Chương 1

Ẩn Thế Hào Môn

15.109 chữ

04-02-2023

Nhà họ Phạm bao đời nay làm ăn hưng thịnh, giàu có nức tiếng trong vùng. Nhắc đến Phạm Gia không ai là không biết đến, nhà họ có một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất nhì khu vực phía bắc. Người ta đồn nhau rằng của cải của Phạm Gia nhiều đến mức con cháu ăn chơi ba đời cũng chẳng hết.

Với gia thế cùng sự giàu có như vậy, Phạm Gia thừa sức sống xa hoa ở một thành phố lớn, nhưng họ vẫn chọn ở lại trên đất ông bà tổ tiên, nơi một vùng quê yên bình . Căn nhà của họ không phải là biệt thự xa hoa lộng lẫy, cũng chẳng phải là biệt phủ rộng bao la, mà chỉ là một căn nhà 2 tầng đơn giản, xung quanh căn nhà được trồng những cây ăn quả quen thuộc.

Phạm Gia còn có lối sống vô cùng giản dị và hòa nhã với xóm làng, họ không phân biệt sang hèn, cao thấp, không tỏ vẻ ngạo nghễ, kiêu căng. Châm ngôn sống của Phạm Gia bao đời nay là ” Dành cả một đời để đi theo lý tưởng”, mà lý tưởng của họ chính là giúp đỡ những người nông dân nghèo, họ dạy người dân kỹ thuật chăn nuôi và hỗ trợ, cung cấp thức ăn gia súc. Vì vậy mà Phạm Gia rất được lòng mọi người, ai ai cũng dành cho Phạm Gia sự tôn trọng và kính nể.

Người dân trong làng thường hay nói với nhau rằng, Phạm Gia thường xuyên làm việc thiện nên phúc đức sâu dày, vận khí gia đình ngày một tốt nên họ mới luôn may mắn trong chuyện làm ăn, con cháu thì đều giỏi giang xuất chúng, công ty thức ăn chăn nuôi PG của dòng họ ngày càng lớn mạnh.

Thế nhưng nào ai ngờ rằng, một năm trở lại đây Phạm Gia bỗng xảy ra biến cố lớn, đàn ông trong nhà lần lượt ch.ết một cách khó hiểu. Đầu tiên là ông nội bị đột tử, khi đó mọi người trong gia đình chỉ nghĩ rằng ông đã ở cái tuổi gần đất xa trời lại cộng thêm bệnh huyết áp cao nên không tránh khỏi một ngày ông rời xa cõi đời này.

Dù cái ch.ết của ông nội không có gì đáng nghi ngờ nhưng người dân trong xóm vẫn khuyên người nhà nên đi coi bói xem người ch.ết có phạm giờ xấu hay không? Nhưng Phạm Gia trước nay không tin vào mấy chuyện bói toán mà cứ để mọi thứ thuận theo ý trời.

Ba tháng sau, nỗi đau ông nội mất còn chưa nguôi ngoai thì Phạm Gia lại nhận một tin dữ, con trai cùng cháu đích tôn đang trên đường đi gặp đối tác thì trời bỗng đổ cơn mưa to, do trời mưa nên đường trơn trượt, nước mưa lại làm khuất tầm nhìn nên chiếc xe của hai bố con mất lái đâm vào chiếc xe ở phía trước. Cuộc va chạm mạnh khiến hai bố con ch.ết luôn tại chỗ.

Một lúc mất hai người đàn ông trụ cột trong gia đình đối với Phạm Gia là một cú sốc vô cùng lớn, không những người trong Phạm Gia mà cả người dân trong vùng, ai nấy đều thương tiếc, đau xót vô cùng tận. Nỗi đau thấu tận tâm can, người trong gia đình không ai còn đứng vững nổi nữa, một màn tang thương bao phủ cả một vùng quê.

Niềm hy vọng duy nhất của Phạm Gia bây giờ chỉ còn một đứa cháu trai, nhưng đứa cháu này sống rất buông thả, ngày ngày tụ tập bạn bè, tiệc tùng thâu đêm suốt sáng tại các quán bar. Tuy đã 27 tuổi rồi nhưng chưa bao giờ nghiêm túc với chuyện làm ăn của gia đình, lúc nào cũng chỉ biết ỷ lại cho bố và anh trai. Không biết liệu rằng sau cú sốc lớn này, đứa cháu trai có thay đổi suy nghĩ để trưởng thành lên hay không?

Nghĩ đến gia cảnh hiện tại, bà nội phải nuốt nước mắt ngược vào trong, nén chặt nỗi đau buồn vào tận sâu trong đáy lòng. Lúc này bà cần phải giữ gìn sức khỏe của mình vì hơn ai hết, bà biết nếu bà xảy ra mệnh hệ gì nữa thì chắc chắn dòng họ Phạm Gia sẽ nổi sóng lớn, chuyện tranh quyền đoạt vị là không thể tránh khỏi.

Dù Phạm Gia không mê tín nhưng gần đây có quá nhiều chuyện xấu xảy ra khiến bà nội không thể ngồi yên được nữa, bà gọi con dâu lại rồi bảo:

_ Con vào nhà chuẩn bị đi, hôm nay mẹ con ta sẽ đi coi bói một chuyến.

Nói với con dâu xong, bà nội quay sang quản gia Tự đang đứng bên cạnh, bà hỏi:

_ Đường đến nhà thầy Vang đó khó đi lắm phải không? Chắc phải nhờ đến quản gia Tự dẫn đường rồi.

_ Vâng. Tôi đi chuẩn bị ngay đây ạ.

Nhà thầy Vang nằm sâu trong hẻm núi, đường vừa nhỏ vừa gồ ghề nên ô tô không thể vào được, phải đi bộ 2km mới đến căn nhà chòi của thầy. Bà nội vừa bước chân vào cửa thì đã nghe tiếng thầy Vang vọng ra:

_ Nhà bà mới có người mất, mà người này ch.ết vào ngày, giờ không hợp tuổi, rơi vào kiếp sát nên mới dẫn đến trùng tang. Phải cần làm lễ cắt trùng tang ngay nếu không nhà bà sẽ không còn người nối dõi.

Nghe những lời thầy Vang nói, bà Kính bị hoảng sợ, bà phải bám chặt vào tay con dâu để giữ bình tĩnh. Cả một cơ ngơi lớn bà và ông đã nhọc công gìn giữ và phát triển, nếu không còn ai kế nghiệp thì cơ ngơi này sẽ chia năm sẻ bảy vào tay những người trong dòng họ, bà sao có thể đành lòng. Bằng bất cứ mọi giá, kể cả là đánh đổi cả tính mạng bà cũng phải bảo vệ đứa cháu trai duy nhất được an toàn.

Bà khẩn khoản nhờ thầy Vang nhanh chóng làm lễ cắt trùng tang, nhưng muốn làm lễ cắt trùng tang thì trước hết cần phải coi ngày và giờ đẹp, đâu có phải muốn làm là làm ngay được. Mà sau một hồi tính toán kỹ lưỡng thì cuối tháng này mới được ngày, tức là còn nửa tháng nữa mới có thể làm lễ cắt trùng tang.

Ngày nào còn chưa làm lễ là ngày đó trong lòng bà Kính lo lắng, thấp thỏm. Từ hôm ở nhà thầy Vang về, bà cấm cửa không cho đứa cháu trai của bà ra khỏi nhà nửa bước, bà còn thuê thêm cả chục vệ sĩ ngày đêm canh trừng, phòng đứa cháu trai bỏ trốn.

Sau bao ngày mất ăn, mất ngủ, cuối cùng bà cũng giữ được đứa cháu trai an toàn cho đến ngày làm lễ. Sáng hôm đó, bà cùng con dâu và quản gia Tự dậy thật sớm để đến chùa An Phúc như lời thầy Vang dặn.

Thế nhưng buổi hóa giải trùng tang vừa kết thúc, bà Kính còn chưa kịp thở phào thì liền nghe được tin dữ. Cháu trai duy nhất của bà trèo qua cửa sổ tầng hai định bỏ trốn nhưng không may trượt chân ngã xuống đất, bây giờ đang cấp cứu ở bệnh viện.

Con dâu của bà nghe tin con trai bị vậy liền ngất luôn tại chỗ, còn bà thì chân tay bủn rủn, đầu óc tối sầm lại, cảm tưởng như trời đất sụp đổ. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, bà kêu lên đầy oán hận:

_ Ông trời ơi là ông trời ơi!!! Sao ông lại để con khổ tâm thế này, thà ông giết con đi con hơn….

Thầy Vang nhìn bà Kính đầy thương cảm, ông vỗ vai bà trấn an:

_ Bà yên tâm, tính mạng của cháu trai bà vẫn giữ được…

Cậu Khiêm bị chấn thương sọ não, sau một thời gian điều trị thì cậu vẫn giữ được tính mạng như lời thầy Vang nói, tuy nhiên cậu không thể đứng dậy đi lại, nói chuyện như người bình thường được nữa mà nằm bất động một chỗ. Bác sĩ nói cậu bị rơi vào trạng thái sống thực vật, để phục hồi được là rất khó.

Bầu không khí ảm đạm bao trùm cả căn nhà, Phạm Gia bây giờ chỉ còn lại toàn là phụ nữ vậy nên không tránh khỏi nhiều kẻ dòm ngó. Ở cái tuổi như của bà Kính, đáng lẽ ra là được nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già thì bà lại phải đứng lên gánh vác cả một công ty lớn. Mấy năm nay bà đã rửa tay gác kiếm, không còn muốn lăn lộn, đấu đá trong thị trường kinh doanh đầy cạm bẫy này nữa. Thế nhưng bây giờ bà không đứng lên lãnh đạo thì chắc chắn vị trí này sẽ rơi vào tay kẻ khác, bà sao có thể đành lòng.

Bà đã có mấy chục này kinh nghiệm trên thương trường, vậy nên tài lãnh đạo của bà không phải là dạng vừa. Bà cố giữ chiếc ghế chủ tịch này với hy vọng cháu trai của bà sẽ sớm tỉnh lại, còn nếu không thể hồi phục lại được thì bà đã có cách khác.

Bà ngồi trong phòng làm việc trầm tư một hồi thật lâu, sau đó bà cầm điện thoại trên bàn rồi gọi cho thư ký Loan:

_ Cô lên phòng, tôi muốn gặp.

_ Dạ vâng, thưa bà…

Chưa đầy một phút sau thư ký Loan đã có mặt, bà lấp lửng:

_ Tôi muốn lấy vợ cho thằng Khiêm…..

Thư ký Loan nghe xong, trong lòng không khỏi sửng sốt nhưng ngoài mặt cô vẫn tỏ ra không cảm xúc để không làm phật lòng chủ tịch. Cô hỏi lại:

_ Bà muốn lấy vợ cho cậu Khiêm ạ?

_ Ừ. Nói đúng hơn là mua người về đẻ con nối dõi cho Phạm Gia. Nhưng tôi muốn chuyện này làm thật kín đáo, tuyệt đối không để lộ tin ra ngoài, sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của Phạm Gia. Hơn nữa tôi vừa đọc có một bản báo cáo ghi nhà ông Huyện ở làng Quan, cách đây không lâu trang trại của ông ta bị cháy lớn do chập điện, mấy ngàn con lợn bị chết cháy hết, mà số tiền cám ông ta nợ công ty đến cả chục tỷ, bây giờ không có khả năng để trả nợ nữa. Tôi muốn cô tìm hiểu xem nhà đó có con gái đến tuổi lấy chồng chưa, nếu có thì vừa hay, một bên cần tiền còn một bên cần người, sẽ dễ dàng thỏa thuận.

Ông Huyện thì Loan còn lạ gì nữa, nhà ông ấy sát vách nhà cô, hôm vụ cháy xảy ra cô cũng có mặt ở đó để chữa cháy giúp. Vợ chồng ông ấy quả thật rất đáng thương, bao năm vất vả phấn đấu làm ăn mãi mới khá giả lên chút thì trong một đêm lại mất sạch. Từ hôm đó đến nay, hai ông bà cứ như người mất hồn, chẳng còn thiết tha làm ăn gì nữa.

Cô khẽ nhìn bà Kính rồi nói:

_ Thưa bà, nhà ông Huyện ở gần nhà tôi. Nhà ông ấy có hai cô con gái đều đã đến tuổi lấy chồng. Cô con gái lớn tên Thu Quỳnh, năm nay 20 tuổi, đang học đại học y , còn cô con gái út tên Thu Đào, năm nay 19 tuổi, vì học hành không được tốt nên học hết cấp ba xong thì ở nhà phụ giúp việc chăn nuôi cho ba mẹ. Cả hai cô con gái đều thuộc vào dạng có nhan sắc, nhưng cô chị thì nhỉnh hơn một chút ạ.

Bà Kính gật gù nghe chừng hài lòng lắm, bà chậm rãi bảo:

_ Rõ ràng là cô chị hơn về mọi mặt nhỉ, lại còn đang học đại học y, sẽ giúp ích cho cháu trai của ta. Cô lập tức cho người xuống đó thỏa thuận, nếu họ đồng ý gả con gái lớn vào Phạm Gia thì ta sẽ trừ hết số tiền nợ cho họ. Bằng không ta đành phải siết nhà của bọn họ để trừ nợ thôi.

Ông Huyện nhận được lời đề nghị của Phạm Gia thì vừa mừng lại vừa lo, chỉ cần cô con gái của ông gả vào Phạm Gia thì ông không còn phải khổ sở vì nợ nần nữa, nhưng cái giá phải trả là hạnh phúc cả một đời của cô con gái. Mà đứa con gái này lại là đứa ông yêu thương nhất.

Ông còn chưa biết mở lời thế nào với cô con gái thì đã thấy bóng dáng nó từ ngoài cổng chạy vào, nó cương quyết:

_ Không đời nào con chịu lấy cái người sống mà như đã chết ấy đâu, con đường đường là sinh viên đại học y, tương lai rộng mở, bét nhất thì con cũng lấy được người làm cùng ngành mà…

Ánh mắt ông Huyện hiện lên đầy vẻ bất lực, ông cầm tay con gái, giọng nói nghèn nghẹn:

_ Con là người thông minh nên hiểu rõ tình cảnh của nhà mình lúc này mà, nhà mình vỡ nợ rồi, bây giờ tiền ăn còn phải chạy từng bữa nói gì đến chuyện có tiền cho con đi học nữa. Ba thương con nhưng ba hết cách rồi, ba không còn sự lựa chọn nào khác, ba thật sự bế tắc.

Dù ông có năn nỉ thế nào thì đứa con gái ngang ngược của ông nó cũng không chịu hiểu, nó hét lên:

_ Con không biết….. không biết…. con mặc kệ, con phải trở thành bác sĩ, con sẽ lấy người có đủ tay chân, đủ tỉnh táo để chăm sóc, bảo vệ con. Còn nếu ba cố tình ép con thì con sẽ nhảy sông tự vẫn cho ba xem…..

Nói đến đây, Thu Quỳnh liền chỉ tay vào người Thu Đào, cô nói tiếp:

_ Cái Đào nó không có ước mơ, cũng chẳng còn học hành gì, sao ba không gả nó đi để trừ nợ, sao nhất định phải là con.

Ông Huyện khổ sở giải thích:

_ Nhưng nhà họ không ưng ý em gái con, họ chê cái Đào nhà mình học vấn thấp, không xứng với nhà người ta.

Thu Quỳnh bĩu môi:

_ Lấy vợ cho một thằng cháu sắp ch.ết mà vẫn còn kén chọn, thật nực cười….

_ Ngậm miệng lại nếu không muốn nhà mình phải gặp rắc rối.

Bà Liễu từ nãy đến giờ nằm trong gian buồng đã nghe thấy hết cuộc nói chuyện của bố con Quỳnh, con gái của bà nói chuyện quá ngỗ ngược khiến bà đang ốm cũng phải bật dậy lên tiếng, bà quắc mắt lên nói tiếp:

_ Đào ra ngoài vườn cho mấy con gà ăn giúp mẹ, còn Quỳnh vào phòng mẹ nói chuyện.

Chẳng biết bà Liễu đã dạy bảo những gì mà khiến Quỳnh đồng ý gả cho Phạm Gia. Nhưng khi mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi, đến ngày đón dâu thì một sự thật được phơi bày, Quỳnh không phải con gái ruột của ông bà Huyện.

Chuyện cách đây 20 năm, bạn ông Huyện cùng vợ vượt biên sang Mỹ, họ để lại đứa con gái mới sinh nhờ ông bà Huyện chăm sóc. Bẵng đi một thời gian dài không thấy người bạn đó quay về nên ông bà Huyện nghĩ rằng họ đã quên đứa con gái này rồi vậy mà bây giờ đột nhiên họ lại quay về nhận con vào đúng lúc quan trọng thế này khiến ông bà Huyện rối như tơ.

Bà Liễu phải nói khéo lắm thì bên Phạm Gia mới chịu nguôi giận, họ đồng ý cho Thu Đào thay thế Thu Quỳnh nhưng chỉ được trừ một nửa số nợ, số nợ còn lại để đến khi nào Thu Đào sinh được con nối dõi cho Phạm Gia thì lúc đó mới được trừ hết.

Trong một ngày Đào nhận đến hai cú sốc khiến cô sợ hãi chỉ biết nép vào một góc tường, cô không biết phải đối mặt với những chuyện này như thế nào nữa. Từ thuở bé đến giờ cô còn chưa ra khỏi cái lũy tre làng này, bây giờ đột nhiên phải đi lấy chồng, cô sao có thể thích ứng nổi.

Bà Liễu thấy con gái đang hoảng sợ thì liền tiến lại gần, bà ôm Đào vào lòng trấn an:

_ Không cần phải quá lo lắng đâu, Phạm Gia trước giờ nổi tiếng là tử tế và quý người, nên họ sẽ không làm khó dễ con, cứ an tâm về bên ấy. Còn về phần chồng con tuy là nằm bất động nhưng chỉ cần con sinh được cháu trai nối dõi cho nhà họ thì mẹ chắc chắn cả đời con sẽ là phu nhân cao sang, quyền quý. Người ta hay nói ” Trong họa có phúc”, vượt qua được giông bão thì mới có thể nhìn thấy ánh mặt trời.

Nói xong, bà Liễu đưa tay lên vuốt mái tóc đen dài của con gái một lần nữa rồi ngậm ngùi trao cho Phạm Gia. Giờ đẹp đã tới, không thể chậm trễ thêm, Đào lên xe về nhà chồng, trên xe ngoài bà nội chồng ra còn có cả chị Loan, chị ngồi bên cạnh nói chuyện với Đào để Đào bớt căng thẳng:

_ Trước giờ chị cứ thắc mắc sao em với cái Quỳnh là hai chị em mà lại khác nhau thế, giờ mới vỡ lẽ Quỳnh hóa ra là con nuôi. Mà kể ra thì gia đình kia cũng kỳ, đi biền biệt bao năm không thư từ, hỏi han hay có một chút chu cấp nào, giờ về đưa cho nhà em chút ít tiền rồi đòi nhận con. Nghĩ mà chị thấy tức dùm cho ba mẹ em luôn ấy. Để nuôi được một đứa con học đến đại học thì đó là cả một quá trình vất vả, công sinh thành lớn thật đấy nhưng công dưỡng dục còn lớn hơn.

Nói đến đây chị Loan liền quay sang Đào hỏi:

_ Mà cái Quỳnh cũng nhận ba mẹ ruột nó luôn à Đào?

Đào nhỏ nhẹ đáp:

_ Vâng.

Chị Loan thở dài:

_ Thế chắc là nó cũng muốn sang Mỹ rồi.

_ Ba mẹ ruột chị Quỳnh nói là không qua Mỹ nữa, hai bác ấy đi nhiều năm như vậy cũng đủ rồi, bây giờ có chút vốn ở nhà làm ăn buôn bán nhỏ để an dưỡng tuổi già thôi.

_ Vậy hả, vậy mà chị tưởng họ về nhận con để đón qua Mỹ.

Từ nãy đến giờ bà Kính chỉ ngồi yên lặng quan sát cháu dâu qua kính chiếu hậu, dù bà không ưng ý gì đứa cháu dâu này nhưng bà cũng không thể phủ nhận được rằng đứa cháu dâu này có khuôn mặt rất dễ mến, qua cách nói chuyện bà cũng đoán được nó là đứa hiền lành. Nhưng đối với bà, hiền lành quá tức là nhu nhược và ngu ngốc, sẽ chẳng thể làm lên cơm cháo gì, rồi nó sẽ lại vô dụng như mẹ chồng của nó.

Về đến Phạm Gia, Đào được một người làm trong nhà dẫn vào một phòng nhỏ, Đào được trang điểm nhẹ nhàng rồi mặc lên người chiếc áo tân thời màu đỏ. Sau đó người làm dẫn Đào lên nhà trên để làm lễ gia tiên. Khi đã làm xong xuôi các Nghi thức, Đào được đưa về phòng tân hôn để gặp chú rể. Lúc này là lúc Đào hồi hộp nhất, dù chỉ là một người chồng nằm bất động thôi nhưng cũng khiến tim Đào như muốn rớt ra ngoài, Đào rón rén theo mọi người lên tầng hai, thế nhưng vừa đi đến cửa phòng thì đột nhiên một con chim đen từ trong phòng cậu Khiêm bay ra, quản gia Tự nhìn thấy vậy liền trợn mắt hét lên:

_ Có điềm dữ rồi bà ơi, chim đen bay vào phòng người ốm, cậu Khiêm lành ít dữ nhiều rồi….

Bản dịch được đăng duy nhất ở Bạch Ngọc Sách VIP-Reader!