Hoàng Group đạt 300 tỷ đồng. Tập đoàn của vị CEO trẻ tuổi kinh doanh đầu tư vào nhiều dự án trong các lĩnh vực khai thác mỏ, xây dựng cầu đường và thủy điện.

…”

Những đoạn tiếp theo, Thùy không còn tâm trí để đọc nữa. Ban đầu, khi gặp hai người đàn ông đó ở vũ trường, cô cảm thấy họ rất lạ mặt… quả nhiên không sai. Đại gia khét tiếng của đất Hà Thành “ngự giá” ở phố núi như thế này không lạ mới “lạ” đấy. Suy nghĩ một lát, Thùy mở điện thoại và gọi điện cho Yến. Cô nàng không nghe máy. Thùy gọi 2 lần nhưng vẫn không có tín hiệu gì. Lát sau, cô nằm lim dim nhắm mắt thì điện thoại đổ chuông. Yến gọi tới, cô hờ hững nói vào điện thoại:

— Bận gì mà gọi mấy cuộc không nghe thế hả?

— Chị Thùy, bà em đang nằm viện. Khi nãy em bận bón cháo cho bà nên không tiện nghe điện thoại. Chị gọi em có việc gì không?

Giọng Yến mệt mỏi truyền đến trong điện thoại, nghe cô ấy nói bà phải nhập viện, Thùy nhất thời quên đi chuyện hay ho mà bản thân vừa khám phá ra được. Cô nhẹ nhàng hỏi lại:

— Tình hình bà bây giờ thế nào em? Bà có ăn được gì không? Bác sĩ kết luận thế nào?

— Bà em vẫn mệt lắm. Khi nãy em dỗ dành mãi mới ăn được chút cháo. Tình hình này em phải nghỉ việc ở quầy bar một thời gian rồi.

— Thương 2 bà cháu quá. Ngày mai rảnh chị ghé qua viện thăm bà nhé. Bây giờ muộn rồi, sắp sửa đến giờ đi làm, chị qua đó cũng được nhưng không ở chơi được lâu.

— Vâng. Khi nào rảnh thì chị qua cũng được.

— Ừ. Vậy em giữ gìn sức khỏe, chăm sóc bà chu đáo nhé. Sáng mai ngủ dậy rồi chị qua.

Nói rồi Thùy tắt máy. Dẫu không phải người thân của cô nằm viện, nhưng cô và Yến, chị em quen biết nhau từ thuở còn là nữ sinh trung học, tính cách tuy khác nhau nhưng hai chị em lại hợp nhau, ngày càng thân thiết gắn bó. Thấy bà của Yến đau ốm như vậy, Thùy cũng chẳng vui vẻ gì nổi. Nữa là, tối nay đến quầy bar, thiếu đi hình bóng của Yến, chắc chắn sẽ trống trải lắm.

***

Buổi sáng ngày hôm sau.

Khoảng 10h, Thùy chạy xe từ nhà tới bệnh viện, trên đường đi, cô không quên ghé vào siêu thị mua một giỏ trái cây nhìn đẹp mắt. Đến sảnh bệnh viện, cô kiên nhẫn đợi Yến xuống đón mình. Đi dọc dãy hành lang, nhìn vẻ ngoài mệt mỏi của Yến, Thùy động lòng nói:

— Mới ở viện 2 ngày thôi mà nhìn màyy gầy đi nhiều đấy. Chị thương màyy quá Yến ạ. Có 2 bà cháu, lúc đau ốm nương tựa vào nhau như thế này…

— Em không sao đâu. Mệt quá em lại lăn ra ngủ như chếtt. Em chỉ lo cho bà thôi, em sợ nhất là bệnh tình của bà ngày một phức tạp. Bác sĩ nói, gia đình nên chuyển bà lên bệnh viện tuyến trên, trường hợp của bà phải phẫu thuật may ra mới khá lên được. Em đang không biết phải làm sao. Bây giờ đến Hà Nội, cái gì cũng đắt đỏ… mà em lại chẳng có nhiều tiền.

— Em cần bao nhiêu tiền?

Thùy cầm tay Yến, đôi mắt cô nhìn thẳng vào mắt Yến và hỏi.

— Em vẫn còn tiền. Nhưng vấn đề là, phải đưa bà xuống Hà Nội, bác sĩ thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị… khi ấy mới biết đích xác là tốn kém bao nhiêu. Nhưng em nghĩ, bệnh lý liên quan đến tim mạch, chi phí khám chữa bệnh là không rẻ đâu.

— Chị có chút tiền dành dụm được, nếu như bà phải phẫu thuật… chị có thể cho em vay. Khi nào có thì gửi chị cũng được. Chỉ sợ là, bác sĩ nói con số ấy quá lớn… thì chị cũng lực bất tòng tâm.

Nghe Thùy nói vậy, Yến rưng rưng xúc động, sau cùng, nước mắt chảy thành dòng, cô thực sự trân quý tình cảm mà Thùy dành cho bà cháu cô.

— Em cảm ơn chị. Nếu như khó khăn quá, chị cho em mượn đỡ nhé.

— Chị em với nhau, không phải câu nệ chuyện đó. Giúp được thì chị sẽ giúp. Đừng ngại.

Kiệt quệ nhiều ngày dài, sau lần đột quỵ vào đêm đó, sức khỏe của bà Nhật ngày một kém đi. Thùy theo Yến vào phòng bệnh, thấy bà đang ngủ nên chị em cô lại dẫn nhau ra ngoài hành lang bệnh viện để tâm sự.

— Bác sĩ kết luận thế nào? Em có định đưa bà xuống Hà Nội không?

— Chuyện đi Hà Nội là chắc chắn, dù khó khăn, tốn kém cỡ nào em cũng phải cố gắng đưa bà đi chữa bệnh. Nghe bác sĩ nói, bà em bị hẹp van tim ở mức 4/4, chính vì điều này nên những ngày gần đây em thấy bà ho nhiều, có đêm bà thức trắng. Dường như bà sợ em lo lắng nên toàn giấu bệnh thôi, em cũng chủ quan… thành thử ra mọi chuyện mới nghiêm trọng như thế này.

— Chuyện này không trách em được, vì em có ở trong người bà đâu mà biết được thực hư sức khỏe của bà ra sao. Cũng không hẳn là bà giấu bệnh, chị thấy các cụ ngày xưa kiểu sợ đi khám, sợ đến bệnh viện, sợ tiếp xúc với những trang thiết bị máy móc hiện đại, cảm thấy chịu được đến đâu thì chịu. Với cả, thấy ho thì cũng mua thuốc về uống. Này là bệnh nhát và chủ quan đấy. Em cũng đừng lo lắng quá, y học bây giờ hiện đại lắm, chỉ sợ mình không có tiền, sợ nhất là bị u,ng th,ư nữa ấy. Chứ bệnh lý về tim mạch người ta vẫn chữa được. Lạc quan lên nhé!

Yến khẽ gượng cười đáp:

— Em cảm ơn chị!

— À, hôm qua chị định kể chuyện này với em mà quên mất đấy.

— Chuyện gì thế chị?

— Em còn nhớ 2 anh chàng đẹp trai lạ mặt ở Vũ trường Ánh Dương không?

— Em có. Sao thế chị?

— Hôm qua em không đi làm, chị cũng không thấy 2 gã đấy xuất hiện. Chiều qua, vô tình chị đọc được bài báo… thật không ngờ 2 anh chàng đấy là đại gia khét tiếng đất Hà Thành, ông trùm “khoáng sản” đấy.

— Ông trùm khoáng sản, nghĩa là sao hả chị?

— Là CEO của một tập đoàn sở hữu những mỏ khai thác khoáng sản với trữ lượng lớn, không chỉ mạnh về khai thác khoáng sản, tập đoàn này còn đẩy mạnh xây dựng cầu đường cũng như các dự án xây dựng nhà máy thủy điện.

— Ghê gớm thế cơ ạ?

— Chị nghĩ, chắc chắn họ đến đây là vì công việc, tranh thủ ghé vào quán bar để giải trí thôi.

— Bảo sao mạnh tay boa tiền thế, hôm nào xuất hiện cũng Tip nhiệt tình.

— Vào thăm bà mà bà ngủ mất rồi. Lúc khác chị lại đến nhé. Em chú ý giữ gìn sức khỏe, cần gì thì nói với chị, biết chưa?

— Vâng. Chị đi cẩn thận nhé.

Bản dịch được đăng duy nhất ở Bạch Ngọc Sách VIP-Reader!